Xóm lưới nơi phố núi

25-10-2009 6:28 AM | Xã hội

Nằm giữa lòng phố thị ở thành phố Kon Tum, giữa nhịp sống sôi động, ồn ào và tất bật, một làng nghề đan lưới bắt cá (người ta gọi là xóm lưới) vẫn tồn tại. Đây là một làng nghề hiếm hoi giữa phố núi của tỉnh Kon Tum.

Nằm giữa lòng phố thị ở thành phố Kon Tum, giữa nhịp sống sôi động, ồn ào và tất bật, một làng nghề đan lưới bắt cá (người ta gọi là xóm lưới) vẫn tồn tại. Đây là một làng nghề hiếm hoi giữa phố núi của tỉnh Kon Tum. Khởi đầu cho nghề đan lưới là những người miền Trung đã lên đây lập nghiệp từ năm 40 của thế kỷ XX. Qua thời gian, nguyên liệu đan thành những tấm lưới cũng đã khác xưa, nhưng nghề đan lưới này vẫn đang được một số người dân ở "xóm lưới" tại khu vực đường Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum duy trì cho đến nay cho dù không còn quy mô và phát triển mạnh như những năm trước.

Theo những người cao tuổi đang cư trú tại "xóm lưới" thì nghề đan lưới đã được các thế hệ cha anh của họ đem lên lập nghiệp tại đây vào những năm 40 của thế kỷ trước. Hàng năm cứ vào mùa nước nổi (tức là từ tháng 5 đến tháng 11), hàng chục người Kinh từ miền xuôi như Bình Định, Quảng Ngãi... lên dựng lều bạt dọc các triền sông, con suối - nơi cá thường sinh sống nhiều để đánh bắt và chỉ cần thả lưới xuống là có thể bắt được trên chục kg cá mỗi ngày... Sau một thời gian, khi thấy việc làm ăn có thể sinh sống bằng nghề đánh bắt cá nên họ quyết định lập nghiệp tại đây và  từ đó nghề đan lưới đánh cá bắt đầu xuất hiện cho đến ngày nay. Sự hình thành và phát triển của làng nghề - xóm lưới gắn liền với sự phát triển của thành phố Kon Tum. 

Ngày càng ít người dân đến mua lưới.

Anh Đinh Thanh Hạnh (50 tuổi) trú tại 49, đường Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết: “Trước đây, vào mùa nước nổi, mỗi ngày đại lý bán khoảng 10 đến 15 tay lưới ba màng, chiều dài mỗi tay lưới từ 0,8m đến 3m, giá mỗi tay lưới khoảng 70-75 ngàn đồng, mỗi ngày cho thu nhập từ 70-100 ngàn. Nghề đan lưới là nghề truyền thống của gia đình "cha truyền con nối" theo học từ khi còn nhỏ. Lớn lên, tôi tiếp tục hành nghề đan lưới để bán cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện như Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum...". Còn ông Trần Quang Minh cho rằng: "Trước đây, để đan được thành tấm lưới phải rất kỳ công, phải nuôi tằm, lấy kén, kéo tơ và đánh thành chỉ rồi mới đan nên tấm lưới. Muốn làm nên tấm lưới để phục vụ khai thác, người thợ phải mất nhiều công sức bởi đan từ những sợi tơ mỏng manh, hoặc từ những sợi dây kéo dài. Còn những thỏi chì dùng kẹp lưới thì tự đúc từ những khuôn đúc bằng trúc, còn phao phải làm bằng cây lau và nhuộm màu rất công phu. Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống và khoa học kỹ thuật, sợi cước nilông đủ loại kích cỡ, phao, chì đã được sản xuất sẵn, chỉ việc ngồi đan thành lưới nên việc đan được tấm lưới ngày nay đã dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cần chịu khó, kiên trì vì tất cả mọi thứ đã có sẵn. Việc sản xuất ra một tấm lưới nhanh hơn, bền hơn và hiệu quả khai thác tốt hơn". Song ông cũng tỏ ra bùi ngùi: "Nghề này thì chịu khó tranh thủ, tận dụng thời gian nông nhàn, hiện mỗi ngày công cũng kiếm được từ 15-17 ngàn đồng. Nhưng ngày nay, muốn truyền lại cho con cháu mà chúng chẳng thèm học. Lớp trẻ bây giờ muốn làm cái gì thời gian thật nhanh mà tiền nhiều, chứ không thèm học cái nghề này nữa. Theo tôi, chắc khoảng 10 năm nữa là xóm lưới này không còn tồn tại". Ông Huỳnh Văn Hổ (66 tuổi) cũng trú tại xóm lưới này giải thích  thêm: "Trước đây, cả xóm chưa tới 70 hộ gia đình nhưng đã có trên 60 gia đình làm nghề đan lưới. Trong những tháng mùa nước nổi, hàng chục người làm công ở dưới xuôi lên giúp, nhưng nay chỉ còn lèo tèo khoảng trên 15 hộ gia đình hành nghề đan lưới. Lúc trước mình đan lưới bán đi khắp các tỉnh thành khác và thậm chí bán cả sang nước bạn Lào, mỗi ngày có thể bán đến vài chục tay lưới. Còn giờ thì rất ít, có ngày chẳng bán được cái nào (kể cả vào mùa nước nổi) nên không đủ sống. Vì vậy, tụi trẻ bây giờ không muốn học nghề này. Chẳng bao lâu nữa nghề đan lưới ở đây sẽ mất theo thời gian”.

Chỉ còn khoảng hơn chục hộ ở "xóm lưới" hành nghề đan lưới.

Tồn tại gần 70 năm qua, "xóm lưới" đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi phương thức đánh bắt cá, nâng cao năng suất lao động. Song "xóm lưới" ngày nay có thể mất đi do sự can thiệt quá thô bạo của con người với tự nhiên. Lý giải cho việc "xóm lưới" không thể tồn tại trong thời gian tới, nhiều người lớn tuổi ở đây cho rằng, ngày nay phong trào đánh bắt cá bằng xung điện phát triển quá mạnh mẽ, hơn nữa lại đánh bắt được cá một cách dễ dàng. Họ đã tận thu nguồn lợi thủy sản bằng phương tiện đánh bắt đó nên không cần đến các tấm lưới. Ông Hổ cho rằng: "Bây giờ có thể  mua một bộ máy rà xung điện khoảng 450.000-500.000 đồng và chỉ cần chích một vài điểm có bán kính từ 1 đến 1,5m mà nghi ngờ có cá là có thể bắt được cá mỗi ngày gấp nhiều lần đánh bắt bằng lưới. Những con cá thoát nạn thì cũng không phát triển được, do đó ngày nay nguồn lợi thủy sản (cá tự nhiên) ngày càng hiếm dần. Chính vì vậy, nghề đan lưới cũng từ đó mà mất dần". Đó cũng chính là các nguyên nhân mà nghề truyền thống đan lưới đánh bắt cá ở "xóm lưới" đang dần mai một và mất đi. 

Bài và ảnh: Đan Tâm


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH