Xót xa chất xám...

21-12-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chuyện quyền tác giả và các quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc hơn 10 năm nay đã được đặt ra trong nhiều cuộc hội thảo...

Chuyện quyền tác giả và các quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc hơn 10 năm nay đã được đặt ra trong nhiều cuộc hội thảo, văn bản, quyết định nhưng câu chuyện vi phạm bản quyền tác giả cho đến hôm nay vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhiều kẻ trộm mà không có nạn nhân

Trong cuộc hội thảo Tăng cường bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc mới đây do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam – Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức, một số nhạc sĩ có mặt rất bức xúc về tình trạng này.

Các ca sĩ đều phải có nghĩa vụ thực hiện tác quyền trước khi tham gia biểu diễn. Ảnh: Internet

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, tác giả có số lượng ca khúc được lưu hành khá lớn trong đời sống âm nhạc bày tỏ sự phẫn nộ về việc nhạc sĩ bị bóc lột sức lao động sáng tạo. Ông cho rằng chế tài của việc xử lý vi phạm bản quyền còn lơ mơ nên tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn cứ xảy ra như điều tất yếu. Khi sử dụng ca khúc, người ta phải xin giấy phép, vậy mà làm một chương trình nghệ thuật, sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ lại không xin phép tác giả hay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ông bảo, nhạc sĩ bị bóc lột nhiều nhất là từ các nhà mạng. Muốn tìm tác phẩm của mình, cứ lên mạng là có hết. Nhưng không phải họ mua của nhạc sĩ, đưa lên mạng để nhạc sĩ được nổi tiếng, mà là họ “ăn cắp” công sức của nhạc sĩ để khai thác kiếm tiền. Ông làm một thống kê nhanh: Hiện nay, chúng ta có khoảng 10.000 nhạc sĩ, các nhà mạng tự động đưa bài hát lên, mỗi lần người nghe like và download, họ sẽ thu được biết bao nhiêu tiền. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng không thu được gì cho các tác giả ở trên cái không trung này.

Cha đẻ của ca khúc Dòng sông quê anh, dòng sông quê em - nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng gay gắt về việc chế tài của chúng ta quá nhẹ nên nhà tổ chức cứ cố tình phớt lờ đi để làm liều. Ông bảo: Nhạc sĩ là người đầu tiên làm ra tác phẩm, thế mà khi cầm được tác phẩm thì họ lại phớt lờ người nhạc sĩ. Ông kể sự kiện Carnaval tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) để quảng bá du lịch, xem 2 năm liền đều thấy chương trình phát bài Hạ Long, những giây phút thần tiên nhưng ông chẳng được trả đồng nào, mà cũng không biết đi đòi ai.

Đến một cuộc họp gần đây, một chuyên gia kinh tế Mỹ khi nhận xét về vấn đề bản quyền của Việt Nam đã nói rằng: Xã hội có quá nhiều kẻ trộm mà không có nạn nhân. Điều này dường như cũng rất đúng trong lĩnh vực âm nhạc hiện nay.

Ranh giới mong manh

Không chỉ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà cả với Hiệp hội Ghi âm Việt Nam, việc đi “đòi thuê” tiền bản quyền cho các nhạc sĩ cũng vô cùng khó khăn. Trong điều kiện công nghệ kỹ thuật số như hiện nay, phòng ngủ có thể trở thành phòng thu và phòng thu có thể làm phòng ngủ thì người ta có thể làm được rất nhiều bản nhạc số, không cần phải sản xuất đĩa mà đăng tải luôn lên mạng, vẫn có thể phát hành mà không cần giấy phép. Đây chính là lỗ hổng để các tác phẩm của các nhạc sĩ vô tư lên mạng mà chưa có qui định nào xử lý. Các nhà mạng thì cũng chưa có ý thức về vấn đề sở hữu trí tuệ, thậm chí cũng chưa có sự liên kết giữa các bên liên quan trong vấn đề tác quyền. Đại diện của mảng nhạc chờ Vinaphone có lần chia sẻ rằng, đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc chi trả vì không biết tác giả nào đã ủy quyền cho đơn vị nào bảo hộ, hay cá nhân họ tự nhận trực tiếp thù lao tác quyền.

Lại có một thực tế, các đơn vị có thể bỏ hàng trăm triệu đồng để mua mì tôm, chăn màn tặng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc người ta có thể mua sách của các nhà xuất bản để tặng cho các thư viện địa phương nhưng lại không mua bài hát của nhạc sĩ để hát cho đồng bào nghe hay để phát trên đài cho mọi người thưởng thức. Tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ cũng là một thứ hàng hóa - hàng hóa đặc biệt, người nhạc sĩ cũng phải đầu tư rất nhiều công sức và tiền của (đi thực tế) mới ra được tác phẩm. Mỗi nhạc sĩ, mỗi tác giả trong lĩnh vực nào cũng là người sáng tạo, người sản xuất. Vậy ai sử dụng sản phẩm của họ để kinh doanh thì phải trả tiền chứ. Ở đây cần sự sòng phẳng, mạch lạc.

Trong Nghị quyết 33 của Trung ương có nêu vấn đề: Phát triển văn hóa gắn với chính trị. Nhưng thế nào là màu sắc chính trị và khi nào được coi là chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị cũng còn nhiều bàn cãi. Thế nhưng có những chương trình nghệ thuật, người ta giải thích với nhạc sĩ là phục vụ chính trị không có thù lao, vậy mà cũng trong chương trình đó từ anh kéo dây điện, nhạc công đến ca sĩ lại được trả tiền. Liên quan đến vấn đề này, có lần, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thẳng thắn: Tất cả các chương trình phục vụ chính trị qui định không có tiền thù lao, thế nhưng từ người làm ánh sáng, âm thanh, trông xe, ca sĩ, nhà tổ chức lại có tiền. Vậy hóa ra tất cả những người đó là vô chính trị à!

Không có những văn bản qui định rõ ràng, không có những chế tài phạt nặng, không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tác giả với đơn vị đại diện quyền tác giả, đơn vị sử dụng thì vấn đề vi phạm bản quyền tác giả khó chấm dứt. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương:  “Nếu cơ quan chức năng vẫn đang khước từ việc thực hiện nghiêm túc những qui định luật pháp vào các hoạt động kinh doanh văn hóa” thì liệu các giải pháp đưa ra có thực thi? Và cái mong muốn của ông Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao, Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Việt Nam: Nên dành phần lớn các khoản thu cho các tác giả. Nhạc sĩ có béo, có khỏe thì mới có nhiều tác phẩm hay bao giờ mới được thỏa mãn?

 THU HIỀN

 

 


Ý kiến của bạn