Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, ở nước ta, nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người. Hậu quả đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, làm dư luận xã hội bức xúc, để lại những hậu quả rất nặng nề.
Các nước đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, hạn chế độ tuổi… Trong khi, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân Việt Nam lại khá dễ dàng.
Lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia. Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, Thượng tá Nhật cho rằng, việc làm của CSGT, xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.
Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, chế tài xử phạt, cần sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện. Chúng ta cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi này.
Kiểm soát nồng độ cồn ngay cạnh các nhà hàng, quán nhậu
Có ý kiến cho rằng, trước đây, CSGT đã tổ chức chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn ngay cạnh các nhà hàng, quán nhậu và hoạt động này đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện không triển khai nữa. Về vấn đề này, ông Nhật khẳng định, lực lượng CSGT vẫn kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường gần các nhà hàng, quán nhậu. Chúng tôi lựa chọn những vị trí để kiểm soát tốt những đối tượng sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông.
Hiện CSGT đang áp dụng biện pháp kiểm soát nồng độ cồn quốc tế, tương đương các nước, kiểm soát định tính trước rồi mới kiểm soát định lượng. Tức là bước đầu, chỉ cần xác định tài xế có cồn, thì mới chuyển sang kiểm soát nồng độ cồn cụ thể là bao nhiêu. Quá trình kiểm soát, chúng tôi cũng tính đến phương án điều tiết để giao thông vẫn thông suốt.
"Việc xử lý vi phạm giao thông bình thường đã khó khăn, đã tác động vào hoạt động của người tham gia giao thông. Việc kiểm soát người trong cơ thể có cồn còn phức tạp hơn bởi người ta không kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình.
Do đó, lực lượng CSGT cần có ứng xử khôn khéo, cương quyết, linh hoạt để tránh tình trạng tài xế có nồng độ cồn chống lại người thực thi công vụ"- ông Nhật cho hay.
Người vi phạm phải gọi taxi và xe ôm để tiếp tục cuộc hành trình". - Thượng tá Nhật nói.