Hà Nội

Xử lý đối tượng dùng thẻ giả, mạo danh nhà báo

10-06-2017 07:46 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi mạo danh nhà báo, làm giả thẻ nhà báo để xin bỏ qua lỗi vi phạm giao thông.

Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi mạo danh nhà báo, làm giả thẻ nhà báo để xin bỏ qua lỗi vi phạm giao thông. Đặc biệt, một số đối tượng thậm chí còn coi thường pháp luật, lăng mạ lực lượng công an đang thực thi công vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, tôn chỉ mục đích của báo chí.

Xuất trình tới 2 thẻ nhà báo giả để “xin bỏ qua”

Vào khoảng 15h30 ngày 7/6, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 3 (Phòng PC67 - Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại khu vực gần ngã tư Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 30K2-2087 vi phạm Luật Giao thông nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Quá trình kiểm tra, lái xe vi phạm không xuất trình được giấy tờ xe, giấy phép lái xe, chỉ xuất trình chứng minh nhân dân mang tên Phạm Anh Đức (SN 1976, quê Hà Tĩnh; trú tại Đống Đa, Hà Nội). Trong khi CSGT lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện, lái xe Đức liên tục xin xỏ mong CSGT bỏ qua. Anh này còn rút trong ví ra 2 tấm thẻ ghi là Thẻ nhà báo mang tên Phạm Anh Đức (SN 1976), xưng mình là phóng viên báo An ninh Thủ đô và xin CSGT bỏ qua lỗi vi phạm. Nhận thấy hai chiếc thẻ này có dấu hiệu làm giả, tổ công tác đã liên hệ với báo An ninh Thủ đô để xác minh làm rõ, qua đó xác định lái xe vi phạm Phạm Anh Đức không phải là phóng viên của cơ quan này.

Phạm Anh Đức tường trình đã làm giả 2 thẻ nhà báo để làm “lá bùa” khi vi phạm giao thông.

Phạm Anh Đức tường trình đã làm giả 2 thẻ nhà báo để làm “lá bùa” khi vi phạm giao thông.

Tại cơ quan công an, lái xe Phạm Anh Đức khai nhận, bản thân đã tự làm những chiếc thẻ nhà báo giả trên để làm “lá bùa” phòng khi vi phạm giao thông sẽ mang ra sử dụng. Trước khi bị tổ công tác của Đội CSGT số 3 phát hiện, Đức đã từng nhiều lần sử dụng hai chiếc thẻ nhà báo giả mạo danh phóng viên báo An ninh Thủ đô để xin CSGT bỏ qua cho hành vi vi phạm Luật Giao thông của mình. Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Trước đó, vào ngày 25/5, tổ công tác của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ tuần tra xử lý vi phạm giao thông ở ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông, đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, CSGT xác định nam thanh niên này không xuất trình được giấy tờ xe có liên quan, đã ra quyết định tạm giữ phương tiện theo quy định.

Khi không xin được CSGT bỏ qua lỗi vi phạm, người này đã gọi điện thoại cho ai đó. Ít phút sau, một phụ nữ xuất hiện tự xưng là nhà báo và đưa điện thoại cho tổ công tác, buộc CSGT phải nghe máy, sau đó người phụ nữ này liên tục lớn tiếng lăng mạ bằng lời lẽ tục tĩu với các chiến sĩ CSGT. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan công an đã làm rõ người phụ nữ mạo danh nhà báo lăng mạ CSGT nêu trên tên là Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1976, trú tại Đốc Ngữ, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), làm nghề tự do. Tại trụ sở cơ quan công an, chị Nguyệt thừa nhận hành vi của mình là sai.

Phải xử lý nghiêm những hành vi coi thường pháp luật

Liên quan đến việc mạo danh nhà báo có những hành vi coi thường pháp luật, lăng mạ CSGT trong khi thực thi công vụ, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, do đó, ai cũng phải chấp hành luật lệ giao thông, không có sự phân biệt. Đáng chú ý, gần đây, có những người xưng danh là người nhà cán bộ cấp cao hay nhà báo để có những hành vi thóa mạ, chống lại người thi hành công vụ, tôi cho là một hiện tượng rất xấu.

Theo ông Hải, quá trình tham gia giao thông, người dân có mắc những lỗi mà không may, không để ý và có thể do hạ tầng đường sá chưa được đảm bảo, hệ thống biển báo chưa chuẩn thì có thể trình bày với lực lượng nhiệm vụ. Thấy có lý, có tình, lực lượng chức năng sẽ chỉ nhắc nhở. Còn đối với những hành vi cố ý như đèn đỏ nhưng vẫn cố tình vượt lên thì không thể nói vô tình được. Những hành động này phải được nghiêm túc xử lý. “Hành vi của kẻ mạo danh nhà báo thì xã hội cần phải lên án. Theo tôi là phải xử lý nghiêm”, Đại tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh và cho biết, đối với những trường hợp đó, Công an Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng làm rõ để xử lý.

Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 và Điểm b Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì hành vi “mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: nộp lại số thu lợi bất hợp pháp... Ngoài ra, tùy từng hành vi vi phạm pháp luật mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội khác nhau theo Bộ luật Hình sự, như tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267)... Theo đó, đối với tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự: Dấu hiệu của tội phạm là đối tượng làm giả thẻ nhà báo hoặc các giấy tờ tài liệu khác của cơ quan, tổ chức; sau đó sử dụng các giấy tờ, tài liệu này để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân để mưu lợi cá nhân. Tùy theo từng yếu tố định khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.


Hải Phong
Ý kiến của bạn