Hà Nội

Xử lý chất thải lây nhiễm đóng vai trò quan trọng trong khuôn viên cơ sở y tế

18-08-2024 15:43 | Y tế
google news

SKĐS - Chất thải lây nhiễm chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Nếu không xử lý tốt chất thải lây nhiễm có thể gây lây nhiễm chéo ra môi trường.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện 19-8 – Bộ Công an) là nơi quản lý chất thải của bệnh viện. Đại diện khoa Kiểm soát nhiễm nhuẩn cho biết, quy trình xử lý rác thải y tế được xử lý nghiêm ngặt, đúng các bước. Chất thải tại bệnh viện được phân loại ngay từ đầu nguồn: chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại khác, chất thải thông thường và tái chế sau đó được thu gom, lưu trữ tại khu lưu trữ tập trung của bệnh viện. 

"Hàng ngày chất thải y tế sẽ được bàn giao cho công ty môi trường đô thị chuyển đi xử lý tiêu hủy. Đối với chất thải lây nhiễm, sau khi được áp dụng công nghệ hấp triệt khuẩn sẽ trở thành chất thải không lây nhiễm và được xử lý như chất thải thông thường. Trong đó, việc quản lý, xử lý chất thải lây nhiễm đóng vai trò quan trọng trong khuôn viên bệnh viện. Nếu xử lý không tốt có thể gây ra lây nhiễm chéo ra môi trường, lây nhiễm chéo cho người bệnh, người nhà, khách thăm, nhân viên y tế…", đại diện Đại diện khoa Kiểm soát nhiễm nhuẩn, Bệnh viện 19-8 cho biết.

Để bảo đảm môi trường y tế cũng như bảo đảm sức khỏe, sự sống, tính bền vững cho cơ sở y tế nói riêng và đất nước nói chung, việc xử lý rác thải cần được thực hiện nghiêm chỉnh, quy trình xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện 19-8 được thực hiện như sau:

Phân loại nguồn chất thải tại bệnh viện

1. Chất thải rắn thông thường

Sẽ được thu gom và thùng túi nilon màu xanh. Thời gian lưu giữ tối đa: tại khoa tối đa 24 giờ, tại bệnh viện 48 giờ.

Xử lý chất thải lây nhiễm đóng vai trò quan trọng trong khuôn viên cơ sở y tế - Ảnh 1.

Khu vực thu gom rác thải y tế tại Bệnh viện 19-8. Ảnh: Minh Ngọc

2. Chất thải lây nhiễm

Với chất thải lây nhiễm không sắc nhọn sẽ được thu gom vào thùng túi nilon màu vàng. Thời gian lưu giữ tối đa: tại khoa tối đa 24 giờ, tại bệnh viện 48 giờ.

Với chất thải lây nhiễm sắc nhọn sẽ được thu gom bằng hộp kháng thủng các-tông, nhựa trên xe tiêm, buồng tiêm, buồng thay băng, buồng thủ thuật. Thời gian lưu giữ tối đa: tại khoa tối đa 24 giờ, tại bệnh viện 48 giờ.

3. Chất thải nguy hại không lây nhiễm

Chất thải nguy hại không lây nhiễm sẽ được thu gom vào thùng túi nilon màu đen. Thời gian lưu giữ tối đa: tại khoa tối đa 24 giờ, tại bệnh viện 48 giờ.

4. Chất thải tái chế

Chất thải tái chế được thu gom vào thùng túi nilon màu trắng. Thời gian lưu giữ tối đa: tại khoa tối đa 24 giờ, tại bệnh viện 30 ngày.

Cô lập, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải y tế

Xử lý chất thải lây nhiễm đóng vai trò quan trọng trong khuôn viên cơ sở y tế - Ảnh 2.

Bảng hướng dẫn phân loại các chất thải y tế trong khuôn viên bệnh viện. Ảnh: Minh Ngọc

Sau khi được phân loại nguồn, chất thải y tế sẽ được thu gom cô lập ngay khi phát sinh vào thùng chứa chất thải thích hợp.

1. Cô lập, thu gom và lưu trữ chất thải

Khi cô lập và thu gom chất thải, người làm phát sinh chất thải phải phân loại chất thải theo hướng giảm thiểu chất thải y tế nguy hại: Tuyệt đối không cô lập chất thải sắc nhọn với các chất thải khác, không để lẫn chất thải dính máu dịch với chất thải sinh hoạt. Người cô lập chất thải và thu gom không đúng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bệnh viện.

Các thùng thu gom chất thải phải đúng màu sắc quy định (màu vàng với chất thải lây nhiễm; màu xanh với chất thải sinh hoạt; màu đen với chất thải nguy hại không lây nhiễm và màu trắng là chất thải tái chế). Bên trong mỗi thùng phải luôn có túi nilon màu sắc tương ứng với màu sắc của thùng. Không chứa chất thải đầy quá 3/4 thùng.

Thùng đựng chất thải phải có đạp chân hoạt động tốt, bề mặt luôn sạch, không có bụi bẩn. Túi nilon chứa chất thải phải có dung tích chứa phù hợp với thùng đựng chất thải, dày, dai, làm bằng nhựa PE hoặc PP.

2. Vận chuyển chất thải

Chất thải được vận chuyển từ nơi phát sinh chất thải tới khu vực thu gom chất thải tập trung của bệnh viện bằng xe chuyên dụng, do hộ lý hoặc công nhân vệ sinh môi trường thực hiện, ít nhất mỗi ngày một lần và khi cần. Xe màu vàng vận chuyển chất thải lây nhiễm, xe màu xanh vận chuyển chất thải sinh hoạt,xe màu đen vận chuyển chất thải nguy hại không lây nhiễm, xe màu trắng vận chuyển chất thải tái chế.

Khi vận chuyển chất thải, người vận chuyển không được để quá đầy chất thải trong xe, luôn đậy nắp xe khi vận chuyển và không để rò rỉ nước thải hoặc rơi vãi chất thải trên đường vận chuyển. Nếu để nước thải hoặc chất thải rơi vãi trên đường vận chuyển, người vận chuyển phải dừng xe và tiến hành lau hoặc thu gom ngay chất thải bị rơi vãi.

Xử lý chất thải lây nhiễm đóng vai trò quan trọng trong khuôn viên cơ sở y tế - Ảnh 3.

Chất thải y tế lây nhiễm được thu gom vào thùng và túi nilon màu xanh. Ảnh: Minh Ngọc

Khi vận chuyển chất thải trong thang máy, người vận chuyển không được để nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và sinh viên đi cùng. Thang máy sau mỗi lần vận chuyển chất thải cần được nhân viên vận chuyển lau khử khuẩn toàn bộ bề mặt của thang máy.

Nhân viên vận chuyển chất thải phải mang phương tiện PHCN trong suốt quá trình vận chuyển. Tuyệt đối không được xách túi chất thải trong quá trình vận chuyển.

Xe vận chuyển chất thải phải được cọ rửa ngay sau khi sử dụng.

Thời gian vận chuyển chất thải đến nơi tập trung chất thải của bệnh viện:

Vận chuyển chất thải hàng ngày và khi cần.

3. Lưu giữ, chuyển giao, tiêu huỷ chất thải

Nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện phải riêng biệt, được rào và khoá mỗi khi ra vào, có biển hiệu và biển báo nghiêm cấm người không có nhiệm vụ không được vào khu vực này.

Nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện phải luôn sạch sẽ, được chia làm 2 khu vực riêng biệt dành cho lưu giữ chất thải sinh hoạt và chất thải y tế nguy hại. Mỗi khu vực có biển báo, có cửa khoá kín, có thông khí tự nhiên tốt.

Nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện được trang bị đủ phương tiện thu gom theo quy định, đảm bảo mọi chất thải luôn được chứa trong thùng. Tuyệt đối không để chất thải trực tiếp xuống sàn nhà.

Nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện phải luôn có Sổ quản lý chất thải, cân để cân lượng chất thải hàng ngày theo từng khoa phòng. Người tiếp nhận chất thải phải ghi đầy đủ mọi thông tin liên quan tới lượng chất thải của từng đơn vị trong bệnh viện, lượng chất thải xử lý và lượng chất thải chuyển giao cho Công ty vệ sinh môi trường.

Nơi lưu giữ tập trung chất thải của bệnh viện được trang bị đầy đủ phương tiện rửa tay, tắm rửa; phương tiện bảo hộ và vệ sinh cá nhân; có các vật dụng và hoá chất cần thiết để xử lý khử khuẩn chất thải, làm vệ sinh bề mặt và ngoại cảnh khu vực lưu giữ chất thải.

Hàng ngày, chất thải được chuyển tới nơi thu gom và xử lý chất thải của Thành phố bằng xe chuyên dụng theo hợp đồng của bệnh viện với Công ty vệ sinh môi trường đô thị có chức năng xử lý chất thải. Không tổ chức đốt chất thải tại bệnh viện. Trong trường hợp tăng đột xuất khối lượng chất thải, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có trách nhiệm liên hệ kịp thời với Công ty vệ sinh môi trường đô thị để chuyển chất thải đi tiêu huỷ, đảm bảo không lưu giữ chất thải trong bệnh viện quá 48 giờ (Trừ chất thải tái chế).

4. An toàn trong thực hành thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại

- Mọi nhân viên thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phải qua khóa tập huấn quản lý chất thải y tế và được cấp giấy chứng nhận. Nhân viên không có giấy chứng nhận này không được làm công việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Khi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (găng tay, khẩu trang, ủng/dép).

- Mọi nhân viên y tế hàng năm phải tham gia khoá tập huấn về quản lý chất thải bệnh viện. Nhân viên y tế mới tuyển dụng và sinh viên thực hành tại bệnh viện thời gian trên 1 tháng phải được tập huấn về quy định quản lý chất thải của bệnh viện trước khi tuyển dụng hoặc thực tập.

Nghiêm cấm nhân viên y tế thực hiện một số hành vi sau:

· Tự ý thu gom, bán, cho chất thải hoặc vận chuyển chất thải ra ngoài bệnh viện mà không được phép.

· Không thu gom ngay chất thải vào thùng/hộp gom chất thải tương ứng.

· Để chất thải lẫn với đồ vải hoặc dụng cụ y tế.

· Đậy nắp, bẻ cong, dùng tay tháo rời bơm kim tiêm.

· Vận chuyển chất thải bằng xe không đúng màu quy định, xe không có nắp đậy kín hoặc xách túi đựng chất thải sắc nhọn. 

Xem thêm video được quan tâm:

Ba biện pháp gơn giản giúp cơ thể thải độc nhanh chóng | SKĐS #shorts


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn