Hà Nội

Xót xa hoàn cảnh cô giáo bị ong đốt

23-11-2016 16:32 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Phạm Thị Tú Trinh (41 tuổi) giáo viên trường phổ thông trung học Phú Quốc, Kiên Giang. Cô Trinh nhập viện trong tình trạng suy thận cấp vì bị hơn 70 vết ong đốt.

Vật lộn với tử thần giữ từng nhịp tim


Trước đó,  buổi sáng  trên đường từ nhà đến trường, tự nhiên cô có cảm giác như đang bị con gì chích sau gáy nên cô dừng xe lại thì phát hiện cả một tổ ong đang vây sau lưng mình. Bị đàn ong tấn công dồn dập, cô Trinh té xe nằm sấp mặt xuống đất, người đi đường đã đưa cô vào bệnh viện Phú Quốc cấp cứu. Lúc này, cô Trinh vẫn còn tỉnh táo, huyết áp ổn định, các bác sĩ ghi nhận trên người cô có hơn 70 vết ong đốt, chủ yếu tập trung vùng lưng, hai tay, mặt và cổ. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nặng, sau sơ cứu, bù dịch, BVĐK Phú Quốc đã chuyển cô Trinh lên BV Chợ Rẫy bằng bằng máy bay.

Khoảng 18 giờ chiều cùng ngày, cô giáo Tú Trinh được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.Thời điểm này, mạch và huyết áp của bệnh nhân vẫn ổn định dù suy thận cấp. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, người bệnh rơi vào tình trạng xấu, độc tố gây nên tổn thương đa cơ quan, gan bị tổn thương nặng, suy thận cấp, phải thở máy, phổi bắt đầu bị tổn thương, tri giác bị rối loạn.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp bệnh viện Chợ Rẫy cho biết “"Trong tình huống bệnh nhân dọa ngưng thở, nếu chậm xử lý, bệnh nhân có thể suy hô hấp, tử vong ngay. Êkip điều trị đã nhanh chóng đặt ống thở máy, kết hợp đặt đường truyền lọc máu, thay huyết tương, tích hợp chạy thận. Trong thời gian đầu, mỗi ngày, bệnh nhân phải truyền đến 3 lít huyết tương, duy trì chạy thận liên tục. Có những lúc độc tố tác động lên cơ tim khiến nhịp tim chậm, phải kịp thời điều chỉnh nhịp tim để giữ được mạng sống cho bệnh nhân”.

Tạm qua cơn nguy kịch sau một tuần gian nan chiến đấu với tử thần, khắp người cô giáo Tú Trinh vẫn còn hằn những đốm đỏ do hơn 70 vết ong đốt.Hiện tại, tri giác bệnh nhân đã cải thiện, không còn thở máy nhưng vẫn phải thở oxy lượng cao. Thận vẫn chưa phục hồi, chưa có nước tiểu, bệnh nhân sẽ được duy trì nhiều đợt lọc máu và theo dõi sát để có hướng xử trí tiếp theo.

Và nỗi lo gánh nặng chi phí điều trị

Bác sĩ Ngọc Linh chia sẻ “Liệu trình điều trị cho cô giáo Tú Trinh tốn kém, bệnh nhân cần được lọc máu liên tục cho đến khi thận hồi phục.Nếu bệnh nhân đáp ứng nhanh thì khoảng 2 tuần hơn nữa thận mới hồi phục được.Một số trường hợp nặng thì phải hơn một tháng sau mới hồi phục.

Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí điều trị đã trên 130 triệu, nhưng gia đình chỉ mới đóng tạm ứng được 60 triệu, trong khi chi phí cho một ngày lọc máu và thuốc điều trị hơn 15 triệu.

Với 14 năm miệt mài trồng người, những tưởng những ngày trong tháng 11, tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016 sẽ là ngày vui của cô giáo Tú Trinh. Thế nhưng, giờ đây, dù tạm qua giai đoạn nguy kịch thì nỗi lo về gánh nặng chi phí cũng bắt đầu ụp đến. Niềm vui quây quần bên giáo án và đàn học trò bỗng chốc trở nên khó khăn hơn. Ngày 20/11/2016 thật sự là một ngày Hiến chương đầy lo lắng, ưu tư của gia đình cô Tú Trinh. Bởi ở nơi đó, trên giường bệnh khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, trái tim nồng ấm và nhiệt huyết của cô giáo Tú Trinh vẫn đang nằm đó với gánh nặng chi phí điều trị ngày càng nhiều. Ngay trong lúc này đây, gia đình cô cần lắm những trái tim đồng hành cùng cô vượt qua ngưỡng khó khăn này, để ngày Hiến chương nhà giáo 20/11/2016 thực sự là ngày tri ân Thầy, Cô giáo – những người gieo chữ và kiến thức cho bao thế hệ nói chung và cô Tú Trinh nói riêng.

Xử trí khi bị ong chích

Theo bác sĩ Linh, ở nước ta có ong vò vẽ và ong đất độc tính nặng nề và một con ong có thể chích nhiều lần.

Thông thường, người bị ong đốt sẽ dẫn đến hai tình huống: có người bị tổn thương đa cơ quan nặng nề hoặc sẽ rơi vào tình trạng sốc phản vệ. Trường hợp cô Trinh may mắn khi không bị sốc phản vệ nên có thể di chuyển bằng máy bay đến bệnh viện Chợ Rẫy. Thông thường, nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể chết vì huyết áp không có, ngưng tim, không sốc phản vệ nguy cơ tử vong không quá cao trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, nên sơ cứu tích cực bằng cách bù dịch, điều trị giống như sốc phản vệ tránh rơi vào sốc phản vệ muộn. Tiếp đó, chuyển ngay tới tuyến cơ sở gần nhất có thể lọc máu sớm được, tăng thời gian hồi phục cho bệnh nhân, tránh được tổn thương cơ quan khác.

Những người có cơ địa dị ứng hoặc từng sốc phản vệ do ong đốt trước đó thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, nếu bị nhiều vết ong đốt thì không được để ở nhà, dù bệnh nhân chưa có biểu hiện gì cũng nên đưa vào cơ sở y tế theo dõi,

Một số trường hợp ong đốt gây tổn thương thần kinh, nhất là chân tay có thể ảnh hưởng đến chức năng làm việc về sau. Một số bị nhiễm trùng thứ phát nhưng tỷ lệ không cao. Có khoảng 20% suy thận cấp chuyển sang suy thận mãn, chức năng thận trở lại bình thường, không để lại di chứng.

Ong bị thu hút bởi hương thơm như nước hoa hoặc mặc quần áo sặc sỡ sẽ bị ong tấn công. Nên chụp đất, cát xung quanh để xua đuổi, không nên lấy áo, quần đuổi, hoặc nhánh cây càng khiến ong bị tấn công.

Sau khi bị ong đốt, nên dùng nhíp lấy nọc ong ra, không nên dùng tay nặn, bóp làm bể, phóng thích độc tố sẽ khiến tình trạng bệnh hơn.

Tiếp đến, rửa bằng xà phòng để làm dịu đi vết thương, tẩy trùng nhẹ. Nếu vết thương sưng nề, gây đau đớn sơ cứu bằng cách lấy tấm khăn mỏng đắp lên, chườm lạnh 20 – 30 phút làm giảm đau. Đặc biệt, nếu bị ong đốt vùng đầu, mặt, cổ cần thận trọng hơn vì dễ rơi vào cơn suy hô hấp, khó thở nên cần đến cơ sở y tế sớm.


Nguyễn Huyền
Ý kiến của bạn