Xông hơi, xoa bóp: có giải rượu, giảm cân?

06-03-2012 16:11 | Y học 360
google news

Nhiều quý ông sau chầu nhậu sương sương thường rủ nhau đi xông hơi, xoa bóp (mát-xa) để giải rượu. Nhiều phụ nữ không nhậu cũng rủ nhau xông hơi để đốt mỡ, giảm cân. Những kiểu chăm sóc sức khoẻ như thế rất dễ gây “tiền mất tật mang”.

Nhiều quý ông sau chầu nhậu sương sương thường rủ nhau đi xông hơi, xoa bóp (mát-xa) để giải rượu. Nhiều phụ nữ không nhậu cũng rủ nhau xông hơi để đốt mỡ, giảm cân. Những kiểu chăm sóc sức khoẻ như thế rất dễ gây “tiền mất tật mang”.

Hiệu quả thế nào?

Xông hơi có tác dụng trong trị liệu cảm cúm, nhức mỏi, góp phần thư thái cho cơ thể, tăng cường tuần hoàn, giúp máu đến nuôi da nhiều hơn. Như vậy khi cơ thể bất an do cảm cúm, nhức mỏi hoặc tinh thần đang trong trạng thái bất ổn như căng thẳng, hoặc khi cơ thể cần thư giãn, thì xông hơi được xem như một phương pháp trị liệu đơn giản nhất được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Hoặc khi con người có nhu cầu về chăm sóc da, hoặc trị liệu theo chỉ định của bác sĩ, xông hơi cũng góp phần tích cực.
Ảnh minh họa (nguồn internet).

Xông hơi cũng làm giảm cân, không phải do giúp cơ thể phân huỷ một lượng mỡ (không đáng kể), mà chủ yếu do làm mất đi một lượng nước lớn trong cơ thể. Do vậy, chỉ nên xem xông hơi như một biện pháp góp phần làm giảm cân.

Còn quan niệm uống bia rượu xong đi xông hơi để dã rượu thì rất tai hại. Đã có không ít trường hợp người vừa uống rượu xông hơi được vài phút thì choáng váng, khó thở, chân tay bủn rủn, tim đập mạnh nên phải nhờ người đưa đi cấp cứu. Đó là do uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, khi gặp hơi nóng đột ngột mạch máu sẽ giãn to hơn, tăng nhịp tim, nếu không cấp cứu kịp thời có thể đột quỵ và tử vong.

Quy trình, kỹ thuật phải đúng cách

Quy trình xông hơi rồi tắm, tắm xong mát-xa là quy trình thường thấy hiện nay trong các cơ sở xông hơi xoa bóp. Quy trình này phải đổi ngược lại là tắm xong rồi xông hơi, xông hơi rồi lau khô người, thư giãn xong rồi mát-xa. Vì khi xông hơi, các lỗ chân lông và mao mạch giãn nở, nếu tắm ngay dễ nhiễm lạnh, các mạch máu đang ở trạng thái giãn nở có thể co đột ngột, gây bất lợi cho cơ thể nhất là người có bệnh lý tim mạch.

Xông hơi có nhiều loại: xông hơi thường (chỉ dùng hơi nóng); xông hơi thuốc (sử dụng hơi nóng có thuốc hoặc hương liệu); xông hơi nước (steambath: nước được đun sôi từ các thiết bị nồi hơi, hơi nước được đưa vào các phòng kín); xông hơi khô (sauna: những viên đá được đun nóng, khi tưới nước vào gặp đá nóng nước sẽ bốc hơi rất nhanh).

Mát-xa vừa có tác dụng chăm sóc sức khoẻ, chống lão hoá da, vừa trị liệu một số chứng bệnh thông thường. Có thể mát-xa cục bộ từng phần như mặt, đầu, chân…

Đối với thủ thuật mát-xa, có những động tác rất nguy hiểm, như kỹ thuật viên đứng trên lưng, dùng ngón chân để day các đốt sống. Những trường hợp có bệnh lý ở cột sống như lao cột sống, bệnh lý đĩa đệm, người gầy yếu, thể trạng suy nhược nhất thiết không được làm động tác này. Cũng cần lưu ý, tuỳ theo cơ địa mỗi người mà nhân viên điều chỉnh lực tác động cho phù hợp.

Nếu chọn xông hơi như biện pháp thư giãn thì nên chọn nhiệt độ thích hợp với cơ thể, vừa đủ xuất tiết mồ hôi. Còn muốn giảm cân thì xông hơi là phụ, massage bụng và mông là chính vì đây là vùng tích tụ nhiều mỡ nhất. Không nên xông hơi liên tục, chỉ nên xông 1-2 lần trong tuần, hơi nóng không được làm rát da với nhiệt độ < 60oC, mỗi lần xông 10- 20 phút.

Những người không nên xông hơi, mát-xa

Không nên xông hơi: là người đang sốt cao, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, các vết thương hở, các bệnh lý giãn tĩnh mạch, bệnh lý về máu, phụ nữ có thai, đang trong kỳ kinh, trẻ nhỏ, người có da dễ bị kích ứng, người trong trạng thái đang cần bù nước như tiêu chảy, vận động nặng xuất nhiều mồ hôi, người quá gầy, khi cơ thể không ổn định...

Không nên mát-xa: khi quá no, quá đói, khi say, tâm thần kinh không ổn định, suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm khuẩn da, xuất huyết, giãn tĩnh mạch, khối u…

Trong khi xông hơi hoặc mát-xa, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… thì nên ngưng ngay và nhờ nhân viên cơ sở báo cho bác sĩ biết.

BS Trần Hữu Vinh
Trưởng phòng quản lý y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM;
Phó chủ tịch hội Đông y TPHCM
(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Ý kiến của bạn