Xu hướng sử dụng và bảo quản mỹ phẩm tại Châu Á

01-04-2020 21:01 | Mỹ phẩm
google news

SKĐS - Cũng như tất cả các khu vực khác trên thế giới, thị trường sản phẩm chăm sóc da ở Châu Á đang phát triển theo xu hướng tiêu dùng thiên nhiên và hữu cơ.

Thị trường mỹ phẩm từ thiên nhiên và hữu cơ Châu Á - Thái Bình Dương được dự kiến sẽ đạt gần 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Trong năm 2016, 34% sản phẩm làm đẹp được bán ở khu vực này là đi kèm với thông điệp bền vững hoặc hữu cơ. Công thức của những sản phẩm này, như tất cả các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, phải đạt tiêu chuẩn an toàn và có thời hạn bảo quản dài.

Xu hướng làm đẹp theo phong cách phương Đông đang lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới, điều này mở ra cơ hội cho những nhà sản xuất Châu Á có thể xuất khẩu ra thị trường phương Tây. Bà Anahita Lion, giám đốc kinh doanh toàn cầu của Vertellus Personal Care cho biết: “Trước đây, thị trường Châu Á được định hình bởi những thương hiệu nội địa, mang tính địa phương nhiều. Điều này đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, người tiêu dùng ở phương Tây cũng quan tâm nhiều đến các xu hướng làm đẹp phương Đông. Chẳng hạn, thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ đã cập nhật với phương pháp chăm sóc da nhiều bước vốn phổ biến tại Hàn Quốc, và họ tìm đến các thương hiệu Châu Á để thử nghiệm phương pháp này. Nếu các hãng sản xuất các sản phẩm chăm sóc da châu Á chứng minh được họ có những công thức thân thiện với môi trường phương Tây, thì họ sẽ có lợi thế lớn.”

Một trong những thách thức muôn thuở của các nhà điều chế mỹ phẩm là lựa chọn chất bảo quản nào, ở tỉ lệ bao nhiêu

Trong bài này, chúng ta sẽ khám phá 8 xu hướng trong thị trường sản phẩm chăm sóc da Châu Á.

1. Bảo vệ môi trường

Người tiêu dùng ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là các nước ASEAN được cho là đi chậm hơn các nước phương Tây khi nói đến xu hướng bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trên thực tế, các cuộc khảo sát tại các nước đang phát triển lại cho thấy người dân ở đây quan tâm nhiều đến những tác động của con người đến môi trường sống và có nhu cầu đối với việc gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với tốc độ đô thị hóa khẩn trương tại các nước Châu Á, người dân ở những nước này càng ngày càng lo ngại về các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Và họ đưa ra những biện pháp cứng rắn. Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc phát động “cuộc chiến chống ô nhiễm”, qua đó tích cực đẩy mạnh sản xuất năng lượng xanh và đã có những cải thiện đo đếm được với môi trường sống. Tại các nước ASEAN, hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo được dự kiến tăng 4% cho đến năm 2025.

Đối với các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, sự lo ngại về môi trường đã hiện hữu bằng các sản phẩm “chống ô nhiễm”, chứa các thành phần chống oxi hóa, với lời hứa bảo vệ làn da khỏi khói bụi trong không khí.

Xu hướng bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất. Nhằm thỏa mãn các chính phủ và người tiêu dùng, các nhà sản xuất cố gắng tìm ra các công nghệ “xanh”, giảm tối đa rác thải ra môi trường, giảm khí thải carbon và giảm tiêu thụ nước.

Bên cạnh đó, thị trường cũng ám ảnh hơn đối với vấn đề mỹ phẩm “không phân hủy được”. Những thành phần lâu phân hủy không chỉ khiến khách hàng lo ngại, mà còn có nguy cơ bị cấm. Chẳng hạn, các hạt nhựa tẩy da chết (polyethylene) đã bị cấm ở nhiều nước trên thế giới vì lý do này.

Người tiêu dùng Châu Á, vốn rất để ý đến những tác động của môi trường ô nhiễm đến sức khỏe, nhanh chóng trở nên lo ngại về các thành phần khó phân hủy. Họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thành phần và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Đối với các nhà điều chế, mỗi một nguyên liệu đưa vào sản phẩm đều cần thống nhất với thông điệp bảo vệ môi trường. Các chất bảo quản cũng cần được lựa chọn theo tiêu chí “xanh”.

2. Mở rộng quy mô sản xuất

Trước đây, khi nói đến mỹ phẩm ở Châu Á, chúng ta thường nghĩ đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vậy, những năm gần đây, Trung Quốc và các nước ASEAN cũng có những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và hạ tầng sản xuất. Những tiến bộ này giúp làm xuất hiện nhiều start-up về mỹ phẩm. Các thương hiệu startup này chiếm được cảm tình của một nhóm khách hàng, thông thường bằng việc chứa những thành phần nào đó phù hợp với xu hướng tiêu dùng thiên nhiên/hữu cơ/sinh thái.

Các startup có triển vọng, đa số sẽ được bán cho các công ty lớn hơn hoặc các tập đoàn đa quốc gia. Vì thế, quy mô sản xuất sẽ lớn hơn và có thể có tầm nhìn xuất khẩu.

Khi quy mô sản xuất trở nên lớn hơn, công thức của sản phẩm bắt buộc phải có sự điều chỉnh. Có thể là điều chỉnh về thành phần, tỉ lệ của các thành phần, máy móc và quy trình sản xuất. Tất cả những điều này đều làm ảnh hưởng đến hạn sử dụng của sản phẩm và kéo theo bài toán sử dụng chất bảo quản nào, ở tỉ lệ bao nhiêu

3. Nguyên liệu bản địa và nguyên liệu ngoại nhập

Sản phẩm mỹ phẩm thường đòi hỏi những thành phần cao cấp. Kết hợp với xu hướng thiên nhiên, thì lời giải cho “thiên nhiên” và “cao cấp” sẽ là các thành phần thiên nhiên có giá trị cao. Các thành phần này có thể là bản địa hoặc ngoại nhập. Ví dụ cho thành phần bản địa là sake và ngọc trai trong mỹ phẩm Nhật Bản, nhân sâm trong mỹ phẩm Hàn Quốc, các vị thuốc Bắc trong mỹ phẩm Trung Quốc hoặc thuốc Nam trong mỹ phẩm Việt Nam. Đối với thành phần ngoại nhập, hiện tại nguyên liệu từ các loài thực vật ở Châu Phi (như bơ shea) hoặc từ vùng Amazon (như bơ cupuacu).

Đối với các nhà điều chế, nguyên liệu thiên nhiên bản địa hay ngoại nhập đều có thể gây ra những trở ngại về vấn đề bảo quản. Một số nguyên liệu có tốc độ oxi hóa nhanh hơn những nguyên liệu khác, hoặc dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn, nấm hoặc men hơn các nguyên liệu khác. Hoặc chúng có thể khiến sản phẩm bị thay đổi về cảm giác khi sử dụng trên da…

Các nhà điều chế luôn có chiến lược bảo quản sao cho phù hợp với các nguyên liệu này về đặc tính gây nhiễm khuẩn/oxi hóa, về chất liệu của thành phẩm, và về mức độ an toàn.

4. Tối giản về thành phần

Thị trường Châu Á đã từ lâu đi đầu về các tuyên bố “không chứa những thành phần có hại”. Với việc càng ngày người tiêu dùng càng lo lắng với rất nhiều thành phần có hại, thì sản phẩm làm đẹp càng ngày càng giảm bớt về thành phần. Do đó, số thành phần ít ỏi còn lại phải thể hiện được nhiều giá trị khác nhau về công dụng, về cảm quan và chất liệu… Chất bảo quản vì thế phải là có tác dụng bảo quản mạnh mẽ (để nhà điều chế không phải kết hợp quá nhiều loại chất bảo quản khác nhau trong một sản phẩm). Không những thế, nó còn phải có những tính năng khác cho sản phẩm. Ví dụ, cetylpyridinium chloride (CPC) có hiệu quả bảo vệ sản phẩm đối với đa dạng các loại vi khuẩn, nấm mốc, đồng thời hỗ trợ nhũ hóa và cải thiện hiệu quả làm mềm da.

5. Chất liệu mới

Người tiêu dùng ở Châu Á, trong khi tìm kiếm các sản phẩm có thành phần gọn gàng và sạch sẽ, thì họ cũng tìm sản phẩm có hình thức tương tự. Ví dụ, xu hướng hiện tại là các sản phẩm có chất liệu trong suốt và thẩm thấu nhanh (ví dụ dạng gel, hoặc gel cream). Tuy vậy, những sản phẩm này có đòi hỏi kỹ thuật tương đối phức tạp đối với nhà điều chế. Chúng cần đạt được một tỉ lệ giữa dầu và nước khá tinh vi, cần phải mỏng nhẹ nhưng có khả năng bảo vệ da tốt, hay nói cách khác: có hình thái tối giản nhưng công dụng lại tối đa.

Một xu hướng nữa là sản phẩm có khả năng biến hóa về hình thái, chẳng hạn từ dạng dầu thành dạng có bọt, từ dạng bột lại biến thành serum …

Đối với các sản phẩm có yêu cầu cao về hình thái và chất liệu, thì việc sử dụng chất bảo quản cần phải tinh tế để không làm hỏng hình thái và chất liệu đó. Sử dụng sai chất bảo quản, hoặc sử dụng đúng chất bảo quản nhưng sai tỉ lệ có thể làm sản phẩm mất độ trong, trở nên bết dính khi thoa trên da, giảm khả năng biến hóa về hình thái. Trong khi, trong nhiều trường hợp, sản phẩm đạt được các tiêu chí về cảm quan trên nhưng lại hỏng nhanh do phương pháp bảo quản chưa đúng đắn.

6. Nở rộ mỹ phẩm cho nam giới

Châu Á đang là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới, bao gồm cả mỹ phẩm. Từ năm 2012 đến 2014, thị trường làm đẹp cho nam đã tăng 70% trên toàn thế giới, với 60% của tổng số đó đến từ Châu Á.

“Biosynthetic” là khái niệm để chỉ những thành phần mỹ phẩm hoặc những sản phẩm kết hợp được cả hai yếu tố là thiên nhiên và công nghệ cao. Đây được cho là sẽ trở thành xu hướng quan trọng trong ngành chăm sóc cá nhân ở tương lai rất gần

Nhu cầu chăm sóc cá nhân của nam giới rất giống với nữ giới. Cánh đàn ông chú trọng đến sức khỏe của làn da và các chu trình chăm sóc da tinh tế. Cũng như phụ nữ, đàn ông Châu Á có xu hướng theo đuổi các chu trình chăm sóc da 8 – 10 bước. Đối với họ, làm đẹp đi đôi với cơ hội phát triển kinh tế. Cụ thể hơn, nhiều người tin rằng vẻ ngoài trẻ trung và rạng rỡ là điều cần thiết, giúp họ phát triển sự nghiệp. Điều này dẫn đến nhu cầu làm đẹp an toàn từ các sản phẩm thiên nhiên và có thành phần rõ ràng, ngắn gọn như được nói ở mục 4.

7. Tìm lại các thành phần cũ

Chiến dịch mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ đang phát triển rất nhanh và các nhà điều chế đang cố gắng đuổi kịp. Ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm đã từ lâu nhận thức được nhu cầu thị trường tăng cao đối với chất bảo quản thân thiện và nhẹ nhàng, nhưng các phương thức bảo quản thiên nhiên mới nhất không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả. Có thể bản thân chất bảo quản đó chưa đủ mạnh, hoặc đủ mạnh nhưng lại làm thay đổi chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, các nhà điều chế đang cố gắng tìm cách quay trở lại với những lựa chọn bảo quản truyền thống, có hồ sơ kiểm định dày dặn, đồng thời cố gắng khai thác ra những khía cạnh mới của những chất “cũ” này.

8. Thiên nhiên “lai” nhân tạo

“Biosynthetic” là khái niệm để chỉ những thành phần mỹ phẩm hoặc những sản phẩm kết hợp được cả hai yếu tố là thiên nhiên và công nghệ cao. Đây được cho là sẽ trở thành xu hướng quan trọng trong ngành chăm sóc cá nhân ở tương lai rất gần, vì nó thừa hưởng cả yếu tố thiên nhiên, khoa học, mà lại thân thiện với người tiêu dùng. Nguyên liệu “biosynthetic” được coi là thân thiện với môi trường và thay thế được cho các thành phần từ dầu mỏ. Ngày nay, khoa học và công nghệ đang phát triển theo hướng có lợi hơn đối với thiên nhiên và môi trường, và cùng với đó, các thành phần “biosynthetic” (mặc dù là thành phần nhân tạo) dần chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng mỹ phẩm.

Khi sử dụng các thành phần “biosynthetic” thay thế cho các thành phần từ dầu mỏ, hình thái và chất liệu của sản phẩm ít nhiều bị thay đổi. Điều này kéo theo sự thay đổi về kỹ thuật bảo quản. Khi các thành phần biosynthetic ngày càng xuất hiện nhiều hơn, các nhà điều chế càng phải quan tâm đến các loại chất bảo quản hiệu quả cao và linh hoạt để hợp tác tốt với nhóm thành phần này.

8 xu hướng trên ảnh hưởng đến các nhà điều chế như thế nào - đây tuy không phải là câu chuyện mới, nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh - sạch tiếp tục tăng nhanh tại Châu Á. Trong khi các nhà điều chế đang cố gắng theo kịp xu hướng này thì các chất bảo quản đạt các tiêu chí truyền thống và thân thiện với người dùng sẽ giúp cho họ có lợi thế lớn. Với những lựa chọn bảo quản như vậy, họ có thể yên tâm tập trung nghiên cứu vào thành phần dưỡng da và chất liệu sản phẩm./


Thư Đỗ
Ý kiến của bạn