Quản lý chất thải là yếu tố quan trọng mà bất kỳ cơ sở y tế nào cũng cần thực hiện, không chỉ thực hiện mà cần thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định. Điều này không chỉ giúp xây dựng môi trường cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, giúp kiểm soát nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo ra cộng đồng mà còn giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở cũng như sức khỏe người dân.
Tại Bệnh viện 198 (Bộ Công an), công tác xử lý chất thải y tế luôn được xử lý nghiêm ngặt, có nhân viên y tế giám sát thường xuyên để đảm bảo đúng quy trình, không để chất thải y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Nội dung xử lý chất thải tại Bệnh viện được xử lý theo đúng quy trình, nhân viên y tế tham gia xử lý chất thải phải đảm bảo phòng hộ cá nhân. Các bước xử lý chất thải y tế lần lượt như sau:
Bước 1: Phân loại cô lập chất thải
Trước hết nhân viên y tế cần xác định các nhóm chất thải y tế:
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn
+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm
+ Chất thải thông thường.
+ Chất thải tái chế (Chất thải thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế)
- Việc phân loại chất thải ngay sau khi phát sinh, thải bỏ và cô lập vào phương tiện thu gom phù hợp với từng loại chất thải theo quy định.
- Tuyệt đối không cô lập chất thải sắc nhọn với các chất thải khác, không để lẫn chất thải lây nhiễm với chất thải thông thường, chất thải tái chế với các chất thải khác.
Bước 2: Xử lý ban đầu
- Chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm có nguy cơ lây nhiễm cao: găng tay, lam kính, ống nghiệm, môi trường nuôi cấy, các dụng cụ lưu giữ các tác nhân lây nhiễm, bệnh phẩm, túi đựng máu... Phải được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải bằng phương pháp hấp ướt ở 1210C trong thời gian 20 phút hoặc ngâm chất thải trong dung dịch Cloramin B 1- 2% hoặc Javen 1- 2% trong thời gian tối thiểu 30 phút.
Bước 3: Thu gom
- Hộ lý, nhân viên y tế phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân khi thu gom chất thải.
- Chất thải được thu gom vào các thùng, túi theo đúng quy cách, màu sắc quy định
- Chất thải sắc nhọn thu gom vào hộp kháng thủng
- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao từ các phòng xét nghiệm sau khi được xử lý ban đầu được thu gom vào túi nilon màu vàng.
Bước 4: Vận chuyển chất thải tới nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện
- Nhân viên vận chuyển chất thải phải mang phương tiện phòng hộ cá nhân trong suốt quá trình vận chuyển.
- Vận chuyển chất thải từ nơi phát sinh chất thải đến nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện bằng thùng có bánh xe, xe chuyên dụng, ít nhất mỗi ngày một lần và khi cần.
- Phương tiện vận chuyển chất thải sau mỗi lần sử dụng được làm vệ sinh tại khu thu gom chất thải tập trung và lưu giữ tại nơi quy định của các đơn vị.
Bước 5: Bàn giao chất thải
Nhân viên công ty vệ sinh công nghiệp bàn giao chất thải cho tại khu thu gom chất thải tập trung. Số lượng từng loại chất thải được ghi vào sổ bàn giao có đủ chữ ký người giao, người nhận theo theo mẫu.
Bước 6: Lưu trữ tập trung chất thải
- Chất thải được lưu giữ riêng từng loại tại nơi thu gom chất thải tập trung được thiết kế theo tiêu chuẩn quy định
- Nơi thu gom chất thải tập trung phải luôn có đủ phương tiện thu gom chất thải, vệ sinh tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh cá nhân, hóa chất vệ sinh bề mặt
- Không lưu giữ chất thải trên sàn nhà.
- Thời gian lưu giữ chất thải tối đa là 48 giờ.
Bước 7: Chuyển giao chất thải
- Chất thải bệnh viện được chuyển giao cho các công ty có đầy đủ năng lực, giấy phép phù hợp theo quy định của pháp luật, ký hợp đồng với bệnh viện để thực hiện vận chuyển, xử lý, tái chế theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Chất thải nguy hại: Được chuyển giao 2 ngày/lần và khi cần
- Chất thải thông thường: Được chuyển giao hàng ngày
- Chất thải tái chế: 2 lần/tháng và khi cần
- Số lượng từng loại chất thải được ghi vào sổ bàn giao có đủ chữ ký của các thành viên tham gia.
Chất thải y tế là gì?
Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.
Trong đó, chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Việc quản lý chất thải y tế là quá trình giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện. Cụ thể, Giảm thiểu chất thải y tế là các hoạt động làm hạn chế tối đa sự phát thải chất thải y tế, bao gồm: giảm lượng chất thải y tế tại nguồn, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng, quản lý tốt, kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hành và phân loại chất thải chính xác. Tái chế là việc tái sản xuất các vật liệu thải bỏ thành những sản phẩm mới.
Xem thêm video được quan tâm:
Ba biện pháp gơn giản giúp cơ thể thải độc nhanh chóng | SKĐS