Đau lưng có nhiều nguyên nhân, có thể do tư thế hoặc ảnh hưởng từ lao động chân tay, do chấn thương hoặc mang vác nặng, cũng có thể là biểu hiện những vấn đề bệnh lý khác.
Do vậy, muốn điều trị triệt để phải xác định rõ nguyên nhân để từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng người.
Phác đồ có thể là sự kết hợp của nhiều phương pháp điều trị khác nhau, cũng có thể chỉ cần sử dụng một phương pháp nhất định, tùy thuộc thể trạng của từng bệnh nhân.
Xông thuốc là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền, thường được biết đến nhiều nhất ở công dụng chữa bệnh cảm lạnh, an thần, phục hồi sức khỏe...
Đối với bệnh lý xương khớp phương pháp xông thuốc cũng phát huy thế mạnh khi dùng hơi nóng, tinh dầu của thuốc thẩm thấu vào vùng huyệt để điều trị bệnh.
ThS. BS. Phạm Ngọc Hà Trang –Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Quân y 354 cho biết: "Trong y học cổ truyền, xông thuốc giúp hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, có tác dụng giảm đau, giãn cơ nhanh chóng và hiệu quả. Đây là phương pháp thường được sử dụng phối hợp với các phương pháp khác trong điều trị các triệu chứng đau lưng".
Các vị thuốc thường được sử dụng để xông giảm đau lưng
Theo ThS. BS. Hà Trang:"Đơn giản nhất là gừng, sả, hoặc một số vị thuốc khác như: Đại hồi, nhục quế, thiên niên kiện, đương quy, xuyên khung, bạch chỉ... Tùy từng bệnh nhân, vị thuốc sẽ được điều chỉnh khác nhau". Ngoài ra, các vị thuốc thường được sử dụng để xông giảm đau mỏi còn có: Lá lốt, ngải cứu, quế chi, trinh nữ và địa liền...
Các vị thuốc có thể kết hợp như sau:
Cách 1: 40-50 gram lá lốt, 40-50 gram trinh nữ, 20-30 gram lá long não và 15 gram quế chi;
Cách 2: Kết hợp các loại hoắc hương, hy thiêm, tía tô, ngải cứu, địa liền, mỗi loại 40-50 gram.
Sau khi kết hợp các vị thuốc, đun sôi rồi đem xông.
Cách xông thuốc giảm đau lưng
Khi xông thuốc tại nhà, phương pháp thực hiện truyền thống là đun sôi dược liệu đến khi dậy mùi. Sau đó mang vào nơi kín đáo, không có gió, trùm kín người bằng tấm vải lớn hoặc chăn, mở vung nồi để hơi thuốc bay ra và tiến hành xông thuốc.
BS. Hà Trang cũng hướng dẫn thêm: "Ngoài cách trùm kín người, có thể bộc lộ vùng xông và dùng hơi thuốc điều trị bệnh". Quá trình xông thường kéo dài trong khoảng từ 5 đến 15 phút, khi mồ hôi toát ra đều toàn thân thì dừng lại.
Phương pháp này đã được sử dụng lâu đời, đến nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển, phương pháp xông thuốc cũng được cải tiến và triển khai thực hiện trong các bệnh viện. Cụ thể là giường nằm chuyên dụng, giúp việc xông từng vùng được dễ dàng, nhiệt tập trung tại vị trí nhanh, hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ bỏng trong quá trình xông thuốc.
Cùng với đó là máy xông thuốc hiện đại, vừa mang đến hiệu quả cao, vừa tránh được những tác động không mong muốn lên người bệnh. Những trang thiết bị tiên tiến và hiện này hiện đã có mặt tại một số bệnh viện.
Một số lưu ý khi xông thuốc hỗ trợ điều trị đau lưng
Với công dụng chủ yếu giúp giảm đau, giãn cơ, xông thuốc là phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị các triệu chứng đau lưng. Nếu các triệu chứng ở thể nhẹ thì có thể điều trị bằng phương pháp này, nhưng nếu đau nhiều và nặng hoặc có xuất phát từ các bệnh lý khác thì điều trị đau lưng phải phối hợp cùng các phương pháp khác.
Là phương pháp sử dụng hơi thuốc để điều trị bệnh nên cần chú ý đến các vấn đề như: dị ứng với thành phần của thuốc, vết thương hở, bệnh cấp cứu, giảm cảm giác nóng lạnh hoặc đối tượng sử dụng là trẻ em, người già sa sút trí tuệ... Bên cạnh đó là vấn đề an toàn khi sử dụng hơi nóng, đặc biệt là khi tự xông thuốc tại nhà.
Việc điều trị bằng phương pháp xông thuốc nên được thực hiện hàng ngày trong vòng 2 tuần. Kết thúc liệu trình thì nghỉ 1 tuần, sau đó, căn cứ vào tình trạng bệnh để thực hiện liệu trình tiếp theo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội