Xử lý đối tượng uy hiếp bằng “bom bẩn”: Chế tài xử phạt còn quá nhẹ

26-07-2017 14:12 | Pháp luật

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen chuyên đòi nợ thuê. Điều đáng nói là để uy hiếp con nợ,

chúng đã đe dọa bằng “bom bẩn” gây hoang mang cho con nợ. Hành vi uy hiếp bằng “bom bẩn” khá đa dạng và xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, xâm phạm nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Muôn kiểu “khủng bố” bẩn

Mới đây, ngày 21/7, Công an TP. Thái Nguyên vừa triệt xóa, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên đòi nợ thuê cũng với chiêu trò này. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Nguyễn Hoài Nam (28 tuổi); Hoàng Quốc Quân (33 tuổi); Nguyễn Cương Ánh (32 tuổi); Nguyễn Khắc Quang (32 tuổi) và Phí Đăng Nghiệp (22 tuổi) đều trú tại tỉnh Thái Nguyên. Các đối tượng khai nhận đã gây ra 8 vụ đòi nợ thuê cho chủ cửa hàng cầm đồ tại TP. Thái Nguyên, trong đó chủ yếu làm thuê cho hiệu cầm đồ Nguyên Oanh. Tiến hành kiểm tra, Cơ quan công an đã tạm giữ một ôtô, 2 xe máy, một số dao kiếm, công cụ hỗ trợ và hộp sơn xịt, mắm tôm, dầu luyn thải, găng tay, ca nhựa... Số tang vật trên là những phương tiện các đối tượng sử dụng để đe dọa đòi nợ thuê. Theo tài liệu của Cơ quan công an, nhóm đối tượng được chủ hiệu cầm đồ trả công trung bình 300.000 đồng/người/ngày. Công việc chính là đe dọa các “con nợ” và chủ hiệu cầm đồ đã chỉ đạo “đàn em” ném chất thải, đe dọa, đánh đập “con nợ” hoặc người thân của họ bắt phải trả tiền.Các đối tượng ném “bom bẩn” vào nhà dân ở Văn Quán, Hà Nội.

Các đối tượng ném “bom bẩn” vào nhà dân ở Văn Quán, Hà Nội.

Trước đó, tại Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã triệt phá một ổ nhóm đòi nợ thuê trên địa bàn, bắt giữ 6 đối tượng, gồm Đỗ Thị Ngọ (SN 1942, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy), Vũ Hải Nam (tức Hải “sẹo”, SN 1989, quê Phú Thọ), Trương Văn Cường (SN 1995, Thanh Hóa) Nguyễn Văn Tú (SN 1991, ở An Lão, Hải Phòng) và Vũ Thế Tuân (SN 1992), Hoàng Văn Ngọc (SN 1993), cùng ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Sau nhiều lần không đòi được tiền đã thuê nhóm Hải “sẹo” khủng bố con nợ bằng “bom bẩn” trộn mắm tôm, dầu luyn.

Cũng với hành vi này, mới đây, Công an TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) cho biết, hiện đang xác minh vụ việc nhiều hộ dân ở phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột bị nhóm đối tượng lạ ném “bom bẩn”, “khủng bố” tinh thần lúc về đêm gồm mắm tôm, dầu nhớt, tiết lợn... vào nhà và khóa trái cổng, đổ keo dán sắt vào ổ khóa khiến nạn nhân không thể ra khỏi nhà...

Trên thực tế, hành vi “khủng bố” tinh thần người khác bằng các loại “bom bẩn” trong thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân dẫn đến các vụ đòi nợ thuê là từ những giao dịch mang tính tự thỏa thuận, không được chứng thực bởi pháp luật. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp đã dẫn tới mâu thuẫn khó dung hòa. Biện pháp đòi nợ được những đối tượng sử dụng là ném dầu pha chất bẩn hoặc đe dọa liên tục, đến ăn ngủ ở nhà “con nợ” nhằm khủng bố tinh thần. Mặc dù thiệt hại trong những vụ dùng “bom bẩn” như trên không lớn nhưng hậu quả để lại về mặt xã hội là hết sức nặng nề, gây tâm lý bức xúc, bất bình và lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, do sợ phiền phức nên nhiều gia chủ ngại báo cơ quan chức năng, khiến nhiều đối tượng vi phạm trở nên “nhờn” luật.

Trong thời gian qua còn có khá nhiều vụ việc khủng bố tinh thần khiến gia đình các nạn nhân lo đến mất ăn mất ngủ. Không chỉ mâu thuẫn trong việc tiền bạc, cạnh tranh kinh doanh, nhiều đối tượng chỉ vì bị khước từ tình yêu cũng mượn “bom bẩn” để giải quyết.

Chế tài xử lý quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Theo luật sư Pham Huy Tuyến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hành vi ném “bom bẩn” vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng theo luật hành vi này chưa đủ các yếu tố để cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự mà chỉ có thể xử lý hành chính. Đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác”. Ngoài ra, với lỗi vi phạm như đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác, đối tượng có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, nếu việc ném “bom bẩn” vào nhà người khác làm hư hỏng tài sản gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 - luật sư Tuyến cho biết

Cũng theo luật sư Tuyến, Điều 124 Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân chỉ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Mức độ như vậy là quá nhẹ. “Mức phạt tù cao nhất của tội danh này cũng chỉ từ 1-3 năm nhưng phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có tổ chức. Trong khi đó, để đấu tranh làm rõ phạm tội có tổ chức là rất khó khăn, còn thế nào là nghiêm trọng thì luật cũng chưa có định nghĩa. Vì vậy, hầu hết những vụ đòi nợ thuê chỉ dừng lại ở mức độ bị cảnh cáo, xử lý hành chính.


Kiên Giang
Ý kiến của bạn