Xoắn tinh hoàn - Một cấp cứu nam khoa nguy hiểm cần can thiệp kịp thời

09-04-2023 07:04 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa nguy hiểm, nếu bỏ qua thời điểm cấp cứu kịp thời có thể phải cắt bỏ tinh hoàn do biến chứng hoại tử.

Ngày 8/4, các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã phải phẫu thuật loại bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nghiêm trọng nhưng không đi khám kịp thời.

Trước đó bệnh nhân đã gặp tình trạng đau vùng bộ phận sinh dục với nguyên nhân viêm nhiễm nên chủ quan. Sau một thời gian, tình trạng đau giảm nhưng vùng bìu có dấu hiệu chuyển màu bệnh nhân mới tới viện để thăm khám.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện tình trạng tinh hoàn của nam bệnh nhân 18 tuổi bị xoắn đã tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.

BS. Đoàn Quốc Huy, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết: Lúc phẫu thuật thì tình trạng xoắn đã kéo dài hơn 30 tiếng. Tinh hoàn bị xoắn của bệnh nhân đã gặp thương tổn không thể phục hồi nên phải cắt bỏ. Kíp phẫu thuật cũng thực hiện cố định bên tinh hoàn còn lại tránh tình trạng xoắn trong tương lai.

Trong trường hợp phát hiện sớm, đi khám kịp thời sẽ tránh được nguy cơ biến chứng và cắt bỏ tinh hoàn. Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cũng tiếp nhận một số ca xoắn tinh hoàn, trong đó có trường hợp đến khám cấp cứu kịp thời, người bệnh khi đang ngủ thì đột ngột thấy đau tức tinh hoàn. Ngay lập tức người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Việt Đức và được xác định bị xoắn tinh hoàn và bác sĩ đã tiến hành tháo xoắn bằng tay ngay trên bàn siêu âm cho người bệnh. Sau tháo xoắn người bệnh đã đỡ đau tức, cấu trúc nhu mô tinh hoàn đồng nhất, mào tinh và tinh hoàn tăng tưới máu. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi và mổ cố định lại tinh hoàn tránh tái xoắn trở lại.

1. Xoắn tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn nằm trong bìu bên dưới dương vật, được nối với nhau từ phía trên bằng một bó ống gọi là thừng tinh. Cấu trúc này chứa các vòng cơ xơ chuyên biệt được gọi là cơ bìu làm cho tinh hoàn di chuyển lên xuống. Nó cũng chứa ống dẫn tinh, là ống mang tinh trùng đến ống phóng tinh.

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn xoay quanh trục làm xoắn thừng tinh gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh và giảm lưu lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu tinh hoàn xoay nhiều vòng, lưu lượng máu có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, dẫn đến biến chứng rất nhanh chóng. Máu không thể lưu thông để nuôi tinh hoàn và nếu tình trạng này kéo dài quá 6 giờ thì sẽ gây hoại tử tinh hoàn và các mô bên trong.

photo-1680962711708

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu do đó cần được khám phát hiện xử trí sớm trước 6 giờ.

2. Các triệu chứng xoắn tinh hoàn

Theo ThS.BSNT Phùng Anh Tuấn, chuyên khoa Nam học, giảng viên Khoa Y, trường Đại học Phenikaa: Dấu hiệu xoắn tinh hoàn phổ biến nhất là đau đột ngột, dữ dội ở một bên bìu. Khi thấy một bên bìu trở nên to hơn nhanh chóng so với bên kia thì phải theo dõi, nhất là khi màu da bìu thay đổi, đặc biệt là màu đỏ hoặc sẫm màu. Ngoài ra còn có thể có dấu hiệu buồn nôn và nôn.

ThS.BSNT Phùng Anh Tuấn khuyến cáo: Bất kỳ cơn đau tức, khó chịu nào ở tinh hoàn cũng cần được kiểm tra, thăm khám kịp thời để loại trừ xoắn tinh hoàn vì đây là một cấp cứu y tế, do tất cả máu cho tinh hoàn đều đi qua thừng tinh nên nguồn cung cấp máu bị cắt đứt khi xoắn tinh hoàn. Khi đó, tinh hoàn sẽ co, teo lại nếu nguồn cung cấp máu không được nhanh chóng phục hồi trong vòng 6 tiếng.

Nam giới cần chú ý các dấu hiệu sau:

  • Đột ngột xuất hiện cơn đau liên tục, dữ dội ở tinh hoàn
  • Bìu sưng to
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau vùng bụng
  • Đau khi chạm vào
  • Một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường
  • Dấu hiệu hoại tử như da vùng bìu sẫm màu
  • Sốt do nhiễm khuẩn (nếu cấp cứu muộn)

3. Ai có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn?

Theo Tổ chức Chăm sóc Tiết niệu Hoa Kỳ, xoắn tinh hoàn ảnh hưởng đến 1 trên 4.000 nam giới dưới 25 tuổi. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với bất kỳ ai có tinh hoàn, kể cả bé trai trước khi sinh. Nhưng đa số trường hợp xoắn tinh hoàn thường thấy ở những người đàn ông trẻ tuổi và những cậu bé vị thành niên: Nam giới trong độ tuổi từ 12-18 chiếm 65% các trường hợp.

Gọi là xoắn tinh hoàn nhưng thực ra hiện tượng xoắn chỉ xảy ra ở cuống tinh hoàn, tức là xoắn thừng tinh. Hầu hết những ca xoắn tinh hoàn thường xảy ra sau một tác động mạnh vào khu vực bìu và tinh hoàn, như tai nạn khi đi xe đạp, một cú đá không đúng vị trí, hoặc một quả bóng không tránh được.

Cũng có trường hợp bị xoắn tinh hoàn sau khi ngủ dậy. Lý do xoắn tinh hoàn xảy ra vào ban đêm là do bìu được thư giãn hoàn toàn và sau đó các cơ xung quanh tinh hoàn co lại và điều đó làm xoắn thừng tinh.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh

  • Tuổi: thường gặp nhất ở nam giới từ 10-25 tuổi.
  • Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn và tự khỏi mà không cần điều trị thì vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.
  • Trời lạnh: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.
  • Bất thường bẩm sinh dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.

4. Xoắn tinh hoàn cần được cấp cứu trước 6 giờ

Xoắn tinh hoàn là trường hợp khẩn cấp nên phải nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nếu để lâu hơn, các tế bào tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ tinh hoàn gây vô sinh.

Thời gian tốt nhất để khám phát hiện và xử lý tình trạng xoắn tinh hoàn là 6 giờ. Tinh hoàn bị xoắn kéo dài có thể gây biến chứng hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn - một cấp cứu nam khoa nguy hiểm cần can thiệp kịp thời - Ảnh 4.

Xoắn tinh hoàn cần được khám chẩn đoán và cấp cứu kịp thời. (Ảnh minh họa)

Tháo xoắn tinh hoàn càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao. Ngay cả tinh hoàn bên kia dù không bị sao cũng được bác sĩ khâu cố định với mục đích phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu xoắn tinh hoàn có thể được khắc phục trong vòng 6 giờ đầu tiên, thì có 90-100% cơ hội cứu tinh hoàn. Nếu tháo xoắn tinh hoàn sau 6 giờ, cơ hội giảm xuống còn 20-50%. Nếu tình trạng kéo dài hơn 12 giờ, chỉ có 11% cơ hội giữ được tinh hoàn.‎

Các bác sĩ nam khoa khuyến cáo: Những trường hợp có các dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời. Không nên chủ quan mà gây chậm trễ cho công tác cứu chữa, ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân.

Ngoài ra, thanh thiếu niên, thanh niên cần được hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe nam giới và nên tự tìm hiểu về các triệu chứng cảnh báo sức khỏe để có thể hiểu tầm quan trọng của việc khám bệnh ngay lập tức nếu có bất kỳ điều gì không ổn ở bộ phận sinh dục của mình.

Bé trai 11 tuổi bị xoắn tinh hoàn trái dẫn đến hoại tửBé trai 11 tuổi bị xoắn tinh hoàn trái dẫn đến hoại tử

SKĐS - Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khoa Ngoại Tổng hợp đã tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu 1 trường hợp bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn 2 vòng, dẫn đến hoại tử.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hoại tử dương vật do bơm silicon tăng kích cỡ "cậu nhỏ".


Thiên Châu
Ý kiến của bạn