Hà Nội

Xử lý chất thải y tế: Trách nhiệm với cộng đồng

07-08-2024 17:12 | Y tế
google news

SKĐS - Theo dữ liệu của Bộ Y tế, khối lượng chất thải y tế phát sinh mỗi ngày tại Việt Nam lên tới gần 440 tấn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong việc thu gom và xử lý. Nếu không được xử lý một cách tối ưu, đây chắc chắn sẽ là nguồn ô nhiễm lớn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.

Công tác quản lý chất thải y tế tại Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, năm 2022, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình tại các cơ sở y tế trong nước là 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm. Việc thu gom và xử lý chất thải y tế từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa với công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam.

Xử lý chất thải y tế: Trách nhiệm với cộng đồng- Ảnh 1.

Việc thu gom và xử lý chất thải y tế từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả với công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Từ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, các cơ sở y tế đã triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải y tế cơ bản đáp ứng theo quy định.

Bên cạnh đó, mỗi năm, Bộ Y tế đều có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở Y tế, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tăng cường quản lý chất thải y tế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tổ chức tập huấn hướng dẫn về phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện trên toàn quốc...

Xử lý chất thải y tế

Từ xưa tới nay có rất nhiều phương pháp chất thải y tế được áp dụng trên thế giới. Mỗi biện pháp xử lý chất thải y tế được áp dụng đều đem đến ưu nhược điểm khác nhau. Nhìn chung, tất cả các phương pháp này đều chung một mục đích giảm nguy cơ lây nhiễm từ chất thải y tế. Đặc biệt, một số kim loại nặng và các chất thải chứa chất độc bị giải phóng ra môi trường gây ra nhiều mối nguy hại tiềm ẩn cho sức khỏe con người.

Xử lý chất thải y tế: Trách nhiệm với cộng đồng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, các phương pháp xử lý chất thải thông dụng trong y tế gồm có:

Phương pháp thiêu hủy: Phương pháp phổ biến nhất để xử lý rác thải y tế hiện nay. Mặc dù vậy, phương pháp này lại gây ra hậu quả xấu cho môi trường, bên cạnh đó là không thể xử lý toàn bộ chất độc trong lượng khói bay ra sau khi đốt. Phương pháp thiêu hủy còn có chi phí cao, tốn thời gian trong việc xử lý muội than để lại.

Phương pháp sử dụng nhiệt ướt: Đây là công nghệ sử dụng trong nồi hấp tiệt trùng. Khi đó, nhiệt độ trong buồng hấp được đẩy lên tối thiểu là 121 độ C, được duy trì kết hợp với áp suất trong buồng sẽ tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, bảo tử, vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, các loại thuốc, dược phẩm, hóa chất không thể sử dụng phương pháp này.

Phương pháp xử lý bằng hóa chất: Phương pháp này phù hợp với các chất thải lỏng như máu, nước thải bệnh viện. Cũng có thể sử dụng cho chất thải rắn, tuy nhiên điều này sẽ đem lại nhiều nhược điểm như bị ăn mòn, biến dạng,.. Tiệt trùng bằng hóa chất phụ thuộc vào điều kiện hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường xung quanh nếu không xử lý đúng quy trình. Chi phí sử dụng cao cộng thêm ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong quá trình vận hành.

Phương pháp chôn lấp: Đây là giải pháp tình thế để tránh lây nhiễm mầm bệnh ra bên ngoài. Tuy nhiên lại ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại tới môi trường và sức khỏe con người do việc chôn lấp không đúng quy trình gây ra tình trạng lây truyền dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đất, nước,.. ảnh hưởng môi trường sống của cư dân xung quanh.

Phương pháp chiếu xạ vi sóng: Sử dụng tần số để tiêu diệt vi sinh vật: Vi sóng làm nóng nước thải tiêu diệt các yếu tố lây nhiễm. Với rác thải rắn, vật liệu được cắt nhỏ, sau đó làm ẩm để chiếu xạ tiệt trùng trong 20 phút. Nhược điểm: chi phí đầu tư và vận hành khá cao, không xử lí được kim loại và tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới công nghệ vi sóng

Phương pháp thạch hóa: Quá trình trơ hóa rác thải y tế cùng xi măng giúp giảm thiểu được tối đa lượng chất độc ra ngoài môi trường. Phù hợp với dược phẩm và các thiết bị có hàm lượng kim loại nặng cao. Phương pháp này không tốn nhiều chi phí, cũng không cần người vận hành hiểu kỹ thuật. 

Với khối lượng chất thải y tế lớn và có xu hướng ngày càng tăng theo mức tăng của số cơ sở y tế trong nước. Bên cạnh đó, việc một số địa phương và cơ sở y tế còn "loay hoay" trong việc xử lý chất thải y tế cũng tạo ra một thách thức lớn khác cho toàn ngành y tế. Việc giải quyết "bài toán" này sẽ cần quyết tâm cao độ hơn nữa từ các cấp, các ngành và các cơ sở y tế để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

VIDEO - Cuộc thi cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp lần thứ 1.




Linh Chi Vũ
Ý kiến của bạn