Xử lý chất thải y tế tại Việt Nam: Công nghệ đốt vẫn phổ biến nhất

23-08-2024 20:28 | Xã hội

SKĐS - Là nguồn chất thải có khả năng nhiễm vi khuẩn, virus gây rủi ro tới sức khoẻ cộng đồng, chất thải y tế cần được xử lý một cách triệt để và an toàn. Tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều công nghệ đã được áp dụng để xử lý chất thải y tế, nhưng công nghệ xử lý bằng đốt vẫn là phương pháp phổ biến nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất thải y tế được định nghĩa theo một phạm vi khá rộng, đó là tất cả các chất thải được tạo ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế,… Trong đó, 75-90% là chất thải rắn thông thường (phát sinh từ các sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nuôi bệnh,…), không kể chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phần còn lại (10-25%) là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Do bản chất chất thải y tế mang rủi ro cao tới sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải y tế luôn là một bài toán khó và cấp thiết của Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Xử lý chất thải y tế tại Việt Nam: Công nghệ đốt vẫn phổ biến nhất- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Lấy ví dụ trên trường quốc tế, từ năm 1912, Mỹ đã công bố sáng chế xử lý nước thải y tế bằng axit clohydric. Đây cũng là quốc gia có sáng chế đầu tiên về công nghệ xử lý chất thải y tế được đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, Trung Quốc mới là quốc gia đứng đầu về số sáng chế xử lý chất thải y tế (chiếm 77,1%) trên toàn thế giới. Lượng sáng chế xử lý chất thải y tế ngày càng tăng, cho thấy sự quan tâm của thế giới với lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng nhiều (gần 440 tấn/ngày), khiến cho các hệ thống xử lý có dấu hiệu bị quá tải. Trong khi đó, dữ liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ cho thấy, có 23 tài liệu sáng chế xử lý chất thải y tế được công bố/bảo hộ tại Việt Nam, chủ yếu là từ các nhà sáng chế trong nước. Hầu hết các tài liệu sáng chế này liên quan đến các công nghệ đốt (60,9%), plasma (8,7%) để xử lý chất thải y tế.

Công nghệ đốt là phương pháp phổ biến nhất

Không chỉ ở Việt Nam, mà theo thống kê của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, hiện trên 90% rác thải y tế được xử lý qua công nghệ đốt. Việc xử lý này giúp giảm mức độ ô nhiễm khi biến rác thải thành khí CO2 và nước qua việc đốt ở một nhiệt độ khoảng 900-1200 độ C trong các lò. Việc xử lý đốt đảm bảo rằng rác thải y tế hoàn toàn tiệt trùng và có thể giảm khối lượng rác thải y tế tới 90%. Hiện nay, công nghệ này đã được triển khai tại một số thành phố lớn như Cần Thơ, TPHCM...

Xử lý chất thải y tế tại Việt Nam: Công nghệ đốt vẫn phổ biến nhất- Ảnh 2.

Sơ đồ công nghệ đốt chất thải y tế. Ảnh minh hoạ.

Các tiêu chí hàng đầu để lựa chọn công nghệ lò đốt để xử lý chất thải y tế thường liên quan tới khối lượng rác thải cần xử lý (>200kg/ngày); các chất thải cần xử lý bao gồm chất dễ cháy, nhiệt trị cao, độ ẩm thấp, không chứa Cl, Halogen, phóng xạ, chất gây nổ. Bên cạnh đó, việc chi phí vận chuyển và tiêu hủy chất thải thường rất thấp, khiến cho phương pháp đốt trở nên phổ biến và thường được lựa chọn giữa các công nghệ khác.

Tuy nhiên, công nghệ đốt cũng để lại nhiều vấn để môi trường phải xử lý thêm như tạo ra tro bụi và đồng thời phát ra khí dioxin gây bệnh ung thư. Với lý do này các tổ chức thế giới đã khuyến nghị không tiếp tục sử dụng công nghệ lò đốt để xử lý rác thải y tế lây nhiễm, thay vào đó là sử dụng các công nghệ thay thế khác có khả năng xử lý triệt để hơn.

Một trong những sáng chế được cấp bằng về phương pháp lò đốt rác thải y tế đáng chú ý tại Việt Nam là Hệ thống xử lý khói thải từ lò đốt rác thải dân dụng và y tế của nhà sáng chế Đàm Đình Chiến. Hệ thống này hoạt động theo cơ chế tách hắc ín và khí ga có cửa vào khói thải được nối thông với ống dẫn khói thải từ lò đốt rác thải dân dụng và y tế thông thường, sau đó xử lý bằng hơi nước, phun sương vào khói thải và hắc ín. Sáng chế này vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư các lò đốt rác thải y tế riêng biệt, vừa làm giảm lượng khí thải có hại ra môi trường.

Ngoài phương pháp đốt, Việt Nam hiện đã có rất nhiều công nghệ khác để xử lý rác thải y tế, như công nghệ plasma, công nghệ màng lọc MBR, phương pháp sinh học,… Tuy nhiên, tùy theo các tiêu chí như môi trường, kinh tế, kỹ thuật và xã hội, mỗi cơ sở y tế hoặc địa phương sẽ có những lựa chọn thích hợp để xử lý rác thải y tế, tránh việc để nguồn rác thải này ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

VIDEO - Tọa đàm Quản lý bền vững chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe.


Linh Chi Vũ
Ý kiến của bạn