Xử lý cấp cứu ong đốt

18-12-2015 19:17 | Đời sống
google news

Các loại ong hay đốt người là ong mật, ong bầu, ong vàng, ong vò vẽ. Các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan,

Được biết, nếu bị ong đốt, bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn tới tử vong. Xin bác sĩ chỉ dẫn cách sơ cấp cứu ban đầu.
Lê Thanh Hải (Huế)
Các loại ong hay đốt người là ong mật, ong bầu, ong vàng, ong vò vẽ. Các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan, bệnh nhân có thể bị nhiễm độc toàn thân, nếu không được cấp cứu điều trị tích cực thì dẫn tới tử vong. Khi bị ong đốt, người bệnh thường bị ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mề đay toàn thân, ho khan. Các triệu chứng nặng lên nhanh chóng với các biểu hiện: bó ngực, co thắt hầu họng, thở rít, khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rét run và sốt; tiếng rít thanh quản, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, phù phổi cấp. Nạn nhân suy sụp rất nhanh và tiến tới suy hô hấp, trụy tim mạch rồi tử vong.
Nếu bị ong đốt, cần giảm nọc độc bằng cách lấy ngòi còn lại, băng ép chỗ bị đốt, nới 30 giây mỗi 3-5 phút, sát khuẩn vết đốt bằng cồn iốt, ôxy già… Nếu bị ong vàng (ong nghệ) đốt, dùng đường đen hay giấm chua thoa ngay lên vết thương. Dùng bã trà còn ướt, bất kể nhiều hay ít, chà xát tại chỗ để giúp giảm đốt. Cũng có thể lấy rau sam hay lá hẹ giã nhuyễn đắp tại chỗ, hoặc gừng tươi cắt lát chà xát vết thương. Đối với giống ong có độc thì lấy rau dền vò nát, xát vào vết đốt. Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác và nhanh chóng tìm phương tiện chuyển ngay đến bệnh viện.
BS. Thanh Sơn

Ý kiến của bạn