Trong hội nghị định hướng truyền thông và dân số tại TP.HCM, TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến mức sinh giảm hẳn từ 2,1 con xuống còn 1,4 là do phụ nữ hiện nay ngày càng làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc vào người chồng, quyết định được lấy chồng và thời điểm có con.
Điều đó cho thấy rằng có thể sinh con hay không phần lớn nằm trong quyết định của người phụ nữ.
Lý do ngại lấy chồng, sinh con
“Thực tế, phụ nữ độc thân bây giờ rất nhiều, nhiều người không muốn lấy chồng. Bởi vì hiện nay lấy được một người chồng tử tế không phải lúc nào cũng kiếm được. Nếu lấy để cho có chồng, người phụ nữ cho rằng không cần thiết. Những người phụ nữ ấy chỉ cần có con, và thường mẹ đơn thân chỉ có một đứa con”, TS. Cảnh Thạc thừa nhận.
Theo cảnh báo của các chuyên gia về dân số, TP.HCM đang ở mức sinh rất thấp. Ước tính, tại thành phố này, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thời điểm mức sinh thấp xuống chỉ còn 1,4 hoặc tăng lên khoảng 1,45 - 1,5 con, trong khi tỉ lệ sinh thay thế cần thiết là 2,1 con. Hơn thế nữa, tình trạng trồi sụt mức sinh xuống quá thấp hiện cũng trở nên phổ biến ở các đô thị lớn trên cả nước.
Điều dễ nhận thấy nhất, đặc biệt ở các nước phát triển, là khi kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng đời sống được nâng cao, mức sinh trở nên trồi sụt. Tại sao, trong khi những vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu vùng xa lại đẻ nhiều?
Ảnh minh họa
“Ở những vùng kinh tế kém phát triển, sinh ra một đứa con mang lại một “nguồn lợi vô cùng lớn”, trở thành một lực lượng lao động chính trong gia đình, không chỉ tự nuôi sống mình mà còn có thể nuôi cả gia đình. Lớn lên, đứa con là “bảo hiểm” cho bố mẹ khi về già.
Còn người dân sống ở những nơi kinh tế phát triển hiểu rất rõ, sinh một đứa con là “hao tổn kinh tế”. Sinh một đứa con rất tốn kém, nhất là ở một thành phố lớn như TP.HCM, từ tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến ăn học, y tế…”, TS. Thạc giải thích.
Nguyên nhân khác cũng làm giảm mức sinh là tỉ lệ vô sinh hiện nay cũng đang rất đáng ngại. Các trẻ em gái có thể quan hệ tình dục từ rất sớm, phá thai không an toàn, vấn đề sử dụng các biện pháp tránh thai không an toàn và hiệu quả dẫn đến khó có con, thậm chí là vô sinh.
Một đứa trẻ tương lai phải gánh 4 - 6 người
Những tác động do mức sinh sụt giảm là không có nguồn nhân lực, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai; tác động đến cân bằng giới tính vì khi sinh ít như vậy người ta có xu hướng mong sinh con trai hơn con gái; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, tỉ lệ người già ngày càng nhiều trong khi trẻ em ngày càng ít.
“Hiện nay, Việt Nam vẫn trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, nhưng cơ cấu dân số theo tuổi đang biến đổi nhanh với tốc độ chóng mặt. Dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2019, tỉ trọng dân số theo nhóm tuổi ở Việt Nam: 65 tuổi trở lên (6,9%), 0 - 14 tuổi (23,1%), 15 - 64 tuổi (70%). Nhưng đến năm 2050, người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm đến 21%, còn trẻ em giảm xuống còn 17,2%”, BS. Mai Xuân Phương, Tổng cục Dân số, cho biết.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2011, khi tỉ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỉ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Điều đáng chú ý: quá trình già hóa của nước ta diễn ra chỉ trong khoảng 20 năm (2012-2032). Đến 2050, Việt Nam trở thành quốc gia “siêu già”. Như vậy, hiện nay 2 người nuôi 1 người, nhưng chỉ khoảng hơn chục năm sau, 1 người phải nuôi 2 người (bố mẹ), thậm chí có thể cõng trên vai 4 hay 6 người (bố mẹ, ông bà ngoại hoặc/và ông bà nội).
Một trong giải pháp giúp kéo dài cơ cấu vàng, các chuyên gia dân số nhấn mạnh “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Bên cạnh đó, ngành y tế cần phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ để đảm bảo họ có con theo mong muốn.