Hà Nội

Xù lương công nhân, trốn đóng BHXH ở các doanh nghiệp FDI: Giải pháp nào khắc chế?

01-03-2018 22:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay trước Tết Nguyên đán 2018 đã xảy ra các vụ lãnh đạo Công ty FDI (100% vốn nước ngoài) bỏ về nước không lời từ biệt. Bên cạnh việc trốn lương công nhân, những doanh nghiệp này thường “đi đôi” với trốn cả BHXH hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chống thất thu BHXH thì câu hỏi lớn nhất đặt ra là giải pháp để ngăn chặn tình trạng “được ăn, thua... về nước” của những lãnh đạo doanh nghiệp (DN) FDI?

“Rủ nhau đi trốn”

Đúng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gần 2.000 công nhân Công ty KL Texwell Vina (công ty do ông Chang Jeen Kim - Hàn Quốc làm Tổng giám đốc, chuyên về may mặc đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) “bỗng dưng muốn khóc” khi cả dàn lãnh đạo công ty “rủ nhau đi trốn” bỏ lại cả máy móc, nhà xưởng và... khoản lương cuối năm chưa thanh toán.

Đêm 8/2, ông Chang Jeen Kim - Tổng Giám đốc Công ty KL Texwell Vina cùng 11 cán bộ quản lý công ty (đều là người Hàn Quốc) đã rời khỏi Việt Nam không một lời từ biệt. Hiện công ty này đang nợ lương tháng 1/2018 của 1.900 công nhân với số tiền gần 13,7 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản nợ BHXH trên 17,5 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đã phải ứng cứu từ ngân sách để chi trả 1/2 tháng lương cho công nhân và hỗ trợ thêm 600.000 đồng cho mỗi công nhân đón Tết.

Ngày 26/2, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Trảng Bom đã đến làm việc với Công ty TNHH KL Texwell Vina. Gần 2.000 công nhân lao động của Công ty có mặt trước cổng để tiếp tục làm việc trở lại theo thông báo trước đó, tuy nhiên, đến gần hết buổi sáng, không có lãnh đạo nào xuất hiện và công ty chưa hoạt động trở lại.

Xù lương công nhân, trốn đóng BHXH ở các doanh nghiệp FDI: Giải pháp nào khắc chế?Đằng sau mỗi vụ bỏ trốn của lãnh đạo Công ty FDI là hàng ngàn số phận người lao động bơ vơ.

Trước tình hình trên, ông Đoàn Văn Đây - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đại diện Tổ công tác (được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh) thông báo đến toàn thể công nhân lao động là tổ công tác đang tiếp tục liên hệ với đại diện của Công ty TNHH KL Texwell Vina để giải quyết và đến ngày 6/3/2018 sẽ có thông báo mới đến công nhân.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức làm việc với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM. Tỉnh Đồng Nai đã nhờ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tìm và liên lạc với công ty mẹ của Công ty Texwell Vina ở Hàn Quốc, liên lạc với lãnh đạo Công ty KL Texwell Vina. Khi liên lạc được, tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với những người liên quan để đi đến các phương án giải quyết.

Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Trước đó, đầu tháng 1/2018, gần 600 công nhân Công ty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã ngừng việc nhiều ngày để gây áp lực buộc Giám đốc Nam Sungho xuất hiện và trả lương, tuy nhiên, ông này vẫn bặt vô âm tín. Các công nhân châm củi đốt lửa qua đêm, mắc võng, trải bạt ngồi ăn, canh chừng công ty 24/24 giờ, các công nhân lo sợ chủ doanh nghiệp tìm cách bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

Họ cho biết tổng số tiền lương công ty nợ công nhân là hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này còn nợ BHXH hơn 26,8 tỷ đồng khiến nhiều lao động nghỉ việc không được chốt sổ, ốm đau không được BHYT chi trả, quyền lợi chế độ thai sản cũng bị xâm phạm.

Trong các vụ việc, đáng lo ngại là nhiều công nhân quá bức xúc, khó khăn nên chủ động tìm nơi làm việc mới, tuy nhiên, tất cả đều vướng mắc trước yêu cầu phải có quyết định nghỉ việc ở công ty cũ và chốt sổ bảo hiểm. Trong khi đó, trên phiếu lương của nhiều người vẫn bị trừ tiền BHXH, BHYT, tiền công đoàn nhưng họ không hề được cầm tấm thẻ BHYT của mình.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cả nước có hàng trăm DN FDI làm ăn thua lỗ, phá sản và bỏ trốn về nước, để lại những khoản nợ thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hầu hết những trường hợp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn về nước đều không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, chỉ khi thời hạn nộp thuế, báo cáo thường kỳ, nợ bảo hiểm xã hội quá lâu, bị nhắc nhở bằng công văn nhưng không có phản hồi, cơ quan chức năng xuống kiểm tra mới phát hiện DN đã dừng hoạt động và bỏ trốn.

Theo các chuyên gia, hệ luỵ các DN FDI bỏ trốn để lại ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc sắp xếp công việc cho hàng nghìn công nhân.

Ngoài ra, hầu hết các DN này vẫn còn nợ lương, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong một thời gian dài nên khi chấm dứt hoạt động, người lao động không được thanh toán BHXH, không có thu nhập trong thời gian tìm việc khác, chưa kể làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần sớm có chính sách, chế tài cụ thể để kiểm soát các DN FDI, nhất là năng lực tài chính của nhà đầu tư. Chẳng hạn, có thể phân chia các dự án FDI thành 2 luồng: Những dự án kinh doanh nộp thuế đầy đủ cho vào luồng xanh; Dự án có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, chậm nộp thuế xếp vào luồng đỏ. Đồng thời, các cơ quan chức năng như: hải quan, thuế, ngân hàng phải liên kết với nhau thường xuyên có số liệu thống kê hàng quý báo cáo lên UBND tỉnh, thành phố để kiểm soát, hạn chế chủ DN bất ngờ bỏ trốn.

TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần thay đổi chiến lược thu hút FDI, theo hướng chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Trước khi cấp phép cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ về công nghệ, năng lực và dự án chứ không nên cấp phép ồ ạt, tránh phải xử lý hậu quả.


Hải Đăng
Ý kiến của bạn