Xử lý điểm sinh sản của muỗi để ngăn chặn sốt xuất huyết

16-10-2013 09:42 | Tin nóng y tế
google news

Chúng ta đều biết rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy vậy, sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Chúng ta đều biết rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy vậy, sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là sự tham gia tích cực của cộng đồng để chủ động xử lý các điểm sinh sản của muỗi truyền bệnh ở trong nhà và quanh nhà ở nhằm cắt nguồn lây nhiễm.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ưa nước sạch

Các điểm sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu ở nước sạch và phần lớn những nơi chứa nước tạm thời. Các vũng nước mưa ở trong vườn có thể khô cạn sau vài ngày hoặc vài tuần và đây chính là nơi muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus ưa thích đẻ trứng để tăng mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành nhằm đảm nhận vai trò truyền bệnh sốt xuất huyết. Những loài muỗi này cũng thích đẻ trứng ở những bể chứa nước ăn và nước sinh hoạt. Trong khi muỗi vằn Aedes aegypti thường sinh sản và đốt máu người ở trong nhà thì muỗi hổ châu Á Aedes albopictus lại thường sinh sản ở ngoài nhà như các bụi cây và những nơi khác như vỏ lốp xe, vỏ đồ hộp, đống rác... và có khả năng đốt máu người ở ngoài nhà.

Xử lý điểm sinh sản của muỗi để ngăn chặn sốt xuất huyết   1
 Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà để hạn chế sự sinh sản của muỗi.

Theo vòng đời sinh học, trứng muỗi nở ra bọ gậy, bọ gậy trở thành lăng quăng và cuối cùng lăng quăng phát triển thành muỗi trưởng thành. Khẩu hiệu hành động phòng chống bệnh sốt xuất huyết của ngành y tế dự phòng là: "Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết". Vì vậy, để không có bọ gậy, phải có những hành động khởi phát, bắt nguồn từ việc xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh một cách cụ thể. Khi đã có bọ gậy sinh sôi, nảy nở tràn lan rồi mới tiến hành biện pháp tình thế thau vét bọ gậy thì đã quá muộn, xem như một việc bị động đã xảy ra và hiệu quả đạt được không cao.

Điểm sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng được chia làm 2 loại để phân biệt là các điểm sinh sản tạm thời ở trong nhà, ngoài nhà và điểm sinh sản cố định ở giếng nước, ao hồ. Sự phân biệt này giúp cho việc áp dụng phương pháp phòng chống khác nhau một cách phù hợp nhằm đạt được hiệu quả tốt.

Điểm sinh sản tạm thời ở trong nhà

Điểm sinh sản tạm thời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể tìm thấy ở trong nhà và quanh nhà như lọ hoa, chậu cây cảnh, bát nước bẫy kiến ở chân tủ đựng thức ăn... Trong những căn nhà không có người ở, điểm sinh sản của muỗi có thể là chậu rửa mặt, bình xả nước hố xí, đường thoát nước của nhà tắm và nhà bếp...

Biện pháp phòng chống nơi muỗi đẻ trứng là hạn chế các dụng cụ chứa nước trong nhà, thay nước và cọ rửa lọ hoa hàng tuần để làm sạch trứng muỗi bám vào bình trước khi đổ nước mới. Có thể thả các hạt temephos và fenthion vào bình hoa và các nơi sinh sản tạm thời khác của muỗi như chậu cây cảnh, khay đựng chậu cây cảnh, bẫy kiến... Có thể dùng muối, hạt thuốc temephos hoặc dầu nổi thả vào nước của các bẫy kiến, đồng thời cũng có thể thay nước ở các bẫy kiến bằng dầu mỡ. Trong các ngôi nhà trống, các chậu hố xí và bẫy kiến cần được đậy lại, các ống tràn của bình xả nước hố xí cần được bịt lại bằng vải để ngăn muỗi đẻ trứng. Nếu muốn có kết quả ngay thì dùng các chất diệt ấu trùng muỗi khác có thể sẽ tiện lợi hơn.

Điểm sinh sản tạm thời ở ngoài nhà

Điểm sinh sản tạm thời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể tìm thấy ở ngoài nhà như đống rác, lốp xe cũ, các dụng cụ làm vườn bỏ không, vật liệu xây dựng, máng nước trên mái nhà, bể nước, cây cối, can và vật chứa bằng nhựa không sử dụng, chai lọ, vỏ dừa, thùng phuy, bể chứa nước, bẹ lá cây chuối, khay đựng chậu cây cảnh, mảnh vỡ vỏ chai thủy tinh cắm trên tường để chống trộm, khuôn hoa làm tường không sử dụng, rìa trên của tường nhà... Nếu làng mạc dân cư ở gần bãi biển hoặc bờ sông thì nơi sinh sản tạm thời của muỗi có thể là phần nước đọng dưới các đáy thuyền.

Biện pháp phòng chống nơi muỗi đẻ trứng là lấp đất, đá và cát tại các vũng nước nhỏ rồi san phẳng. Các vùng nước mưa sâu hơn có thể lấp rác, sau đó phủ đất. Ở những nơi có nhiều vũng nước trong mùa mưa có thể xử lý nhanh bằng phun hóa chất hoặc rải các loại thuốc diệt ấu trùng thích hợp sẽ cho kết quả thực tế hơn. Cần dọn sạch rác rưởi và xử lý qua hệ thống xử lý rác tại địa phương nếu có. Người dân có thể dùng rác để lấp các hố đào, các vũng và vùng trũng khác. Cần phủ đất lên rác để tránh ruồi và muỗi sinh sản. Lớp đất phủ lên trên cùng phải được nén chặt và dày khoảng 50cm, có độ dốc để thoát nước. Những khu đất được lấp như vậy sẽ làm mất nơi sinh sản của muỗi, xử lý được rác thải và tăng giá trị dinh dưỡng của đất. Thực tế, nhiều khu vực lấp đất đã được sử dụng làm sân chơi cho trẻ em và xây dựng nhà ở. Lốp xe cũ cần được thu gom, xử lý.
 
Xử lý điểm sinh sản của muỗi để ngăn chặn sốt xuất huyết   2
 Sơ đồ truyền bệnh sốt xuất huyết.
Những đồ vật lớn như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành các điểm sinh sản của muỗi, vì vậy, không nên để các đồ vật này ở ngoài trời cho nước mưa đọng. Thùng đựng, bát ăn, can đựng nước nên có nắp nhựa đậy lại hoặc đặt dưới mái che; các hố xây dựng cũng cần được lấp đầy bằng cát hoặc xi măng. Máng nước ở trên mái nhà cần phải được kiểm tra định kỳ, nếu cần thiết phải cọ rửa và nâng cao độ dốc với tỷ lệ 1cm dốc cho 10m dài để tránh đọng nước. Hố cây có thể được lấp đầy bằng cát hoặc xi măng. Bẹ lá chuối thường chứa nước mưa nên có thể rải thuốc temephos diệt ấu trùng vào đó. Các ống tre nứa ở hàng rào nên cắt sát tới đốt hoặc lấp đầy cát để tránh đọng nước mưa làm nơi cho muỗi đẻ trứng.
 
Ngoài các điểm sinh sản tạm thời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở trong nhà, quanh nhà và ngoài nhà với các biện pháp phòng chống, xử lý thích hợp những nơi muỗi đẻ trứng đã nêu ở trên, các điểm sinh sản cố định của muỗi truyền bệnh như bể nước, lu nước, thùng phuy và các vật chứa nước khác, giếng nước, vũng nước, ao hồ... cũng cần được quan tâm thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp để hạn chế chỗ muỗi có điều kiện đẻ trứng.

TTƯT.BS. Nguyễn Hinh


Ý kiến của bạn