Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - Công an TP Hà Nội), từ ngày 21/8 đến nay, đoàn liên ngành gồm Sở GTVT Hà Nội, Cục CSGT (Bộ Công an), Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Phòng CSGT, UBND huyện Thường Tín,... cùng nhiều đơn vị, tổ chức liên quan khác đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vị trí lối đi tự mở cắt ngang đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội).
Được biết, các vị trí lối đi tự mở thường tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt do không được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, âm thanh cảnh báo khi có tàu hỏa chạy qua.
Để đảm bảo an toàn, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vị trí trên tuyến đường sắt đi qua huyện Thường Tín là lối đi tự mở, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Cụ thể, các lối đi tự mở được xác định tại: Km 11+450; Km 8+555; Km 7+950; Km 8+330; Km 7+980; Km 8+020; Km 26+350; Km 26+620; Km7+580; Km 7+900; Km 8+050... Đa phần các lối mở đều được đoàn liên ngành yêu cầu đóng lại vĩnh viễn. Chỉ có 1 số ít lối mở dựa trên tình hình thực tế được phép tiếp tục sử dụng tạm thời nhưng phải đảm bảo an toàn, thu hẹp diện tích, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo và bố trí người túc trực.
Trong quá trình kiểm tra thực tế, đoàn liên ngành cũng yêu cầu UBND huyện Thường Tín nhanh chóng hoàn thiện các tuyến đường gom để xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt. Đồng thời, các lực lượng chức năng của xã, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý giải tỏa các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Hình ảnh đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra và xóa nhiều lối đi tự mở cắt ngang đường sắt:
Nhiều lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tiềm ẩn nguy hiểm đã được đóng lại, 1 số lối khác được phép sử dụng tạm trong thời gian chờ làm đường gom hoặc phải lắp đặt thêm thiết bị cảnh báo.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề xuất triển khai Dự án Xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa các lối đi tự mở qua đường sắt. Dự án nhằm xây dựng đường ngang, hầm chui kết hợp với hệ thống đường gom do các địa phương dọc tuyến đầu tư để xóa bỏ các lối đi tự mở (mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt).
Theo đó, sẽ xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031.
Xem thêm video được quan tâm:
Hiểm họa từ những lối đi tự mở cắt ngang qua đường sắt.