Hà Nội

Xóa sẹo rỗ do mụn

16-01-2019 13:16 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Mụn trứng cá là 1 rối loạn thường gặp, đặc biệt ở thanh thiếu niên và thường gây sẹo rỗ, dẫn đến mất mô.

Sẹo có liên hệ với độ nặng của mụn trứng cá và cũng liên quan đến trì hoãn khởi đầu điều trị mụn trứng cá và thời gian đáp ứng viêm nhiễm.

Sinh bệnh học của sẹo rỗ trứng cá chưa được hiểu hoàn toàn, nhưng hầu như liên hệ với chất trung gian gây viêm và thoái hóa men (enzyme) của những sợi collagen.Yếu tố di truyền gây ra những đáp ứng miễn dịch và khả năng đáp ứng với mô tổn thương khác nhau nên là yếu tố chính ảnh hưởng tạo sẹo.Tổn thương trứng cá khởi đầu viêm nhiễm ở sâu.Sau đó sẹo ảnh hưởng cấu trúc sâu hơn dưới da.Vì sẹo trưởng thành sẽ làm co rút lớp bề mặt và thể tích bằng các hóa chất gây viêm.

Sẹo trứng cá nặng liên hệ với căng thẳng tâm thần, chủ yếu ở thanh thiếu niên, tự ti, trầm cảm, lo lắng, thay đổi diện mạo, ngại ngùng, giận dữ, thất nghiệp. Hình dạng sẹo thường tệ hơn theo tuổi hay tổn thương ánh sáng.

Điều trị sẹo phụ thuộc loại sẹo.Hiện có nhiều phương cách điều trị sẹo rỗ.Nhưng không có điều trị nào hiện nay có thể đạt được điều trị khỏi hoàn toàn sẹo.Vì vậy, đừng trì hoàn thời gian chữa lành mụn trứng cá ở những giai đoạn đầu.

Xóa sẹo rỗ do mụn

Phương pháp tái tạo bề mặt

Lột hóa chất

Là thủ thuật dùng các chất hóa học để gây tổn thương lớp thượng bì và bì có kiểm soát để thúc đẩy quá trình sữa chữa, tái tạo của da.Các hóa chất có thể dùng là acid salicylic, acid glycolic, acid pyruvic, acid trichloroacetic.Lựa chọn nồng độ hóa chất sử dụng phụ thuộc vào vùng da điều trị và độ nặng của sẹo.

Thủ thuật này có thể làm nặng thêm mụn trứng cá, sẩn - mụn mủ và thỉnh thoảng bệnh nhân nổi sẩn - mụn mủ ngay sau khi lột.Lột bằng hóa chất ít ảnh hưởng đến vùng da lành và cấu trúc phần phụ xung quanh nên giảm nguy cơ tạo sẹo và giảm sắc tố da.

Ngoài ra, giữa những đợt điều trị và 4 tuần sau đợt điều trị cuối nên chống nắng để phòng ngừa tăng sắc tố.

Chống chỉ định của phương pháp này là viêm da hay nhiễm trùng vùng điều trị, dùng isotretinoin trong vòng 6 tháng trước đó, viêm da tiếp xúc dị ứng và phản ứng dị ứng với các hóa chất lột.

Xóa sẹo rỗ do mụnSẹo trứng cá nặng liên hệ với căng thẳng tâm thần

Mài mòn da (microdermabrasion/ dermabrasion)

Mài mòn da là kỹ thuật tái tạo bề mặt, dùng những phương pháp cơ học bào mòn vùng da tổn thương để thúc đẩy tái biểu mô hóa.Microdermabrasion tác động trên da nông hơn so với dermabrasion, chỉ loại bỏ lớp ngoài của thượng bì, làm tăng quá trình bong vảy tự nhiên.

Không giống dermabrasion, microdermabrasion có thể làm lặp lại với khoảng cách ngắn, ít gây đau, không cần gây tê và có thể thực hiện nhiều lần. Tác dụng phụ: vết bầm, cảm giác bỏng hay châm chích, nhạy cảm ánh sáng và thỉnh thoảng đau. Microdermabrasion có biến chứng ít và nhẹ hơn so với dermabrasion nhưng hiệu quả thấp hơn nên không dùng để điều trị sẹo sâu.

Dermabrasion loại bỏ hoàn toàn thượng bì và tác động đến bì nhú hay bì lưới, dẫn đến tái tạo những protein cấu trúc. Khi thực hiện dermabrasion cần gây tê tại chỗ hay toàn thân.

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm đỏ da kéo dài, nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn, vi nấm, siêu vi), sẹo lồi hay sẹo phì đại, nhạy cảm ánh sáng, giảm hay tăng sắc tố thoáng qua hoặc vĩnh viễn, đặc biệt ở bệnh nhân da sậm màu. Dermabrasion là thủ thuật cần người thực hiện có kỹ năng cao.Dermabrasion không phải là lựa chọn tối ưu cho sẹo đáy nhọn hoặc sẹo đáy vuông sâu.

Lăn kim (Skin needling hay needle dermabrasion)

Lăn kim được lựa chọn cho điều trị sẹo rỗ đáy tròn hoặc đáy vuông nông. Dụng cụ lăn kim gồm một con quay vô trùng gắn nhiều kim nhỏ, thâm nhập vào độ sâu khoảng 1,5  - 2mm vào trong lớp bì. Phương pháp này gây ra tổn thương cho cả lớp thượng bì và bì, làm kích hoạt dòng thác của các yếu tố tăng trưởng, dẫn đến tăng elastin và tái tạo collagen lớp bì.

Hiệu quả của kỹ thuật phụ thuộc vào khả năng kích thích quá trình tân tạo collagen mới.Quá trình tân tạo collagen bắt đầu từ 5 ngày sau tổn thương và tiếp tục trong một thời gian dài, đạt đỉnh trong khoảng 12 tuần sau điều trị.Kết quả tối ưu có thể thấy sau 32 tuần từ đợt điều trị cuối cùng. Ngoài ra, lăn kim tạo ra những kênh nhỏ giúp tăng hấp thu những thuốc khác dùng tại chỗ.

Kỹ thuật này tương đối an toàn cho tất cả các loại da và ít nguy cơ tăng sắc tố sau viêm so với laser tái tạo bề mặt, lột hóa chất hoặc mài mòn da. Thời gian hồi phục sau lăn kim ngắn hơn so với những thủ thuật tái tạo bề mặt khác. Số lần điều trị phụ thuộc vào đáp ứng tái tạo collagen của mỗi người và vào sự mong muốn của bệnh nhân.Hầu hết bệnh nhân cần 3 - 4 lần điều trị mỗi 4 tuần.

Chống chỉ định chính là dùng thuốc chống đông, rối loạn đông máu, nhiễm trùng da, tiêm collagen và chất làm đầy trong 6 tháng trước thủ thuật, tiền sử cá nhân hay gia đình có sẹo lồi hay sẹo phì đại.

Gần đây, Fabbrocini và cộng sự đề xuất phương pháp mới phối hợp lăn kim và huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị sẹo mụn. PRP chứa những yếu tố tăng trưởng tự thân, đặc biệt là yếu tăng trưởng biểu mô, yếu tố tăng trưởng tách từ tiểu cầu, yếu tố chuyển dạng beta và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, là những yếu tố rất hữu ích giúp tăng lành vết thương và sửa chữa mô. Dùng phối hợp lăn kim và PRP hiệu quả hơn trong cải thiện sẹo mụn so với sử dụng lăn kim đơn thuần.

Điều trị laser

Laser tái tạo bề mặt gồm laser bóc tách và không bóc tách, đạt hiệu quả cao trong điều trị sẹo mụn và dễ sử dụng hơn so với những phương pháp khác.Laser thường dùng cho điều trị sẹo đáy vuông hay sẹo đáy tròn.

Laser bóc tách (laser CO2, laser Erbium YAG tái tạo bề mặt da) làm bong lớp thượng bì và mô sẹo tổn thương, qua cơ chế bốc hơi và làm khô.Mặt khác, laser không bóc tách như laser Nd YAG và Diode, chủ yếu kích thích tạo collagen mới, mà không gây tổn thương thượng bì.

Laser bóc tách

Laser bóc tách có tính chọn lọc cao với nước, hoạt động theo cơ chế quang nhiệt chọn lọc và gây bốc hơi lớp nông của da:

- Laser CO2 (bước sóng 10600 nm): gây bốc hơi mô ở độ sâu 20 - 60µm. Năng lượng của laser được hấp thu bởi nước trong nội bào và ngoại bào dẫn đến tạo nhiệt nhanh và bốc hơi mô. Laser CO2 làm nóng lớp bì bên dưới dẫn đến thúc đẩy quá trình lành vết thương, làm tái tạo collagen và co mô do nhiệt. Loại laser này có 2 tác dụng chính là biến tính protein trong mô xung quanh và gây hiệu ứng nhiệt đối với protein lớp bì, dẫn đến sản xuất nhiều protein chất nền và nguyên bào sợi, thúc đẩy quá trình lành vết thương. Quá trình tái tạo biểu mô thường mất 5 - 10 ngày và hồng ban sau điều trị có thể tồn tại trong nhiều tháng.

- Erbium: yttrium-aluminum-garnet (Er:YAG, bước sóng 2940nm) có tính chọn lọc với nước gấp 10 lần so với laser CO2 nên giảm tổn thương do nhiệt. Do năng lượng của laser Er:YAG gần với đỉnh hấp thu của nước (3000nm) nên hầu hết tất cả năng lượng được hấp thu trong thượng bì và bì nhú. Kết quả là mức độ xâm lấn nông hơn và tổn thương nhiệt bên dưới ít hơn, nên thời gian lành thương ngắn hơn và tác dụng phụ thấp hơn.Thời gian tái tạo biểu mô mất 4 - 7 ngày.

Laser bóc tách có nguy cơ cao gây biến chứng và tác dụng phụ.Tác dụng phụ gồm cấp tính (đau tạm thời, đỏ, nhiễm trùng) và mạn tính (tăng sắc tố, sẹo, sưng phù).

Laser không bóc tách

Hiện nay, laser tái tạo bề mặt không bóc tách thường dùng cho điều trị nếp nhăn mặt và sẹo mụn vì ít tác dụng phụ. Những laser này ít tác động lên thượng bì và kích thích lớp bì sản xuất collagen mới.

- Neodymium-doped yttrium aluminum garnet (Nd:YAG, bước sóng 1320nm hay 1064 nm): thường dùng cho bệnh nhân da sậm màu và nhạy cảm. Laser này tác động vào nước và collagen bên dưới mà không phá hủy lớp thượng bì.Tổn thương nhiệt sẽ kích thích giải phóng các hóa chất trung gian gây viêm, hoạt hóa nguyên bào sợi, tân sinh collagen và tái tạo lớp bì.Bệnh nhân cần được điều trị nhiều đợt (3 - 5 đợt mỗi tháng, kéo dài trong nhiều tháng).Kết quả đạt được lâu dài và tiếp tục sau lần điều trị cuối cùng. Ưu điểm của kỹ thuật này là giảm thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị và giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như biến chứng tăng hay giảm sắc tố sau viêm.

- Laser Diode (1450nm): tác động vào nước của lớp nhú bì làm tái tạo collagen bên dưới và thúc đẩy tạo collagen mới. Hiện tượng tăng tổng hợp và lắng đọng collagen kéo dài đến 6 tháng sau điều trị.Tác dụng phụ thường ít, có thể gây hồng ban, phù và tăng sắc tố.

Ly giải quang nhiệt vi điểm (Fractional Photothermolysis-FP)

Mặc dù laser không bóc tách có hiệu quả trong điều trị sẹo mụn nhưng kết quả thu được không ấn tượng như dùng laser bóc tách. Do đó, phương pháp ly giải quang nhiệt vi điểm được sử dụng để tạo ra những tổn thương nhiệt vi thể đồng nhất ở những độ sâu khác nhau trong da. FP gây tổn thương chọn lọc mô lớp bì dẫn đến đáp ứng lành thương, kích thích tân tạo collagen kéo dài mà không tổn thương thượng bì như laser tái tạo bề mặt truyền thống, mài mòn da và lột hóa chất.

Hiệu quả điều trị được thấy với nhiều loại sẹo từ sẹo đáy nhọn đến sẹo đáy vuông và đáy tròn.Vùng điều trị lành hoàn toàn trong vòng 24g trong khi đối với laser tái tạo bề mặt bóc tách là 2 tuần.Ưu điểm của FP là giảm thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị, giảm tác dụng phụ so với laser bóc tách truyền thống và tăng hiệu quả tái tạo mô so với phương pháp không bóc tách.

Radiofrequency (RF)

RF lưỡng cực vi điểm là một phương pháp tương đối mới, đem lại hiệu quả đáng kể trong điều trị sẹo mụn, qua cơ chế làm nóng lớp bì sâu vi điểm để gây tổn thương mô và dẫn đến đáp ứng lành thương, kích thích tái tạo collagen lớp bì. Phương pháp này gây đông protein giới hạn ở trung bì, gây tổn thương bóc tách < 5% ở thượng bì.Lợi ích của phương pháp này là giảm thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị, không ảnh hưởng đến melanin, giá thành thấp hơn laser tái tạo bề mặt và ít tác dụng phụ.

Xóa sẹo rỗ do mụnLaser thường dùng cho điều trị sẹo đáy vuông hay sẹo đáy tròn

Phương pháp phẫu thuật

Cắt đáy sẹo (subcision)

Kỹ thuật này dùng tốt nhất cho sẹo đáy tròn. Kỹ thuật đơn giản, dùng kim luồn vào dưới da và di chuyển theo nhiều hướng. Nguyên tắc của phương pháp này là cắt đứt những dải xơ sợi nối đáy sẹo và mô bên dưới, đồng thời kích thích tái tạo mô liên kết, từ đó đẩy nền sẹo lên nông hơn giúp cải thiện độ lõm của da.

Sau thủ thuật, bệnh nhân chỉ cần chườm lạnh trong vòng 1 ngày, sử dụng kháng sinh và kháng viêm trong vòng 5 - 7 ngày.

Lưu ý:

- Thận trọng ở vùng thái dương, trước tai và vùng xương hàm dưới để tránh làm tổn thương thần kinh và mạch máu lớn vùng mặt.

- Nếu có nhiều vùng sẹo đáy tròn, ưu tiên can thiệp vùng lõm sâu nhất. Tránh can thiệp quá nhiều vùng ngay trong một lần để hạn chế phù nề và sưng bầm quá mức.

- Lặp lại thủ thuật sau 3 - 4 tuần nếu cần.

Ưu điểm của phương pháp mới này là dễ thực hiện, hiệu quả kéo dài, không tốn kém, thời gian nghỉ dưỡng ngắn, dùng cho nhiều loại da (I-IV), không có biến chứng đáng kể, cải thiện đáng kể trong thời gian ngắn mà không gây tổn thương bề mặt da.

Bất lợi là đau khi thực hiện thủ thuật trong một số trường hợp. Biến chứng như bầm và sưng thường xuất hiện trong 1- 2 tuần sau điều trị. Hiện tượng tạo nốt có thể cải thiện với tiêm steroid liều thấp vào tổn thương, nhưng thường lành trong vòng 2 - 3 tháng mà không cần điều trị.

Punch Excision Techniques

Đây là kỹ thuật thường được chỉ định cho sẹo đáy nhọn và sẹo đáy vuông rộng đến 4 - 5mm và sâu có thể đến 3mm. Nguyên tắc chung của phương pháp này là sử dụng kềm bấm hình tròn hoặc bầu dục, lấy bỏ mô sẹo sâu hoặc nâng mô sẹo lên cho tương đối bằng phẳng so với vùng da xung quanh, sau đó có thể khâu lại hoặc ghép da để cải thiện hiệu quả lành sẹo. Kềm bấm được lựa chọn dựa vào đường kính, độ sâu và hình dạng của sẹo.Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp cải thiện sẹo ở sâu mà ít gây tổn thương thượng bì. Kỹ thuật này gồm có 3 phương pháp chính:

Loại bỏ sẹo bằng kềm và khâu

Sẹo được cắt và khâu, theo hướng song song với nếp da. Mục đích là để thay thế vết sẹo lớn, sâu bằng một vết khâu nhỏ dạng đường khó nhận thấy hơn và có thể mờ dần theo thời gian. Bất lợi của phương pháp này là chỉ cải thiện tại chỗ vết sẹo mà không làm thay đổi kết cấu hay những rối loạn sắc tố của vùng da xung quanh.

Loại bỏ sẹo bằng kềm và nâng

Kỹ thuật này thường dùng cho những sẹo bờ sắc nhọn và nền trông có vẻ bình thường (màu sắc và kết cấu da tốt), nên thường dùng điều trị cho sẹo đáy vuông nông và sâu.Sau khi sẹo được tách khỏi da xung quanh, mô da xung quanh khi lành thương sẽ tạo sự co rút, từ đó góp phần đẩy mô sẹo lên bằng với mặt da hơn.

Lưu ý đối với phương pháp này là cần đảm bảo mô sẹo không bị xơ dính với vùng mô bên dưới.Thủ thuật tái tạo bề mặt có thể kết hợp 4 - 8 tuần sau đó nếu cần. Ưu điểm chính của phương pháp này so với phương pháp loại bỏ sẹo bằng kềm và ghép là hạn chế được sự không đồng đều về màu sắc hay kết cấu da giữa vùng mô sẹo trị liệu và vùng da xung quanh.

Loại bỏ sẹo bằng kềm và ghép

Đây là phương pháp tốt nhất dành cho sẹo đáy nhọn sâu và có vách thẳng đứng.Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao, nhưng cải thiện được đáng kể các sẹo sâu và khó điều trị. Miếng ghép có thể lành ngang bề mặt da hoặc cao hơn hay ghim vào bề mặt da. Mài mòn da hay laser tái tạo bề mặt có thể phối hợp sau 4 - 6 tuần để làm phẳng hoặc mờ miếng ghép. Sau 6 - 12 tháng, miếng ghép cố định.Có thể cần nhiều hơn 20 miếng ghép trong một lần.

Xóa sẹo rỗ do mụnLăn kim được lựa chọn cho điều trị sẹo rỗ đáy tròn hoặc đáy vuông nông

Kỹ thuật làm đầy

Các chất làm đầy đã được sử dụng từ lâu trong chuyên khoa Da liễu cho nhiều mục đích khác nhau.Trong điều trị sẹo mụn, chất làm đầy giúp cải thiện tình trạng sẹo nhờ làm tăng thể tích mô mềm và kích thích tổng hợp collagen từ các nguyên bào sợi.Đây là 1 phương pháp hỗ trợ cho các phương pháp tái tạo bề mặt (mài mòn da, laser CO2, hoặc laser Erbium) thường dùng cho những tổn thương sẹo sâu.

- Cấy mỡ tự thân: Mỡ là vật liệu làm đầy lý tưởng, rẻ và không bị thải ghép hay gây dị ứng hoặc phản ứng mô khác. Hầu hết bệnh nhân sẹo mụn đạt được kết quả tối đa khoảng 3 tháng sau thủ thuật.

Mảnh ghép lớp bì hay kỹ thuật cấy mỡ tự thân là điều trị thường dùng cho sẹo sâu.Kỹ thuật cấy mỡ tự thân có thể dùng kết hợp với kỹ thuật tái tạo bề mặt, cho phép điều trị tối ưu bề mặt sẹo và sẹo sâu, tránh ảnh hưởng quá mức vùng bề mặt và giảm nguy cơ biến chứng.Vai trò của mỡ không chỉ làm đầy lớp bì mà còn như 1 miếng đệm thể tích ở sâu, thay thế cho mô bị mất và làm nền cho những mô nông hơn.

- Chất làm đầy khác: chất làm đầy thường được chỉ định cho sẹo đáy vuông và đáy tròn lớn, sâu; kém hiệu quả hơn đối với sẹo đáy nhọn. Chất làm đầy có thể dùng theo 2 cách. Đầu tiên, chất làm đầy có thể được tiêm trực tiếp dưới mỗi sẹo sẽ cho cải thiện tức thì.Thứ hai là chất làm đầy thể tích (poly-L lactic acid (PLLA) hoặc calcium hydroxylapatite) được chuyển đến vùng lỏng lẻo của da hoặc mô sâu.PLLA là polymer tổng hợp kích thích sản xuất nguyên bào sợi và collagen.

Hiện nay, hyaluronic acid là chất làm đầy được khuyến cáo sử dụng do ít tác dụng phụ. Hyaluronic acid cho cải thiện kéo dài và giảm nguy cơ sinh miễn dịch và tăng nhạy cảm.Nó còn thúc đẩy tăng sinh tế bào và tổng hợp chất nền ngoại bào.Những bệnh nhân ít sẹo, có thể sử dụng bovine hoặc collagen người hoặc hyaluronic acid.

Tác dụng phụ thường gặp là bầm máu, đau chỗ tiêm, hồng ban và tạo nốt cục dưới da.Tuy nhiên các tác dụng phụ này thường chỉ ở mức độ nhẹ - trung bình và thoáng qua.


TS.BS. LÊ THÁI VÂN THANH
Ý kiến của bạn