TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, hiện tại Viện đang điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân bị trầm cảm nặng và biếng ăn. Dù đang là tuổi thanh niên khỏe mạnh nhưng cơ thể cô gái gầy sút nghiêm trọng, từ chỗ 40kg, ăn uống tốt nay chỉ còn chưa đầy 20kg.
Theo lời kể của gia đình, cách đây 4 năm cô gái này đã tỏ ra ít tiếp xúc với mọi người, ăn uống ít, chán cơm, chỉ thích ăn chua, người buồn bã, chán nản dù hàng ngày cô vẫn đi làm may bình thường. Gia đình cho đi khám một số nơi nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Đến năm 2016, thấy tình trạng của con gái ngày một nặng, sống tách biệt, không tiếp xúc với ai, cơ thể ngày một suy kiệt, gia đình mới đưa con đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và được các bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm nặng, biếng ăn.
“Trường hợp này, bệnh nhân không có biểu hiện cụ thể mà là rối loạn chức năng dẫn truyền chất trong cơ thể người bệnh, gây rối loạn làm thay đổi cảm xúc và hành vi, bệnh nhân thu mình lại không muốn giao tiếp, không ăn, xa lánh mọi người….”- TS. Dũng cho biết.
Từ một người khỏe mạnh, cô gái này rơi vào trạng thái trầm cảm, cơ thể gầy sút, nằm một chỗ.
Trường hợp khác, một cô gái 30 tuổi rất xinh xắn cũng rơi vào trạng thái trầm cảm, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý gây rối loạn cảm xúc, sống tách biệt khỏi cuộc sống đời thường, thu mình lại, không ăn 14 ngày, từ chối giao tiếp xung quanh. Thấy con gái như vậy, gia đình đã cho đi điều trị nhưng khi về nhà bệnh nhân lại tái phát và tiếp diễn tình trạng như trước và cho nhập Viện Sức khỏe tâm thần.
TS. Dũng cho hay, hiện tình trạng bệnh nhân cải thiện nhiều, bệnh nhân ăn được, nói chuyện được, tỉnh táo. Các rối loạn cảm xúc có thể điều trị được nhưng nếu không diều trị duy trì thì bệnh dễ tái phát khiến gia đình chán nản quên đi điều trị tiếp theo cho bệnh nhân sẽ khiến bệnh nặng nề hơn.
Hãy “lắng nghe” cảm xúc của con
Theo TS. Dũng, bệnh nhân tuổi vị thành niên, thanh niên vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần tương đối nhiều, chiếm khoảng 1/3. Điều đáng nói là đa số các trường hợp đều được đưa đến muộn vì các gia đình không nhận thức được trạng thái trầm cảm của bệnh nhân hoặc đưa đến khám nhầm các chuyên khoa khác mà không nghĩ đến chuyên khoa tâm thần.
TS. Dũng thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần.
“Việc điều trị các ca bệnh trẻ tuổi rất khó khăn nhưng nếu không điều trị dứt điểm thì sẽ là tiền đề trở thành tâm thần về sau. Có nhiều trường hợp, gia đình nghĩ đơn giản là các cháu bị sang chấn tâm lý, thường cho rằng rối loạn thay đổi cảm xúc theo ngày tháng chứ không phải các loại bệnh trầm cảm, thay đổi cảm xúc biến đổi rối loạn yếu tố sinh học… đến khi nó trở thành tiềm thức trong cơ thể mới đưa đi điều trị thì đã muộn”- TS. Dũng nói.
Do đó, TS. Dũng khuyến cáo, ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên thì các biểu hiện như tách biệt cuộc sống, xa lánh mọi người, không giao tiếp, xa lánh các thú vui cũ, không ngủ được, lo âu tăng dần, giảm kết quả học tập, chán nản trong công việc… thì cha mẹ nên nghĩ đến trẻ mắc một trong những rối loạn cảm xúc và cần đi khám ngay không nên bỏ qua điều trị hoặc tự ý điều trị.
Theo một nghiên cứu khác ở Mỹ năm 2014, có khoảng 17.6 nghìn người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người có toan tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.