Xử lý chất thải y tế Bài toán khó

09-04-2015 22:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã tới tuyến tỉnh của tỉnh Bắc Kạn đang tạo ra áp lực ô nhiễm và gây ô nhiễm trong khi công tác thu gom

Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã tới tuyến tỉnh của tỉnh Bắc Kạn đang tạo ra áp lực ô nhiễm và gây ô nhiễm trong khi công tác thu gom, xử lý chất thải y tế còn hạn chế. Điều đó đã làm phát sinh nhiều điểm ô nhiễm cần phải xử lý ngay.

Xử lý rác thải y tế bằng lò đốt tại Trung tâm y tế Pắc Nặm.

Theo kết quả thực tế của Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn, thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác thải ở các trạm y tế xã tồn tại rất nhiều bất cập. Rất nhiều trạm y tế đã thực hiện việc thu gom rác, tuy nhiên lại vứt bỏ ra các bãi hoang. Một số trạm làm khá hơn thì thực hiện chôn lấp hoặc đốt. Cá biệt, một số trạm đổ thẳng xuống các giếng lấy nước đã bỏ không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Cũng theo số liệu điều tra của Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn, trung bình mỗi ngày, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng gần 1.000kg chất thải rắn và gần 300m3 nước thải. Chất thải chủ yếu phát sinh từ các cơ sở y tế tuyến huyện (chiếm 40,7% tổng lượng chất thải rắn và 41,06% tổng lượng nước thải. Hiện tại, toàn tỉnh Bắc Kạn có 55 trạm y tế xã đạt Chuẩn Quốc gia có lò đốt thủ công để tiêu hủy rác thải y tế. Đối với các trạm còn lại dù có lò đốt nhưng đến nay đa phần đã hỏng, không sử dụng được. Ngoài ra, các phòng khám tư nhân thường thu gom rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt nên dễ phát sinh chất thải nguy hại rộng ra môi trường. Mặt khác, do lượng rác thải phát sinh ít nên khoảng 1 tuần các trạm mới thu gom 1 lần. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác quản lý chất thải tại các trạm chưa đồng bộ và triệt để. Các cơ sở y tế đều rất lúng túng vì việc rác thải y tế tồn ứ mà không thể chở đi nơi khác do rác thải y tế có chứa chất thải nguy hại muốn chuyên chở phải có xe chuyên dụng và được cấp phép. Chai, lọ đựng thuốc sau sử dụng thuộc vào diện rác tái chế nhưng không có đơn vị nào nhận xử lý. Phần vì lượng rác tái chế này không đủ số lượng theo yêu cầu, phần vì xử lý rác tái chế từ y tế tốn kém, phức tạp hơn nên chẳng đơn vị nào mặn mà. Trên địa bàn tỉnh lại chưa có đơn vị chuyên xử lý rác thải, chất thải nguy hại và rác thải y tế.

TS. Nguyễn Đình Học - Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh do chưa xử lý được rác thải, chất thải y tế là điều mà lãnh đạo ngành y tế luôn trăn trở. Tuy nhiên, lời giải của bài toán này lại nằm ở nguồn kinh phí, điều mà Bắc Kạn đang gặp nhiều khó khăn. Đối với Bắc Kạn, thời gian qua, một số bệnh viện đã áp dụng công nghệ lò đốt trong xử lý rác thải y tế có hiệu quả. Được sự quan tâm của UBND tỉnh Bắc Kạn trong việc phân bổ các nguồn vốn cho xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn và hoàn thiện các bệnh viện tuyến huyện trở lên, song song đó, kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề ra sẽ xử lý rác thải rắn y tế theo cụm chứ không đầu tư riêng cho một bệnh viện nào. Đây là một thuận lợi khi quy mô đầu tư lớn và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nó đặt ra đòi hỏi Bắc Kạn phải có những bước chuẩn bị về cơ chế để vận hành. Đó là thực hiện chủ trương xã hội hóa để có đơn vị đứng ra thực hiện vận hành, phải bố trí nguồn vốn để vận hành quy trình thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý. Ngoài ra, một cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho công tác thu gom từ tuyến xã cũng là điều cần nghiên cứu sớm.    

  Tuấn Sơn

 

 


Ý kiến của bạn