Hà Nội

Xông, xoa bóp, bấm huyệt trị cảm mạo

SKĐS - Để ứng phó với bệnh cảm mạo dễ mắc hiện nay bạn có thể áp dụng các biện pháp chữa cảm mạo không dùng thuốc của y học cổ truyền khá hiệu quả sau đây.

Thời tiết chuyển lạnh làm cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, khiến nhiều người dễ mắc chứng cảm mạo. Các triệu chứng cảm mạo thường gặp như mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho, sốt… 

Các triệu chứng của bệnh cảm mạo cũng gần giống với các triệu chứng của COVID-19. Vì vậy, nếu người mắc các triệu chứng cảm mạo có các yếu tố dịch tễ liên quan cần làm test COVID-19 để loại trừ.
BS. Đặng Trúc Quỳnh - Bộ môn Nội Nhi khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội

Theo BS. Đặng Trúc Quỳnh cảm mạo được phân loại thành cảm mạo phong hàn (cảm lạnh thông thường) và cảm mạo phong nhiệt (cảm cúm – do các virus cúm gây ra và dễ lan truyền thành dịch).

Thời tiết lạnh của mùa đông, xuân là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh cảm mạo, nhất là đối với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch...

Thuốc xông lá trị cảm lạnh

BS. Đặng Trúc Quỳnh cho biết, một trong những cách điều trị phổ biến, thường dùng khi bị cảm mạo phong hàn là phương pháp xông để giải cảm. 

Thành phần nồi thuốc xông bao gồm 3 nhóm: 

  • Các loại lá có tinh dầu như lá chanh, lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, lá sả, kinh giới...
  • Các loại lá có tác dụng hạ sốt như lá tre, lá duối...
  • Các loại lá có tác dụng kháng sinh như lá hành, lá tỏi... 

Lá tre có tác dụng giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm, ra mồ hôi, sát khuẩn...; lá sả tốt cho tiêu hóa, sát khuẩn, tiêu đờm, chữa tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa; lá bưởi có tác dụng giải cảm, tiêu thực; ngải cứu điều hòa khí huyết; Bạc hà sát khuẩn đường hô hấp, chống viêm; tía tô, kinh giới có công dụng khu phong trừ hàn, trị cảm mạo; hương nhu có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, hành khí, trừ thấp...

Bình thường nhiệt độ của cơ thể được điều hòa ổn định là nhờ sự lưu thông tuyến mồ hôi ở da. Khi cơ thể bị cảm lạnh, lỗ chân lông bị hàn tà bít lại làm cho người bệnh phát sốt, đau đầu, ngạt mũi hoặc sổ mũi trong loãng, ngứa họng, ho khan hoặc ho đờm loãng, không có mồ hôi, đau nhức mình mẩy... Y học cổ truyền sử dụng các vị thuốc có tinh dầu để đẩy tà khí ra ngoài cơ thể qua đường mồ hôi.

Khi xông, hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang giúp giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở, người bệnh cảm thấy dễ chịu, khoan khoái.

Xông lá, xoa bóp bấm huyệt trị cảm mạo hiệu quả - Ảnh 3.

Nồi lá xông giải cảm.

Cách làm: Các loại lá mỗi thứ một nắm to, rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi vài phút (những vị thuốc có tinh dầu nên cho vào sau khi nước đã sôi và bắc nồi ra khi nước sôi lại). Có thể múc riêng ra khoảng 100ml nước xông để uống trong. Người bệnh ở trong phòng kín, tránh gió lùa, trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. 

Trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột bằng cách mở nồi xông từ từ và tránh nhiệt bốc thẳng vào vùng mặt gây bỏng. Khi đã ra mồ hôi và cảm thấy dễ chịu hoặc hết thời gian xông thì dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo sạch, không nên xông kéo dài. 

Bát nước lá uống trong sẽ tăng cường hiệu quả làm ấm, ra mồ hôi, tăng sức giải cảm. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên cạnh để phục vụ và chăm sóc người bệnh.

Lưu ý: Không nên tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, càng làm bệnh nặng hơn. Sau khi xông nên ăn cháo hành, tía tô, cho thêm chút muối, để tăng cường hiệu quả giải cảm. Không nên xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước, bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Chống chỉ định: Những trường hợp không được dùng phương pháp xông lá để trị bệnh bao gồm những người đang sốt cao và ra nhiều mồ hôi; cơ thể suy nhược; người già yếu; trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, người đang bị tiêu chảy, sốt xuất huyết, mất máu hoặc mất nước nặng; người sau khi uống rượu, mắc bệnh ngoài da; người có biểu hiện bệnh tâm thần...

Phương pháp xông lá có tác dụng làm người bệnh nhanh khỏi, tuy nhiên chỉ áp dụng khi người bệnh mới bị cảm 1, 2 ngày đầu. Nếu người bệnh bị cảm lâu trên 3 ngày, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bội nhiễm thì cần phải đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế hoặc các phòng khám đông y có uy tín.

Một số phương pháp xoa bóp, bấm huyệt trị cảm mạo

Xông lá, xoa bóp bấm huyệt trị cảm mạo hiệu quả - Ảnh 4.

Vị trí huyệt ấn đường.

Theo BS. Đặng Trúc Quỳnh một số phương pháp xoa bóp, bấm huyệt giúp giải cảm, trị cảm mạo phong nhiệt và cảm mạo phong hàn:

- Miết vùng trán: Dùng vân ngón cái hoặc vân các ngón miết từ huyệt ấn đường tỏa ra hai bên trán theo hình nan hoa và miết đến huyệt thái dương từ 20 – 30 lần. Cách xác định huyệt ấn đường: Huyệt nằm ở chính giữa đầu trong hai cung lông mày.

- Day ấn huyệt thái dương: Dùng ngón tay trỏ hoặc giữa day ấn đồng thời hai huyệt thái dương trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tức nặng tại chỗ. Cách xác định huyệt thái dương: Từ khóe mắt ngoài đo ra sau 1 thốn (thốn là chiều dài đốt giữa ngón tay giữa).

Xông lá, xoa bóp bấm huyệt trị cảm mạo hiệu quả - Ảnh 5.

Vị trí huyệt bách hội.

- Day bấm huyệt bách hội: Dùng ngón tay trỏ day nhẹ nhàng huyệt bách hội sao cho đạt cảm giác tức nặng tại chỗ, từ 1 - 3 phút. 

Cách xác định huyệt bách hội: Huyệt là điểm giao nhau của đường chính giữa cơ thể đi qua sống mũi và đường nối điểm cao nhất của hai vành tai.

- Miết dọc sống mũi: Dùng hai ngón tay trỏ miết nhẹ từ huyệt toản trúc (huyệt ở đầu cung lông mày) xuống cánh mũi 20 – 30 lần với mục đích làm ấm cánh mũi, lưu thông kinh lạc nên cải thiện được tình trạng ngạt mũi.

- Day ấn huyệt nghinh hương: Dùng vân ngón tay giữa hoặc ngón tay trỏ day ấn đồng thời hai huyệt nghinh hương trong 1 phút sao cho đạt cảm giác tức nặng tại chỗ. Cách xác định huyệt nghinh hương: Huyệt là giao điểm của đường ngang đi qua hai chân cánh mũi và rãnh mũi má.

- Xát gáy và day ấn huyệt phong trì: Sử dụng hai lòng bàn tay ôm lấy vùng sau gáy, lần lượt xát từ chẩm đến hết cổ gáy cho tới khi ấm nóng, đây là vị trí thường bị hàn tà xâm phạm và có thể kèm co cứng cơ thang nên động tác này có tác dụng khu phong tán hàn. 

Sau đó, dùng vân hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt phong trì trong 1 phút sao cho đạt cảm giác tức nặng cả vùng gáy và nửa sau đầu (4 ngón tay còn lại của mỗi bàn tay đặt lên vùng hai bên đầu để làm điểm tựa cho ngón cái có lực). 

Cách xác định huyệt phong trì: Huyệt nằm ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bờ ngoài cơ thang, bờ sau cơ ức đòn chũm.

Xông lá, xoa bóp bấm huyệt trị cảm mạo hiệu quả - Ảnh 6.

Day ấn huyệt thái dương.

Các biện pháp xoa bóp bấm huyệt này có thể được sử dụng cùng với các phương pháp giải cảm khác như xông lá, ăn cháo hành tía tô để tăng hiệu quả điều trị. Nên làm sớm, làm đủ lực để có hiệu quả lên các huyệt.

 Khi bị cảm lạnh có thể tăng cường các thức ăn, gia vị có tính chất cay, nóng, có tinh dầu có tinh chất sát khuẩn như: Gừng, tỏi, sả... trong khẩu phần ăn hằng ngày (phụ nữ có thai không nên ăn quá nhiều các vị cay nóng). Tiến hành vệ sinh họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh khi trời chuyển sang mùa đông xuân, mọi người cần giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh, nhất là cổ, ngực, hai bàn chân, tránh gió lùa, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Mai Hương (ghi)
Ý kiến của bạn