Hà Nội

Xót xa trẻ 2 tuổi bị chó nhà hàng xóm cắn mắt lòi ra ngoài

24-10-2018 15:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Việt Đức cho biết, khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện HN Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 2 tuổi, ở Cao Bằng bị chó hàng xóm cắn (chó becgie khoảng 40kg). Đáng nói là, con chó này của nhà hàng xóm chưa được tiêm phòng dại.

Ths.Bs Đỗ Thị Ngọc Linh – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhi  vào viện trong tình trạng tỉnh táo, vết thương vùng má, da đầu trán đỉnh bên trái, rạn sọ. Toàn bộ nhãn cầu bị trật ra khỏi hốc mắt, nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sỹ đã mổ cấp cứu, phẫu thuật vết thương da đầu, má. Đặc biệt, Bệnh nhi bị lòi nhãn cầu ra khỏi hốc mắt, vì vậy các bác sỹ đã phải đưa nhãn cầu trở lại trong hốc mắt. Bác sĩ đã phải dùng băng chun ép sau mổ để bảo vệ mắt, giữ vị trí của nhãn cầu không bị trật ra ngoài hốc mắt, nhưng hiện tại chưa đánh giá được chức năng nhìn của em bé.

Bệnh nhân đã được đưa đi tiêm phòng dại và chuyển sang bệnh viện Mắt trung ương để được tiếp tục theo dõi và điều trị.

Có thể nói, chỉ từ tháng 5/2018 đã không ít trường hợp trẻ em bị chó nhà nuôi cắn, trước đó, vào tháng 7/2018 một em bé 8 tháng tuổi bị chó ngao tây tạng cắn tử vong. Ngoài ra còn nhiều trường hợp các bé bị chó cắn rách mặt, cắn vào vùng nguy hiểm gần khu thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ mà Báo Suckhoedoisong.vn đã nhiều lần phản ánh.

Trước những trường hợp thương tâm như thế này lại  gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc an toàn cho người dân trước các con thú nuôi trong gia đình như chó, mèo. Đồng thời, một câu hỏi đặt ra, vậy việc chó cắn người như vậy thì chủ vật nuôi chó sẽ phải có trách nhiệm như thê nào?.

Trao đổi với Suckhoedoisong.vn luật gia Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cho rằng. Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc nuôi chó tại nhà phải tuân thủ một số quy định như phải: “Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh” (Điều 6 Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09.01.2007).

Ngoài ra, nếu ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt (Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15.3.2005)

Trong trường hợp chó cắn chết người hoặc gây thương tích cho người, chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại (Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015). Mặt khác, có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn về chế tài xử phạt  hành vi thả rông chó, mèo hoặc không có rọ mõm khi dắt đến nơi công cộng (phạt đến 800.000 đồng) ông Chung cho rằng là hợp lý, cơ bản đủ sức đe, phòng ngừa hành vi vi phạm. Tuy nhiên,  ông Chung cũng  cho biết, vấn đề quan trọng ở đây là việc thực thi pháp luật, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nuôi vật nuôi trong nhà như chó mèo, nhất là hành vi bị cấm như thả rông chó mèo, tiêm phòng dịch… chưa được sâu rộng, đến với mọi người dân. Do đó, ý thức của nhiều người dân trong việc chấp hành pháp luật về nuôi chó mèo chưa cao dẫn đến vi phạm nhiều.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn