Xóm chài bên sông Sài Gòn

11-03-2012 15:05 | Xã hội
google news

Nhắc đến cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người vô cùng thích thú bởi là địa điểm duy nhất của thành phố mà đường bộ, đường sắt và đường sông giao nhau tại một điểm.

Nhắc đến cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người vô cùng thích thú bởi là địa điểm duy nhất của thành phố mà đường bộ, đường sắt và đường sông giao nhau tại một điểm. Trên đó, hàng trăm đôi vợ chồng đa chọn để chụp những bộ ảnh cưới lộng lẫy đánh dấu ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Vậy nhưng, dưới chân cầu, bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng, một xóm chài nhỏ bé của những ngư dân nghèo khổ vẫn ngày ngày lặng lẽ với cuộc sống mưu sinh vất vả của mình.

Những ngư phủ cuối cùng

Ngồi trên chiếc thuyền mỏng manh, ván gỗ cũ kỹ, dài chừng tám thước, ông Bùi Văn Bảy, 53 tuổi cười buồn bảo: Có lẽ, chúng tôi là những người đánh bắt cá cuối cùng trên sông Sài Gòn này bởi hiện nay, nguồn nước ô nhiễm, cá tôm chẳng còn nhiều, mặt nước rộng lớn vậy nhưng cũng khó tìm ra chỗ thuyền ghe neo đậu. Đa phần mọi người đều đã chuyển nghề lên bờ làm phu hồ, công nhân hay men theo các tuyến sông ngòi đi nơi khác. Sắp tới, khi cầu Bình Lợi mới này xây xong, chẳng biết chúng tôi sẽ đi về đâu nữa.

 Khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành, những người dân xóm chài nghèo chưa biết sẽ đi đâu.
Hiện nay, dưới chân cầu Bình Lợi có khoảng gần chục chiếc thuyền với vài chụcnhân khẩu vẫn bám víu vào nhau sống qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé và có lẽ là cuối cùng của thành phố này bởi hầu hết những ngư dân trước kia đều đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau. Lúc tôi đến, đang là ngày triều kiệt, nước sông rất cạn, các thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho tới hết đợt triều.
 
Riêng ông Bảy thì cho thuyền men theo sông Sài Gòn, ngược lên mạn An Phú Đông (quận 12) để đánh cá. Ông bảo, những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên sông Sài Gòn (nhiều nhánh sông khác) cũng chẳng còn nhiều bởi nguồn nước khá ô nhiễm.
 
Kể về cuộc đời sông nước của mình, gương mặt người ngư phủ bỗng nhiên bừng sáng. Có lẽ, với ông, những con sóng đã trở thành máu thịt, thành một phần của cuộc đời mất rồi. Ông bảo, ông bắt đầu theo nghiệp chài lưới trên sông Sài Gòn từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên, lấy vợ, sinh con rồi vẫn ngày ngày quăng lưới. Trước kia, khúc sông này có rất nhiều cá tôm, bạn bè chài lưới đánh cá cũng nhiều. Tối nào bạn bè cũng tụ tập nhậu nhẹt, rất xôm tụ. Với những người lênh đênh sông nước, bến nào cũng là nhà, làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều.
 
Hiện nay, ba người con của ông đã khôn lớn, đều lên bờ và có công ăn việc làm ổn định. Riêng ông và vợ vẫn ngày ngày bám theo từng con nước kiếm sống, phần vì nhớ sông nước, phần vì bản tính người già khó đổi. Ông cười, thỉnh thoảng bạn bè cũ vẫn thường tìm về “cố hương”, tìm lại con thuyền xưa, bến sông cũ để gặp lại nhau. Nếu mình cũng đi nốt thì sau này, họ tìm về đây chẳng có ai mà gặp gỡ. Với ông, khúc sông Bình Lợi này đã là quê hương mất rồi.

Sống nhờ đáy sông

Chừng một tiếng đồng hồ, quăng được hơn chục mẻ lưới với gần 2 ký cá đủ các loại, ông Bảy quay mũi thuyền hướng về phía cầu Bình Lợi. Ông bảo, thế là đủ cho ngày mai rồi, giờ mang về cho bà ấy đi bán. Ngoài chiếc nghe của đôi vợ chồng già này, khu cầu Bình Lợi còn có khoảng chục con người nữa cũng sinh sống bằng nghề sông nước. Đó là vợ chồng ông Chúc, anh Lân, anh Dũng, thím Hinh…

 Anh Nguyễn Văn Út giăng lưới trên sông Sài Gòn.
Mặt trời đã ngả bóng, phía xa xa, cầu Bình Lợi mới với những vòng khung khổng lồ vồng lên, ánh màu đỏ rực, vô cùng bắt mắt giữa những nhịp bê-tông cuối cùng cũng sắp được hoàn thành. Nhìn cây cầu mang tầm vóc thế kỷ bắc qua sông Sài Gòn, những người dân ở xóm chài này không khỏi chạnh lòng rầu rĩ, bởi khi cây cầu được khánh thành, không biết họ sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, đó là chuyện của sang năm còn hôm nay, mọi người ở đây vẫn phải vật lộn với từng con sóng cho bữa cơm của gia đình mình.
 
Giật nổ chiếc ghe tam bản có gắn máy, anh Nguyễn Văn Út, 34 tuổi chạy xuôi về hướng Thủ Thiêm thả lưới. Anh bảo, những hôm triều xuống, sông cạn, cá tầng đáy ở dưới thường ngoi lên mặt nước kiếm ăn, đó là dịp để mình bắt. Bên Thủ Thiêm, sông rộng, ít ô nhiễm hơn ở đây nên cá nhiều. Chủ yếu là cá rô, cá lóc, cá trê và cá tạp. Nhìn đôi bàn tay săn chắc, nước da sạm nắng gió của anh quăng lưới trong bóng hoàng hôn sông nước mà tôi không khỏi nao nao buồn.
 
Phía xa xa, dưới đáy sông, nơi chiếc lưới vừa bủa xuống, bóng những tòa nhà cao tầng bên bờ sông Sài Gòn in xuống lộng lẫy. Chợt nghĩ, mặt sông Sài Gòn phẳng lặng kia như là một chiếc gương soi khổng lồ, ở đó, hai thế giới của giàu sang và nghèo khó sao mà vừa gần gũi, vừa xa cách đến không gì có thể san bằng được. Cuộc sống mưu sinh, hình như ở đâu cũng khiến ta không khỏi thở dài.

Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, bấp bênh nhưng tình người, sự cảm thông và lòng nhân ái là điều dư thừa ở xóm chài nhỏ bé này. Bà Hinh, một người đã gắn bó với cây cầu này hơn 20 năm tâm sự. Ở đây, tuy chúng tôi là dân ngụ cư, là người tứ xứ sông nước nhưng bà con trên bờ rất quý mến. Vẫn cho mắc điện, dẫn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt. Nói về cuộc sống, bà bảo, sợ nhất là nhìn thấy… xác người. Trong mấy chục năm qua, hai vợ chồng bà đã vớt không dưới 30 cái xác. Kẻ thì từ nơi khác trôi về, người thì đứng trên cầu nhảy xuống. Có lúc, đang đêm nghe tiếng kêu la, hai ông bà lại hối hả chèo thuyền ra. May mắn thì sống sót, run rủi thì sáng hôm sau mới tìm thấy.Về chuyện này, bà bảo: hai vợ chồng bà đã cứu được gần chục người, giờ họ nhận làm con nuôi, vẫn thường thăm hỏi, gửi quà cho gia đình. Hơn nữa, ông bà còn được ủy ban phường tặng bằng khen.

Không mưu sinh bằng nghề chài lưới, ông Nguyễn Văn Tám, một cư dân khác của xóm chài này lại kiếm sống bằng cách vớt ve chai trôi nổi trên sông. Ông bảo, mỗi ngày thường chèo thuyền men theo các tấm lục bình, dọc bờ sông vớt chai nhựa đem bán. Hiện nay, những khu du lịch, những nhà hàng ven sông Sài Gòn đang vô cùng hút khách. Người ta ngồi ăn nhậu bên sông, ném vỏ chai xuống là ông chèo thuyền tới lượm. Mỗi cái được 600 đồng. Nếu may mắn, một ngày ông cũng kiếm từ 30 đến 40 ngàn đồng. Ngày cuối tuần có khi được hơn 50 ngàn.

Chia tay họ, bước lên khỏi thuyền, thành phố đã lên đèn với ánh sáng lấp lóa từ những tòa cao ốc chọc trời cùng những thực khách với bữa tối sang trọng vừa dùng bữa, vừa nhìn sông Sài Gòn thơ mộng. Bên kia, một đoàn tàu du lịch xuôi về phương Bắc cũng vừa vút qua dòng sông, chỉ còn đường ray hun hút dài, vắt qua sông như sợi chỉ.

Bài, ảnh: ĐOÀN XÁ


Ý kiến của bạn