7 vòng đấu ở V-League đã có đến 16 thẻ đỏ, 205 thẻ vàng (riêng vòng 7 là 4 thẻ đỏ, 37 thẻ vàng) đây là con số vẫn còn ít do nhiều trọng tài còn nương tay với bạo lực sân cỏ. Máu ăn, thua quá trớn từ những cái đầu nóng của các cầu thủ, cũng như sự bất lực của BHL các đội và sự điều hành thiếu nghiêm khắc của VFF đang làm cho thực trạng này đang diễn ra ngày càng trầm trọng.
Cầu thủ ngày càng "máu", HLV cũng "máu" không kém
Dưới sân, cầu thủ cay cú ăn thua, trên khán đài CĐV quay sang chửi trọng tài (TT), có những lời lẽ thô tục với ngay đội nhà, HLV "chiến" trọng tài là những hình ảnh rất dễ bắt gặp tại V-League. Đáng buồn nhất đó là ở V-League hiện nay, các cầu thủ đang "lờn thuốc" không coi trọng kỷ luật sân cỏ, muốn đá kiểu nào thì đá mặc kệ trọng tài và khán giả trên sân. Mặc dù hội đồng trọng tài đã yêu cầu các trọng tài rút thẻ kiên quyết, nhưng phải thừa nhận rằng có rất ít người đủ dũng cảm sử dụng thẻ, nên bạo lực vẫn phát sinh, các hành vi phi thể thao vẫn tiếp diễn. Vẫn biết, sự canh tranh quyết liệt sẽ đưa đến cho khán giả những trận cầu căng thẳng, những tín hiệu tích cực về mặt chuyên môn nhưng thật đáng buồn, sự hấp dẫn, kịch tính lại có phần yếu thế trước tình trạng bạo lực. Các cầu thủ dường như quên mất mình còn đang bị ràng buộc, bị quản lý bởi những luật định. Với những hành động hết sức phi thể thao, cầu thủ không chỉ gây ra những chấn thương đáng tiếc cho đối thủ và nguy hiểm hơn đã tự hủy diệt vẻ đẹp của bóng đá. Một điều đáng nói nữa đó là không chỉ với các cầu thủ mắc những sai lầm, mà ngay cả đối với những HLV cũng có những hành vi rất phi thể thao và đáng lên án. Ở vòng 1/8 Cúp quốc gia trên sân Nha Trang, hình ảnh HLV phó Nguyễn Tý của K.Khánh Hòa ôm nguyên thùng đựng dụng cụ y tế của K.Khánh Hòa húc vào bụng một cầu thủ B.Bình Dương trước khi tháo chạy. Hay mới đây nhất, HLV Trang Văn Thành của đội U19 Đồng Tháp đã lao vào sân bóp cổ trọng tài Ngô Đức Việt vì cho rằng đội nhà bị xử ép, lại không được hưởng thêm giờ thi đấu trận chung kết giải vô địch U19 toàn quốc trên sân Vinh là nhưng hình ảnh khó có thể chấp nhận. Với vai trò là một người thầy, các HLV còn làm vậy thì dĩ nhiên chẳng thể có chuyện ông bảo được học trò của mình giữ bình tĩnh khi có sự cố.
Trọng tài đang là “trung tâm” bị cổ động viên và cầu thủ công kích. |
Có quy chế kỷ luật, nhưng có thực sự nghiêm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định kỷ luật mới bổ sung năm 2010 đã ghi rất rõ ở Điều 39: "Người nào định xâm phạm hoặc cố tình xâm phạm người khác nhưng chưa làm thiệt hại đến thân thể và sức khỏe người bị tấn công sẽ bị đình chỉ ít nhất 2 trận. Nếu một người xúc phạm người khác bằng nhổ nước bọt hoặc bằng hành động, cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa, sẽ bị đình chỉ ít nhất 6 trận hoặc 45 ngày và bị phạt tối thiểu 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Người tham dự vào cuộc tranh cãi sẽ bị đình chỉ ít nhất 2 trận".
Mức phạt như vậy phải nói là khá nặng nhưng trên thực tế rất hiếm khi có một trường hợp vi phạm nào phải nhận hình thức nặng nhất. Thất vọng nhất có thể lấy vụ việc gần đây của Công Vinh làm dẫn chứng, cái cách Ban giải quyết khiếu nại VFF "lách luật" để "cứu" Công Vinh khỏi án "treo giò" 6 trận đã đem lại sự thất vọng cho không ít người hâm mộ bóng đá cũng như dư luận cả nước. Chắc hẳn người hâm mộ bóng đá còn nhớ cú kungfu của danh thủ người Pháp Cantona vào một CĐV thời còn khoác áo CLB M.U, một danh thủ nổi tiếng là thế nhưng cũng đã phải nhận hậu quả là bị cấm thi đấu 9 tháng và bị phạt tiền 20.000 bảng Anh. Vẫn biết rằng Công Vinh là một cầu thủ giỏi, nhưng cầu thủ giỏi không phải lúc nào cũng tránh được những lỗi lầm, mà đã có lỗi thì việc "xử lý" thẳng tay để làm gương là một việc hoàn toàn bình thường.
Bạo lực và những hành vi phi thể thao trên sân cỏ đã trở thành một căn bệnh có sức lây lan khắp các sân cỏ VN, thậm chí là các giải trẻ, nhưng những người điều hành bóng đá dường như vẫn đang coi nhẹ chuyện này. Thiết nghĩ, "xử không nghiêm, thì thà đừng xử".
Đăng Anh