Xót xa Pác Nặm

13-07-2009 07:07 | Thời sự

Chỉ sau một trận mưa lũ dội về, núi đồi sạt lở, con sông Năng hiền hòa vẫn nuôi sống người dân Pác Nặm bao đời bỗng một ngày dậy sóng, hủy diệt cả một ngôi làng bé nhỏ và cướp đi sinh mạng của 13 người dân.

Chỉ sau một trận mưa lũ dội về, núi đồi sạt lở, con sông Năng hiền hòa vẫn nuôi sống người dân Pác Nặm bao đời bỗng một ngày dậy sóng, hủy diệt cả một ngôi làng bé nhỏ và cướp đi sinh mạng của 13 người dân. Trong số 9 người còn đang bị chôn vùi dưới thảm đất, đá, bùn lầy sâu đến hàng chục mét có một cán bộ y tế của thôn Khên Lền, xã Công Bằng cùng với những người thân của anh...

Chiều 7/7, chúng tôi có mặt tại Bắc Kạn, mưa đã ngớt, đường từ Pác Nặm lên xã Công Bằng vẫn ngập nước và sạt lở ở nhiều đoạn. Cảnh vật đổ nát, tan hoang, cây cỏ tả tơi sau một trận lũ dữ, các vệt nước xối vẫn còn hằn rõ dọc các vạt đồi, bùn ngập sâu tận đầu gối... Nhiều chỗ mặt đường bị sụt hẳn xuống vực sâu, trông như những cái miệng con quái vật khổng lồ, sẵn sàng nuốt chửng cả người lẫn xe. Có những đoạn đường trơn nhẫy như thảm mỡ, người phải bò từng bước một. Chỉ có một cách duy nhất là leo bộ theo lối mòn đường rừng để vào được đến thôn Khên Lền, nơi đang ngập đầy tiếng khóc, nỗi mỏi mòn chờ người mất tích của dân làng. Hàng trăm con người vẫn đang ngơ ngác, bần thần đi dọc thung lũng, vạt rừng để tìm lại những người thân đang bị mất tích.

 Cụ Triệu Thị Mấy đang được chăm sóc tại TTYT huyện Pác Nặm.
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm là cụ bà Triệu Thị Mấy, ngoài 80 tuổi, bà nội của anh Triệu Văn Nhì, cán bộ y tế thôn Khên Lền, người hiện vẫn mất tích trong đám đổ nát. Mắt vẫn còn đỏ hoe vì khóc cháu, bà Mấy kể lại, lúc đó vào khoảng gần 8 giờ sáng, khi bà đang lúi húi dưới gầm sàn xem nồi cám cho lợn ăn, cả nhà chuẩn bị lên nương, trời mưa như trút, thì đột nhiên một dòng nước đỏ ngầu đổ ập từ cánh rừng sau nhà xuống theo một khe núi, rồi tiếng nhà đổ và tiếng hàng trăm thanh tre, mảnh gỗ rơi sàn sạt xuống thung lũng, cả thảm bùn, nước phủ lên ngôi nhà và bà lịm đi, tê dại. Khi tỉnh lại, nửa người bị bùn vùi lấp, nằm vật trên dòng nước lũ vẫn còn sôi réo, rác rưởi bám cả vào đầu, vào tóc, bà nhận ra cả chục người đang khóc thảm ở xung quanh. Có hơn chục thanh niên trong làng phải xúm lại, bới đất, đá, bùn, kéo bà lên từng chút một, rồi đưa bà đi sơ cứu. Mãi lâu sau, bà mới biết rằng toàn bộ gia đình của mình, gồm cháu trai, cháu dâu, cháu nội, tất cả 6 người đã bị vùi sâu trong lớp đất bùn. Hiện tại, cả làng mới chỉ tìm được thi thể của chị Triệu Thị Liều là vợ của anh Triệu Văn Nhì. Còn lại Triệu Văn Nhì cùng với con trai anh là cháu Triệu Văn Khe 14 tuổi và cả gia đình người em trai là Triệu Văn Peo cùng vợ và con trai mới 2 tuổi hiện vẫn chưa tìm thấy xác.

Ngày 9/7, tại Bộ Y tế, Công ty Zuellig Pharma Việt Nam đã tài trợ 30.000 viên sủi khử khuẩn nước Aquatabs cho Ban Chỉ huy Phòng chống Thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế để cung cấp cho người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đang gánh chịu đợt lũ cuối tuần qua...  

Theo BS. Dương Văn Hoan, Trưởng Trạm y tế xã Công Bằng, trong số 10 người dân bị thiệt mạng, ngoài hộ anh Triệu Văn Nhì và Triệu Văn Peo (có 6 người chết) thì còn có hộ ông Bàn Văn Kiều (cả nhà có 6 người thì 4 người đã bị lũ nhấn chìm). 9 người vẫn đang nằm sâu trong đống đá, bùn tan hoang. Cho đến bây giờ, việc tìm thi thể của các nạn nhân vẫn gần như là bất khả thi vì các quả đồi, khối đất vẫn đang sũng nước, chỉ cần chạm nhẹ vào các đống đổ nát là đất, đá ở phía trên lại sụp đổ xuống.

BS. Hoan bùi ngùi kể, khi nhận được tin lũ dữ xảy ra vào buổi sáng, đến khoảng 2 giờ chiều, anh cùng với đoàn của UBND xã đã lên đường vào bản. Khi ấy trời vẫn mưa như trút, cả đoàn phải băng rừng hơn chục cây số. Vào đến nơi, anh chỉ kịp sơ cứu cho cụ bà Triệu Thị Mấy, khi đó cả người bà đã bị bầm tím, rách một mảng da đầu, bùn vẫn còn bám đầy cả mặt mũi khiến mắt không mở ra được. Sơ cứu xong cho bà cụ, anh mới yên tâm giao cho mấy thanh niên cõng bà xuống trạm y tế xã để lấy xe đưa cụ đến thẳng TTYT huyện tiếp tục điều trị. BS. Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Giám đốc TTYT huyện Pác Nặm cho biết, hiện tại bà Mấy đang được điều trị ở khoa Ngoại, sức khỏe đã khá lên, tinh thần cũng bớt hoảng loạn. Ngoài việc điều trị cho người bị nạn tại chỗ, Trung tâm cũng đã cử người đến tận các bản bị thiệt hại do lũ để giúp dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, cứu chữa cho những người bị thương và khâm liệm cho người quá cố khi tìm được xác. Ngoài cán bộ của TTYT Pác Nặm, còn có 6 cán bộ của TTYTDP và Bệnh viện tỉnh Bắc Kạn cũng được điều đến để giúp dân.

Trớ trêu thay, nơi đầu nguồn con nước ("Pác Nặm" theo tiếng Tày có nghĩa là "nguồn nước") đã bị chính dòng nước cuốn trôi đi bao của cải và cả tính mạng của những người dân đang sống nhờ vào từng con nước. Pác Nặm lại chính là 1 trong 61 huyện được liệt vào danh sách nghèo nhất cả nước. Giờ đây, cái nghèo, cái đói sẽ còn bám lấy cuộc sống của họ không biết đến bao giờ?

Thanh Tâm


Ý kiến của bạn