Nhắc đến hoàn cảnh của anh Lường Văn Điện ở bản Ban, xã San Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ai cũng xót xa. Chị Lò Thị Mai - hàng xóm cho biết, hoàn cảnh gia đình nhà anh Điện rất khó khăn khi cùng lúc cả hai bố còn đều bị bệnh nặng. Gia đình anh hiện đang sống ở trong căn nhà vẫn còn chát bằng vách đất.
Bản thân anh Điện không được khỏe mạnh như bao người đàn ông khác. Anh không làm được việc nặng, thường xuyên thở dốc, mệt mỏi. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh không dám đi khám mà vẫn cố gắng đi làm để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Năm 2018, anh Điện khi không thể gắng gượng được nữa với sức khỏe ngày càng tiều tụy nên đi khám. Vào viện, anh mới biết là bị hở van tim nặng và phải nhanh chóng phẫu thuật để giữ tính mạng. Từ ngày đó, sức khỏe của anh Điện không được như trước. Anh chỉ ở nhà quanh quẩn với ít ruộng, lo phụ vợ việc nhà và chăm sóc con cái.
Con gái anh Điện là cháu Lường Thị Nhân, 3 tuổi, hằng tháng phải đi viện để truyền máu. Da của Nhân xanh xao, bụng to hơn bình thường. Hai tháng trước, bé đã trải qua ca đại phẫu để cắt bỏ lá lách thành công. Tuy sức khỏe tốt hơn sau phẫu thuật nhưng việc điều trị của bé Nhân còn cả một thời gian dài.
Anh Điện kể, khi bé Nhân được 3 tháng tuổi có biểu hiện da xanh xao, bụng ngày càng lớn và hay quấy khóc. Vợ chồng anh chị đã rất sốc khi các bác sĩ cho biết con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Kể từ đó đã 3 năm qua, đều đặn hằng tháng, hai bố con anh ôm nhau vào bệnh viện để truyền máu.
Căn bệnh tan máu bẩm sinh mà bé Nhân mang khiến cơ thể của con ngày càng không như bình thường. Những di chứng bắt đầu xuất hiện như bụng càng căng phình to như trống. 3 tuổi cân nặng được 12kg. Đã không ít lần, Nhân đứng trước ranh giới sự sống – cái chết khi bệnh tình quá nặng. Như trước Tết năm ngoái, cả gia đình đã phải tất tả ôm con vào viện để cấp cứu khi Nhân đau quằn quại, khó thở.
Vợ chồng anh Điện đều là người dân tộc thiểu số, cả năm làm được vài bao thóc không đủ ăn. Khi cả chồng và con bị bệnh, chị Lò Thị Chở, 30 tuổi, trở thành lao động chính ở trong gia đình. Để lo cho hai bố con bị bệnh và cậu con trai đang tuổi ăn học, chị Chở nhận đủ việc để làm, từ thuê cuốc đất, trồng rau tới chặt cây, đội đá…
Thời gian qua, con gái và chồng đi viện, chị đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Số tiền chị Chở vay để chữa cho con lên tới hơn 50 triệu đồng. Khoản tiền đó với một gia đình dân tộc ở vùng sâu, vùng xa như gia đình chị là vô cùng lớn. Tới đây, chị không còn khả năng vay mượn thêm trong khi việc điều trị của con còn dài.
"Tôi đã yếu. Con bị bệnh lại phải điều trị lâu dài. Cúi xin mọi người hỗ trợ giúp cho vợ chồng tôi có cơ hội tiếp tục chạy chữa cho con" - anh Điện ngậm ngùi nói.
Những ngày hai bố con ở viện, túc trực ở bên thấy con còn quá nhỏ đã phải gánh chịu những đau đớn, anh Điện xót xa vô cùng. Anh chỉ mong con được vui vẻ, tung tăng chạy nhảy như các bạn đồng trang lứa. Thế nhưng, điều ước nhỏ nhoi ấy của anh Điện cũng khó có thể trở thành hiện thực nếu như một mai không còn đủ lực để tiếp tục đồng hành chữa bệnh cùng con.
Nhìn dáng vẻ của người cha gầy gò, ốm yếu bên các con giữa những ngày cuối năm cận kề, ai nấy đều ngậm ngùi. Tết đến, anh Điện bảo lo cho các con có được chiếc áo mới và có tiền đi viện tới đây đã là điều hạnh phúc.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Điện - Mã số 814 xin gửi về:
1. Anh Lường Văn Điện ở bản Ban, xã San Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 814
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 814
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/0352408841
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình - Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình - Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.
Đề gửi Mã Số 814