Hà Nội

Xử lý các vi phạm về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm

13-07-2015 07:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Sự phức tạp và gia tăng số lượng những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm gần đây đang khiến cơ quan chức năng “quá tải” và người dân lo lắng.

Sự phức tạp và gia tăng số lượng những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm gần đây đang khiến cơ quan chức năng “quá tải” và người dân lo lắng. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 2.100 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực TPCN, mỹ phẩm, khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 236 tỷ đồng...

1 vốn 10 lời

Chi phí cho 1 lọ sản phẩm TPCN giả được đóng gói tại cơ sở sản xuất là vài chục ngàn đồng nhưng khi đến tay người mua hàng, giá đã được đẩy lên hàng trăm ngàn đồng/lọ. Mức chênh lệch lớn, lợi nhuận cực cao khiến cho việc làm hàng giả lĩnh vực này “nở rộ’’ thời gian qua.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy TPCN và các mặt hàng giả.

Điển hình như vụ việc Công ty TNHH TM Quốc tế Bách Phương kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 1, ngõ 678 La Thành (Ba Đình, Hà Nội) bị phát hiện sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm (chì) vượt quá giới hạn cho phép, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bao bì... Công ty này đã bị UBND TP. Hà Nội phạt 140 triệu đồng, buộc nộp lại số thu bất hợp pháp 180 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.342 sản phẩm, 64kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm trị giá 300 triệu đồng.

Hay ngày 8/6 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. Hà Nội đã phát hiện kho hàng của Công ty VQTech (trụ sở ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), cơ quan điều tra thu giữ khoảng 20 tấn TPCN nghi giả, kém chất lượng, có thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố, chủ yếu là sản phẩm TPCN sữa ong chúa Costar, 100% Royal Jelly 1.450mg, Omega 3... cùng nhiều tem nhãn nguyên liệu và máy tính phục vụ sản xuất.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra TPCN tại nhiều tỉnh, thành phố từ tháng 7 đến tháng 9/2015. Theo kế hoạch, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chú trọng các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị phát hiện trong các đợt thanh, kiểm tra trước đó.

Trước đó, 170 hộp TPCN giả được Nguyễn Tuấn Linh (30 tuổi) lái ôtô vận chuyển đi tiêu thụ đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội. Linh khai vận chuyển thuê cho Hoàng Thị Hồng Liên (32 tuổi, trú tại thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An). Từ lời khai của Linh và Liên, cơ quan chức năng khám xét 3 kho hàng tại chợ đầu mối Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) thu hơn 10 tấn TPCN giả sản phẩm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen... của các thương hiệu nổi tiếng.

Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 2.100 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực TPCN, mỹ phẩm, khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 236 tỷ đồng...

Cần tăng cường công tác hậu kiểm

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, từ nửa cuối năm 2014 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến dược phẩm, TPCN, mỹ phẩm. Tuy nhiên cũng cần thừa nhận tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền chỉ tính riêng trong lĩnh vực y tế (dược phẩm, TPCN, mỹ phẩm) đang gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang. Hàng giả vẫn được vận chuyển, bày bán tràn lan do một số ngành, chính quyền địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt; văn bản chế tài xử lý các vụ việc chưa đồng bộ. Thực tế, nhiều loại hàng hóa có thương hiệu, được thị trường chấp nhận và có sức tiêu thụ tốt thì sau thời gian ngắn đều phải đối mặt với nguy cơ bị làm giả, làm kém chất lượng, xâm phạm bản quyền tinh vi, đặc biệt là TPCN, mỹ phẩm..., ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là công tác kiểm tra, xử lý có vai trò rất quan trọng, bởi tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, xâm phạm bản quyền chỉ tính riêng trong lĩnh vực y tế (dược phẩm, TPCN, mỹ phẩm) đang diễn biến phức tạp. Ở đây, trách nhiệm quản lý các mặt hàng lưu thông trên thị trường thuộc lực lượng quản lý thị trường, tuy nhiên cũng cần có sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát môi trường và ngành y tế để thường xuyên mở các đợt cao điểm kiểm tra đột xuất các cơ sở, kho, bãi, chợ, trung tâm thương mại, chợ thuốc tại các địa phương trọng điểm và thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Minh Tâm

 


Ý kiến của bạn