Hà Nội

Xóm chài mùa biển động

26-11-2011 15:17 | Xã hội
google news

Ở làng chài này, cứ đến mùa mưa, những ngư dân chỉ mong sao cho đủ cái ăn trong mùa biển động là mừng. Ðó là những tâm sự buồn rất thật của những ngư dân ở xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.

Ở làng chài này, cứ đến mùa mưa, những ngư dân chỉ mong sao cho đủ cái ăn trong mùa biển động là mừng. Ðó là những tâm sự buồn rất thật của những ngư dân ở xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Nhưng có lẽ điều đó không chỉ đúng với ngư dân ở đây mà hầu như nơi nào trong tỉnh, hay những thôn chài dọc dải đất hình chữ S với hơn 11.409,1km đường bờ biển cũng thế, cuộc mưu sinh của ngư dân vùng biển vào mùa mưa lắm nỗi nhọc nhằn.

Gác tàu trông trời, trông đất

Một buổi chiều cuối tháng 10, chúng tôi lang thang nơi bãi biển thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ. Chỉ thấy hàng chục chiếc tàu thuyền đang gác mũi trên bờ trong mưa dầm nằm phơ phất. Đứng lẫn trong những con tàu, những chiếc thuyền đó có những người đàn ông của thôn Trung Thanh với nước da đen nặng nhọc mùi của biển. Họ đang hí húi sơn sửa lại thuyền cá của mình, hay kéo những chiếc thuyền lên cao hơn sợ sóng to có thể đánh dạt mất phương tiện làm ăn của cả gia đình.
 
Anh Huỳnh Văn Hải gỡ lưới về nhà.
Một ngư dân ngước mắt nhìn trời, tay vẫn thoăn thoắt gỡ những mảnh lưới dưới lòng thuyền, bảo: “Chúng tôi tranh thủ lúc biển động không ra khơi được sửa lại thuyền, đợi “ổng” yên yên rồi lựa mà đi biển vài chuyến, kiếm chút cá đổi gạo ăn chứ không thì gia đình nhịn đói!”. Giữa cơn mưa dầm, người thì có manh áo mưa đã rách tướp tơ, người thì mình trần gồng hết sức đẩy những chiếc thuyền sâu vào trong bờ cát. Chúng tôi và những người con của biển như đã gặp nhau từ trước, trò chuyện thân mật như là bạn chài với nhau...

Đầu mùa mưa mà làng chài nào cũng đông đúc. Không phải vì đi biển trúng rồi lên nằm bờ như vậy, mà là vì họ về sớm là để an toàn cho bản thân, cho tài sản của mình, vì thời tiết thất thường quá, bão gió cũng khó lường hơn dạo trước. Ông Bùi Văn Bồng có thâm niên hơn 25 năm đi biển ở thôn Trung Thanh nói như gào lên trong gió biển: “Nghe đài dự báo thời tiết năm nay biểu bão biển gớm quá! Chúng tôi đâu dám mạo hiểm mạng sống của mình được”. Tàu ông Bồng neo đậu lại, nhưng không phải nghỉ mà cứ nhìn trời để ra ghe. Ông Bồng nói chắc nịch: “Cứ nghe dự báo thời tiết cấp 7 trở lên thì nằm nhà, mà chỉ cần biển không động là vọt ra ghe cùng bạn chài ra khơi ngay tức khắc. Nếu mùa nắng bình thường thì đi xa vài trăm hải lý, lênh đênh trên biển chừng một tháng mới trở về. Nhưng vào mùa biển động như thế này, tàu đi xa nhất cũng chỉ trên chục hải lý trở lại và chỉ trong ngày là phải trở về, nếu không thì coi như mất xác!”.

Nỗi buồn của các ngư dân Trung Thanh còn phảng phất trong câu chuyện vì năm nay làm ăn khó hơn mọi năm. Anh Huỳnh Văn Hải, một ngư dân cho biết: “Năm nay kiếm ăn căng hơn các năm, mà mùa mưa này lại càng khó hơn nữa. Mấy năm trở lại đây, tổn phí tàu ghe, xăng dầu lên cao quá, nên thu nhập thấp hơn các năm. Trước đây tụi mình còn đánh bắt ven bờ được trong mùa biển động, còn mùa mưa năm nay thì không thể. Mấy năm trước, có người chỉ một mùa cũng kiếm được tròm trèm mấy trăm triệu, sắm được tàu nho nhỏ để đi biển mùa mưa. Nhưng năm nay thì...”, anh bỏ lửng câu nói đầy tiếc nuối rồi nhìn ra phía làn bụi sóng trắng mờ mờ do biển thổi phả vào, cuốn những bụi cát lăn tăn trên bờ nghe lành lạnh...

 Các ngư dân thôn Trung Thanh kéo thuyền sâu vào bãi đề phòng sóng lớn.

Lăn vào gió biển để mưu sinh

Những ngày qua áp thấp nhiệt đới khiến biển khơi suốt dải miền Trung bị động, sóng dữ dội, ngư dân làng chài Trung Thanh đang gác mái chèo nằm chờ. Nhưng trong cơn mưa của biển, chúng tôi vẫn thấy có những người liều mình đi biển kiếm cái ăn để lại nỗi lo cho gia đình ở phía làng xa. 

Sóng biển dữ dội không thể ra khơi, trong khi hàng thuyền của ngư dân nằm bờ chờ trời quang mây tạnh. Bà Nguyễn Thị Thảo, ông Nguyễn Văn Thành và lác đác trên bãi biển dài của xã Tam Thanh vẫn ngong ngóng ra phía biển, để chờ những chiếc thuyền lẻ loi liều lĩnh trở về. Bà Thảo nói: “Mặc dù biển động nhưng ở đây chiều chiều trên bờ biển lại có những người vợ, người mẹ đưa con đến dõi mắt ra biển ngóng chờ thuyền về”. Chồng bà Thảo mất sớm, đứa con trai duy nhất học chưa hết lớp 6, phải nghỉ học để đi biển, công việc của bà Thảo là chờ đợi, bán những gì con đánh bắt được và vá lưới. Gia đình bà Thảo neo đơn và khó khăn nhất xóm chài Trung Thanh này. Ông Nguyễn Văn Thành dù tuổi đã gần sáu mươi, nhưng bất kể ngày biển yên hay biển động ông đều ra biển để kéo lưới. Tấm áo mưa bay phần phật trong gió không đủ xua tan những cơn gió biển thổi thông thống mang theo hơi lạnh từ đại dương. Mỗi chiều như thế ông kéo được chừng 4 - 6kg cá nhỏ, mang lên bờ bán lại được chừng hơn 20 nghìn đồng chỉ vừa đủ tiền mua gạo. “Không kéo lưới thì biết lấy chi ăn hả chú?!” Ông Thành nói khi vẫn đang gồng mình kéo lưới trong biển chiều đơn độc lạnh buốt.

Trên xóm chài lặng lẽ nằm quay mặt ra phía biển đón gió, một số ngư dân tranh thủ những ngày nghỉ vá lại lưới. Thông thường khi trời êm, cứ tầm 3h sáng, hàng chục chiếc thuyền thúng vượt sóng để kiếm sống. Đến 9h sáng, họ quay vào bờ bán thành quả đánh bắt được rồi lại ra khơi tiếp. Trẻ con làng chài rủ nhau đi nhặt ốc, cá bị sóng đánh dạt vào ghềnh đá bãi biển để làm thức ăn cho cả nhà. Nhưng mùa biển động này, họ bó gối ngồi chờ, những ánh mắt đăm đắm nhìn mãi ra phía biển. Đối với người dân chài, chỉ ra biển mới có tiền để sinh sống. Lão ngư Nguyễn Văn Bình nhìn chân trời đầy mây đen nặng nề âng ậng nước, ngậm ngùi: “Cả đời gắn liền với biển, giàu nghèo cũng do biển. Hồi xưa chỉ cần vài lao động ra biển có thể nuôi được cả gia đình, nhưng giờ cả nhà đi biển cũng chẳng đủ ăn”.

 Ngư dân Bùi Văn Bồng sửa lại ngư cụ chờ biển yên lại ra khơi.

Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào 2 chiếc thuyền thúng. Nếu ngày nào không đi biển là ngày đó cả nhà chật vật với bữa cơm. Vậy mà đã mấy ngày rồi biển động phải nằm bờ làm anh Huỳnh Ngọc Tá nóng ruột. Ngoài trời mây đen vần vũ, báo hiệu sắp có mưa lớn phía biển xa nhưng anh Tá vẫn quyết định ra biển câu đêm. “Thôi thì vì miếng cơm cho lũ nhỏ phải lăn vào với sóng với gió chứ biết răng chừ! Đêm nay tôi đi gần thôi, được chừng mô hay chừng nớ chứ ngồi nhà hoài ruột nóng lắm!”, anh Tá chia sẻ.

Dẫu đang mùa biển động, nhưng nỗi lo cơm áo vẫn hối thúc không ít ngư dân của các làng chài ven biển Tam Thanh phải chấp nhận đối mặt với sóng to, gió lớn, ngày đêm bám biển mưu sinh. Cũng bởi, nếu cho thuyền nằm bờ thì chỉ có đói! Tuy nhiên do thời tiết bất lợi, hầu hết ngư dân chỉ dám đánh bắt gần bờ nên sản lượng đạt thấp, cuộc sống của ngư dân gặp không ít khó khăn.

Mấy ngư dân tôi gặp lúc ấy, họ ngồi bên chai rượu gạo đã gần cạn, mồi nhậu chỉ là mấy con cá trích nhỏ bằng hai ngón tay mới bắt được đêm trước. Ánh mắt người nào cũng ngóng mãi về phía biển khơi. Thôi thì, đời người đi biển có lắm nỗi buồn vui, cứ trôi theo ngày tháng và cứ mãi đăm chiêu như thế. Họ sống thác với biển, có những buồn vui với biển, trách giận biển nhưng rồi lại ra biển và theo biển như điều không thể khác... nhưng mùa này biển động, làng chài buồn tênh...

  Bài và ảnh: Hữu Cường


Ý kiến của bạn