Hà Nội

Xông thảo dược giúp giảm đau nhức, cảm mạo

SKĐS - Xông thảo dược là một biện pháp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh dịch. Bạn nên xông thế nào để có hiệu quả và an toàn?

Những ngày này, thực hiện theo quy định phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội: "Ai ở đâu ở yên đó", tôi hay ngồi lặng lẽ trong góc vườn và ngắm nhìn những cây cỏ thảo dược mà hàng ngày chăm sóc. 

Ký ức tuổi thơ về nồi nước lá xông hái trong vườn nhà của mẹ năm xưa lại ùa về trong tâm trí tôi. Cứ mỗi lần nhớ đến điều này lại thèm cái mùi hương của lá cây xộc vào khoang mũi, miệng và lan tỏa bao trùm toàn cơ thể. 

Như một phản xạ tôi đứng dậy, tay kéo tay rổ làm luôn một lèo, phút chốc đã có đủ nguyên liệu cho nồi lá xông. Sau khi xông xong, ôi chao đã cơn thèm, sảng khoái, thông mũi, nhẹ đầu và rất thư thái.

Tản mạn chút để nói về những biện pháp phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. 

Tăng cường sức khỏe nhờ xông thảo dược - Ảnh 1.

Các loại thảo dược thường dùng để xông phòng chữa bệnh.

Xông bằng nồi lá xông thảo dược thế nào? 

Xông hơi với các loại thảo mộc có tính dược liệu là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện.

Để có hiệu quả, phải xông bằng các loại lá có tinh dầu giúp thông đường mũi – họng như: Tía tô, kinh giới, ngải cứu, hương nhu, sả, chanh, quýt, bưởi, bạc hà, cúc tần, cỏ hôi, đại bi, long não, khuynh diệp…hay vỏ cam, vỏ bưởi. 

Mỗi lần nấu không nhất thiết phải có đủ tất cả các loại kể trên. Chỉ cần ba đến năm loại lá và vỏ, đem rửa qua và bỏ vào nồi đổ ngập nước, đun sôi. 

Có lá, vỏ tươi thì tốt, không các bạn có thể tìm mua các gói lá xông đã sấy khô tại các tiệm thuốc nam. Dùng tấm chăn trùm lên người và nồi lá xông, bỏ bớt quần áo ra, nhớ chuẩn bị sẵn đôi đũa để đảo lá khi hơi nóng bắt đầu giảm dần và một khăn bông lớn để lau người khi mồ hôi ra nhiều, mồ hôi ra nhiều mới có tác dụng.

Nếu trong nhà bạn có tinh dầu thiên nhiên thì nhỏ thêm vài ba giọt tinh dầu vào nồi nước xông và hãy tận hưởng hương thơm tinh dầu này ngay khi bạn mở hé nắp nồi. Hãy hít thật sâu nhất có thể bằng mũi, miệng rồi thở ra nhẹ nhàng. Các loại tinh dầu như tràm gió, bạc hà… là lựa chọn hoàn hảo cho việc xông mũi họng.

Đặc biệt, nồi lá xông có thể sử dụng nấu lại vài lần và nhiều người trong nhà cùng sử dụng được. 

Và các biện pháp xông thảo dược khác

Tăng cường sức khỏe nhờ xông thảo dược - Ảnh 2.

Xông mũi họng giúp tăng cường sức khỏe vùng mũi họng trong mùa dịch.

Nếu bạn không thích xông, có thể nấu nồi nước lá này để tắm cũng là một biện pháp thanh lọc cơ thể từ bên ngoài. Với những loại lá có tinh dầu nên có khả năng sát khuẩn như vậy sẽ rất tốt cho việc dự phòng nhiễm cảm cúm, sạch sẽ da dẻ, lưu thông khí huyết; tăng sức đề kháng, thơm mát và tăng sự minh mẫn, tỉnh táo cũng như tạo cảm xúc tích cực, nhất là khi bị cảm nắng, cảm mưa, cảm gió.

Đó là nơi có điều kiện để cắt hay mua lá xông, những khu vực phong tỏa không thể tìm được lá thì bạn làm cách nào để xông mũi họng. Lúc này trong nhà có gì thì chúng ta đem ra dùng. 

Nếu có sẵn tinh dầu thiên nhiên trong nhà ta có thể dùng tinh dầu để xông mũi họng bằng nhiều cách. Đầu tiên nhà ai có máy xông mặt mà chị em hay dùng để xông da mặt làm đẹp hãy mang ra sử dụng, đơn giản chỉ việc thêm vài giọt tinh dầu vào máy có sẵn nước và bật máy.

Nếu không có máy thì sử dụng nồi nhỏ hay cái bát chứa nước nóng và cũng nhỏ tinh dầu vào. Sử dụng khăn trùm kín đầu và hít sâu thở ra nhẹ nhàng. Bạn sẽ hỏi không có tinh dầu thì phải làm sao? Điều cuối cùng để có thể sử dụng xông được là chai dầu gió (dầu xanh, dầu phật linh hay cao sao vàng…), những sản phẩm này đều có chứa thành phần của tinh dầu thiên nhiên rất dễ chịu.

Những lưu ý cần biết khi xông

Tăng cường sức khỏe nhờ xông thảo dược - Ảnh 4.

Hương nhu - thảo dược thường dùng để xông.

Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh, với các thảo dược chứa tinh dầu là biện pháp tốt để giải cảm nhưng cũng cần phải đúng liều lượng, đúng cách làm và có những "chống chỉ định" riêng. Đó là:

- Giữ khoảng cách vừa đủ, tránh để gần đến mức da mặt nóng rát. Lúc còn nóng để xa, sau đó từ từ để lại gần khi nước dần nguội bớt. Thỉnh thoảng nên chui đầu ra ngoài hít thở nếu thấy ngộp thở. Tuyệt đối không cố chịu đựng quá lâu gây ngộp thở.

- Không nên xông cho người có bệnh tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch khác, phụ nữ mang thai, người có bệnh hen suyễn.

- Cần lưu ý hé mở từ từ vung nồi lá xông để tránh bị bỏng. Xông theo sức chịu đựng của cơ thể. Nhiệt độ nước trung bình khoảng 60 – 70 độ C.

- Ngoài tác dụng giải cảm, xông còn giúp mạch máu lưu thông, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Khi cơ thể mệt mỏi, đau nhức, nhiễm cảm lạnh, khi mới ốm dậy... thì mới nên xông. Một tuần chỉ nên xông 2 - 3 lần. Không nên xông nhiều quá sẽ phản tác dụng.

- Cuối cùng, nên uống bù nước, ăn thêm canh, súp sau khi xông bởi xông hơi làm bạn ra mồ hôi dẫn đến mất nước nhiều.

Tự phòng bệnh ở mọi cấp độ từ cá nhân đến gia đình và rộng hơn ra cả cộng đồng là rất quan trọng. Bảo đảm tốt sức khỏe để có đề kháng cao cả thể chất lẫn tinh thần cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.


Đắc Bình - Thanh Sơn
Ý kiến của bạn