Xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều

25-05-2020 08:55 | Xã hội

SKĐS - Sau khi Báo Sức khỏe&Ðời sống có bài phản ánh việc “Cần xử lý dứt điểm vi phạm tại đê tả sông Ðáy”, ngày 21/5, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã có Công văn số 1489/SNN-ÐÐ đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc dư luận.

Kiên quyết xử lý dứt điểm

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ gây bức xúc dư luận.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi phát sinh những vi phạm mới. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thỏa thuận, xin cấp phép trước khi có hoạt động liên quan đến đê điều; kiểm tra, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ảnh hưởng đến an toàn của công trình đê điều; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực lòng sông, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, vận động các tổ chức, cá nhân trong địa bàn quản lý không khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép ở khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều và khu vực lòng sông...

Các vi phạm về an toàn đê điều sẽ được các sở, ngành và địa phương tập trung xử lý có hiệu quả.

Các vi phạm về an toàn đê điều sẽ được các sở, ngành và địa phương tập trung xử lý có hiệu quả.

6 tháng phát sinh 6 sự cố đê, kè, bờ, bãi sông

Trong đó, có 4 sự cố về đê, 1 sự cố về kè, 1 sự cố bờ, bãi sông. Ngoài ra, có 1 sự cố công trình đê điều cũ tiếp tục phát triển. Các sự cố này đã được Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (ĐĐ&PCLB) Hà Nội phát hiện sớm thông qua công tác thường xuyên kiểm tra theo dõi. Chi cục cũng đã có báo cáo, đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý kịp thời.

Song song theo dõi diễn biến, xử lý sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đê điều, Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội cũng tăng cường công tác quản lý thỏa thuận, cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Đê điều. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tham mưu, dự thảo để UBND thành phố ban hành 17 quyết định và 18 thỏa thuận cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều; tham mưu Sở NN&PTNT ban hành 53 văn bản, Chi cục ban hành 513 văn bản về thỏa thuận xây dựng liên quan đến đê điều.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 28 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Chính quyền các quận, huyện, thị xã đã xử lý được 53 vụ vi phạm (trong đó 52 vụ của các năm trước, 1 vụ của năm 2020), số vụ vi phạm của 6 tháng còn tồn đọng là 27 vụ.

Từ thực tiễn quản lý, từ nay đến cuối năm 2020, Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp theo dõi diễn biến sự cố công trình đê, kè, cống trên địa bàn thành phố, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão. Cùng với đó, tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, đôn đốc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn