Trong dòng chảy của lịch sử, hình xăm đã từng mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đó có thể là dấu ấn để nhận biết nô lệ và chủ nô, dấu hiệu phân biệt kẻ phạm tội với người dân bình thường hoặc là biểu tượng để phân biệt của các băng nhóm xã hội…
Ngày nay, sự tích hợp và giao thoa dòng văn hóa này đã khiến cho hình xăm và thị hiếu cũng trở nên đa dạng và phong phú.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về hình xăm cũng như có những thông tin hữu ích trước khi quyết định thực hiện một hình xăm, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với BS.CKII. Vũ Hữu Thịnh, Khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Đại học Y Dược TP.HCM về vấn đề này:
Thưa bác sĩ, việc xăm mình đang trở nên phổ biến, ngày nay có những hình thức xăm nào? Các hình thức xăm sữa, xăm trắng là như thế nào?
Với sự phát triển của các loại mực, kỹ thuật xăm khác nhau, do cách đặt tên, gọi tên thì các hình xăm trở nên rất đa dạng trong đó có thể chia thành 4 hình thức xăm là:
1. Xăm tạm thời bằng hình dán: Có thể dán
Nhanh, không đau.
- Ưu điểm : Có thể thay đổi nhiều hình xăm khác nhau.
Quy trình nhanh gọn chỉ với 5 phút. Tự thực hiện tại bất cứ đâu.
Không gây tổn hại đến da.
- Nhược điểm : Mang tính tạm thời, phụ thuộc vào loại hình dán có thể lưu lại trong vài tiếng hoặc vài ngày.
Hình xăm giống nhau khá nhiều, bạn không thể tự thiết kế hình xăm theo ý thích bản thân.
2. Vẽ Henna: Xuất hiện phổ biến ở Ấn Độ, mực dùng từ cây Henna.
- Ưu điểm: Bạn có thể thay đổi nhiều hình vẽ khác nhau.
Quá trình vẽ khá nhanh. Thường kéo dài trong 5 - 20 phút, tùy theo kích thước và tay nghề người vẽ.
Không gây tổn hại đến da nếu chọn loại mực chất lượng.
- Nhược điểm : Đòi hỏi người vẽ phải có năng khiếu, mới có thể có hình xăm đẹp.
Mang tính tạm thời, phụ thuộc vào loại mực, có thể lưu lại trong vài ngày hoặc vài tuần.
3. Hình xăm vĩnh viễn: Là hình thức xăm phổ biến hiện nay. Tùy theo sở thích bản thân mà có thể chọn cách xăm, phun, khắc, hoặc thêu sợi.
- Ưu điểm: Có thể tự thiết kế hình ảnh bạn muốn xăm hoặc nhờ thợ xăm phác thảo hình xăm mà bạn lựa chọn.
Lưu lại hình xăm vĩnh viễn.
Tạo đường nét thẩm mỹ trên khuôn mặt
- Nhược điểm: Phương pháp này sử dụng các loại kim chứa mực và khắc lên cơ thể tùy theo kích cỡ và đường nét của hình xăm. Bạn sẽ phải chịu đựng cảm giác đau đớn vì làn da bị tổn thương trong khoảng thời gian xăm, cho đến khi vết thương lành hẳn.
Đối với những làn da nhạy cảm, mực xăm có thể gây kích ứng, ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ.
Nếu muốn xóa xăm, bạn sẽ phải chịu cảm giác đau nhiều hơn là khi bạn xăm; đồng thời, có khả năng để lại sẹo cao.
Đây là phương pháp giúp bạn lưu lại hình xăm vĩnh viễn, cho nên cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định xăm hình.
4. Xăm mực trắng :
Một biến thể khác từ xăm mực trắng là xăm sữa. Phương pháp này dùng sữa tươi pha với mực trắng, chúng lên màu sẽ nhạt hơn rất nhiều so với xăm mực. Nhược điểm của hình xăm mực trắng là chúng dễ mất màu và bạn phải đi dặm lại thường xuyên.
Bác sĩ vừa chia sẻ, các hình xăm vĩnh viễn cần phải được cân nhắc kỹ vì việc xóa xăm có thể gây nhiều đau đớn cũng như khả năng để lại sẹo cao, vậy có những cách xóa xăm nào? Có nhiều quảng cáo về việc xóa xăm tại nhà, việc này có hiệu quả không thưa bác sĩ?
Việc xóa xăm phức tạp hơn rất nhiều so với việc xăm, cần tốn nhiều thời gian và chi phí nhưng cũng không thể đảm bảo làn da có thể hoàn toàn hồi phục như trước xăm, do đó cần cân nhắc thật kỹ trước khi xăm. Xóa xăm có nhiều hình thức khác nhau như:
Xóa xăm tại nhà: Dễ làm nhưng có thể gây tổn thương da, chỉ mờ chứ không hết triệt để.
Xóa xăm bằng laser:
- Laser CO2 tương đối thông dụng, chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên do tia laser CO2 tác động vào mọi vật thể có chứa nước, nên cùng lúc với hủy mực xăm, nó cũng sẽ hủy đi lớp da (do có chứa nước) bên trên, sẽ gây sẹo nơi xóa xăm
- Laser YAG chỉ tác động vào các vật thể có màu sắc phù hợp với bước sóng của tia mà không tác động vào các vật thể có màu khác.
Xóa xăm bằng hóa chất: Hóa chất không rõ nguồn gốc, dễ gây dị ứng
Xóa xăm bằng phẫu thuật: Khi sử dụng đến phẫu thuật, biện pháp thông thường là cắt bỏ phần da có hình xăm và ghép da lấy từ nơi khác trên cơ thể. Có thể thực hiện với các hình xăm nhỏ, nhưng khó có thể thực hiện với các hình xăm lớn (có hình xăm chiếm nguyên cả lưng, đùi…). Ngoài ra, khi cắt bỏ và ghép da mới sẽ tạo ra sẹo.
Do việc xóa xăm rất dễ gây sẹo, lây nhiễm, nên chọn thực hiện tại nơi có uy tín cao, như các bệnh viện hoặc các thẩm mỹ viện có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Cần thận trọng khi xóa xăm bằng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, tác dụng… Không nên xóa xăm bằng cách xăm chồng lên màu khác, kết quả sẽ không đảm bảo, khó khắc phục về sau.
Ngoài ra, do đã xăm rồi thì rất khó xóa, cần cân nhắc trước khi quyết định xăm hình trên da của mình. Mặt khác, càng phải thận trọng khi chọn phương pháp xóa mà không gây sẹo, lây nhiễm…
Vậy sau khi thực hiện việc xóa xăm, chúng ta cần lưu ý những điều gì thưa bác sĩ?
Sau khi xóa, khu vực da bị tác động bởi các tác nhân xóa, nên dễ bị tổn thương cũng như tồn tại các rủi ro về nhiễm trùng. Do đó cần chú ý giữ vệ sinh và tuân thủ các lời khuyên từ bác sĩ chuyên môn như:
– Hạn chế tiếp xúc với nước trong 2 ngày đầu sau khi xóa xăm, đặc biệt tránh xa xà phòng, sữa tắm.
- Uống nhiều nước, không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn trong những ngày đầu sau khi xóa xăm.
– Vùng da điều trị bị đóng vảy là điều bình thường. Bạn nên để cho da tự lành, không tự ý cạy, bóc dễ khiến da bị nhiễm
– Trong vòng 1 tháng sau khi xóa xăm bằng laser, bạn phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.