Bệnh nhi là C.A.V. (trú tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Theo lời kể của gia đình, cháu V. trèo lên cột điện bắn chim không may bị điện giật, đã được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện, và được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên ngày 20/5/2019. Hiện cháu V đang được điều trị tại khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng.
Theo BsCKI. Bùi Đức Phương – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng cho biết, từ ngày 15/5 đến nay – khoảng thời gian bắt đầu vào hè, số vụ tai nạn thương tích do bỏng nước sôi, bỏng điện, ngã cây, tai nạn giao thông,… ở trẻ em tăng khoảng 7 vụ (trong đó bỏng: 2 vụ; gãy xương, trạt khớp: 5 vụ).
Cháu V đang được điều trị tại khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng.
Những tai nạn này đều gây ra những hậu quả và di chứng đáng tiếc như: gãy chân, gẫy tay, gãy xương, chấn thương sọ não, để lại những vùng sẹo lớn trên cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các em; thời gian điều trị kéo dài gây tổn hại kinh tế gia đình… Đáng chú ý, những trường hợp tai nạn trên đều rơi vào các gia đình là người dân tộc thiểu số - trình độ nhận thức hạn chế, ít hoặc không có môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ nhỏ (thường để trẻ em tự chơi với nhau mà không quản lý).
Theo các chuyên gia, có 6 nhóm nguyên nhân gây nên tai nạn thương vong ở trẻ: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, ngạt thở, ngộ độc. Trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 26,7% và 22,6%, cao hơn các nước khu vực Đông Nam Á, và cao gấp 10 lần các nước đang phát triển.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người lớn cân quản lý trẻ em để không xảy ra tình trạng đáng tiếc. Cần nhắc nhắc nhở các em kKhông chơi, nô đùa gần sông suối, ao hồ,… Không chơi, nô đùa, thả diều,….gần điện cao thế, trạm biến áp… Không trú mưa ở chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng ngang qua). Cần làm rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm tại sông suối ao hồ, tại các trạm biến áp, cột điện cao thế,…. Khi gặp sự cố cần thông báo ngay cho người lớn ở nơi gần nhất, gọi cứu hộ 114, nhanh chóng sơ cứu nạn nhân và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Trẻ em cho dù ở độ tuổi nào đều rất hiếu động, tò mò. Các bậc phụ huynh nên để ý, giám sát kỹ con em mình. Chỉ một phút bất cẩn cũng gây nên những hậu quả đáng tiếc. BS Phương nhấn mạnh.
Vết bỏng điện có thể biểu hiện ít hoặc không hề thấy trên da, nhưng những tổn thương có thể lan rộng sâu xuống các mô bên dưới da. Khi có một dòng điện mạnh truyền qua cơ thể bạn, thì những tổn thương bên trong, như rối loạn nhịp tim hay ngừng tim, có thể xảy ra.
Trong khi chờ sự hỗ trợ từ y tế, nên thực hiện ngay những bước sơ cứu sau:
Trước tiên hãy quan sát, chú ý đừng chạm vào nạn nhân. Vì nạn nhân có thể vẫn còn tiếp xúc với nguồn điện. Khi chạm vào, người đó có thể truyền điện sang bạn.
Tìm và ngắt ngay nguồn điện nếu có thể. Nếu không, hãy di chuyển nguồn điện ra xa cả bạn và người bị thương bằng một vật không dẫn điện được làm từ bìa các tông, nhựa hay gỗ.
Sau khi di chuyển hoặc cắt được nguồn điện, thực hiện thao tác kiểm tra dấu hiệu tuần hoàn (gồm: thở, ho hoặc cử động) của người bị nạn. Nếu không có, phải thực hiện ngay các thao tác hồi sức tim phổi.
Hồi sức tim phổi bao gồm hà hơi thổi ngạt miệng-miệng và bóp tim ngoài lồng ngực để giữ cho máu có oxy đến được não và các cơ quan trọng yếu khác cho đến khi việc điều trị chính qui hơn có thể phục hồi nhịp tim bình thường.
Trong quá trình sơ cứu cần chú ý đề phòng sốc cho nạn nhân. Nên đặt nạn nhân nằm xuống ở tư thế đầu hơi thấp hơn thân người và kê cao chân.
Nhớ che phủ vùng bị bỏng. Nếu nạn nhân đang thở, hãy che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc vô trùng, hoặc bằng vải sạch. Không sử dụng vải màn hay khăn mặt. Các sợi vải lùng nhùng có thể dính vào vết bỏng.
Sau đó hãy nhanh chóng đưa người bị nạn tới bệnh viện, trung tâm y tế cấp cứu.