Phân loại chất thải y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Chất thải y tế, bao gồm các vật liệu như kim tiêm, bông gạc, và các chất lỏng nhiễm khuẩn, có thể chứa mầm bệnh nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Việc phân loại chính xác từ đầu giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, quá trình xử lý chất thải y tế được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn. Các cơ sở y tế phải phân loại chất thải ngay từ khi phát sinh, với các loại chất thải khác nhau như chất thải nguy hại, chất thải lây nhiễm, và chất thải không nguy hại được xử lý theo các phương pháp phù hợp.
Chất thải nguy hại và lây nhiễm thường được tiêu hủy bằng cách thiêu hủy ở nhiệt độ cao hoặc xử lý bằng hóa chất, trong khi chất thải không nguy hại có thể được xử lý thông qua các phương pháp tái chế hoặc chôn lấp hợp vệ sinh.
Công tác quản lý chất thải y tế tại Việt Nam còn đang tiếp tục được cải thiện với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc nâng cao ý thức và thực hiện đúng quy trình phân loại và xử lý chất thải y tế không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở y tế mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để nắm rõ về việc quản lý chất thải y tế, Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chí để phân định, phân loại chất thải y tế. Trong đó, Chất thải y tế được quy định là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại (1), chất thải rắn thông thường (2), khí thải (3), chất thải lỏng không nguy hại (4) và nước thải y tế (5).
Theo đó, đáng chú ý và gồm nhiều cấu thành, phân loại phức tạp hàng đầu là nhóm (1) và (2).
Theo Chương 2, Thông tư số 20/2021/TT-BYT, chất thải y tế nguy hại (1) bao gồm chất thải lây nhiễm, và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Cụ thể hơn, chất thải lây nhiễm lại được phân thành 4 cấp độ nhỏ: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (kim tiêm, kim chọc dò, lưỡi dao mổ), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc, găng tay dính máu cơ thể), chất thải nguy cơ lây nhiễm cao (bệnh phẩm, dụng cụ đựng dính mẫu bệnh phẩm) và chất thải giải phẫu ( mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm).
Trong khi đó, chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm các sản phẩm có cảnh báo nguy hại như hoá chất thải bỏ, dược phẩm thải bỏ, vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất, thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ, dung dịch rửa phim X- Quang, nước thải từ thiết bị xét nghiệm, phân tích và các dung dịch thải bỏ cũng như chất thải y tế khác có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Với nhóm (2), tức chất thải rắn thông thường, cũng được phân loại ra thành nhiều ngạch nhỏ, từ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải ngoại cảnh, hoá chất thải bỏ, vỏ chai lọ đựng thuốc hay hoá chất không vượt ngưỡng nguy hại, bùn thải,…
Nhóm khí thải (3) bao gồm khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.
Nhóm (4) là chất thải lỏng không nguy hại bao gồm dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh.
Cuối cùng, nhóm (5) là nước thải y tế gồm nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.
Xem thêm video đang được quan tâm:
VIDEO - Tọa đàm Quản lý bền vững chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe.