Sau 5 năm triển khai, Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” được thực hiện thí điểm tại Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai đã cung cấp dịch vụ và chuyển giao kiến thức về phục hồi chức năng cho gần 15.000 nạn nhân và người khuyết tật, vượt 70% kế hoạch đề ra. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật/nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin.
PHCN tại cộng đồng giúp xoa dịu nỗi đau cho người khuyết tật. Ảnh: Hoàng Thía
Kết quả đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia Bộ Y tế về hiệu quả của dự án cho thấy, người khuyết tật, nạn nhân có khả năng vận động và di chuyển tốt chiếm hơn 2/3 tổng số người khuyết tật. Tỷ lệ này gấp hơn 11 lần so với tỷ lệ người khuyết tật có khả năng vận động và di chuyển ở mức trung bình. Cùng với đó là khả năng sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật cũng đạt ở mức cao, chiếm 68%, trong khi đó, tỷ lệ về khả năng sinh hoạt của người khuyết tật ở mức kém chỉ chiếm 6%. Theo đó, đã có hơn 7.500 nạn nhân được phục hồi chức năng (PHCN) tại nhà, 75 nạn nhân đã được phẫu thuật, gần 900 bệnh nhân được phục hồi chức năng tại bệnh viện. Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý dịch vụ phục hồi chức năng cho nạn nhân tại các cơ sở đào tạo về PHCN. Nhiều nạn nhân/người khuyết tật nhờ được PHCN nên khả năng vận động, di chuyển cũng như khả năng sinh hoạt hàng ngày, hòa nhập cộng đồng được cải thiện đáng kể.
Theo BS. Đặng Xuân Cừ - Trưởng trạm Y tế xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, một trong những địa phương được thực hiện dự án cho biết, những nạn nhân, người khuyết tật từ trước đến nay không thể đi đâu được thì bây giờ có thể đi được và có thể làm được một số công việc khác. Còn chị Cao Thị Sâm - cộng tác viên của dự án tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhận định, người khuyết tật được duy trì PHCN thì khả năng tiến triển tốt hơn rất nhiều. Chị Sâm dẫn giải trường hợp của cháu Tiến Đức, khi chưa được PHCN thì khả năng phục hồi rất kém, nhưng khi được PHCN thì từ lúc chưa thể lật qua lật lại người được, bây giờ cháu đã có thể làm được việc đó. Cũng cùng nhận định trên, theo BS. Đặng Tuấn Lọc - Giám đốc BV huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, khi dự án được triển khai và có nhiều người khuyết tật làm được những việc tưởng như không bao giờ làm được như họ đã tự chăm sóc cho bản thân mình, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi người khuyết tật sẽ thấy giá trị và chất lượng cuộc sống của mình, họ cảm thấy họ vẫn còn ý nghĩa, đồng thời với việc đó sẽ giảm rất nhiều cho việc chăm sóc trong gia đình cũng như cộng đồng. Sự thay đổi về khả năng vận động và tự phục hồi bản thân của người khuyết tật không chỉ được đánh giá từ những bác sĩ, những cộng tác viên của dự án mà ngay chính các thành viên gia đình của nạn nhân, người khuyết tật cũng nhận ra. Chị Dương Thị Ng. (29 tuổi, mẹ của bé Nguyễn Thị Ng. (6 tuổi) ở xã An Ấp, Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ, sau khi được các bác sĩ, các cộng tác viên đến tận nhà để tập luyện PHCN cho cháu, bản thân chị cũng được hướng dẫn cách tập luyện cho cháu tại nhà. Nhờ vậy, con gái chị đã ngồi được mà không phải bế như trước đây, bên cạnh đó, cháu được tặng xe lăn và có thể ngồi để đi chơi trong xóm mà không phải nằm mãi ở nhà. Được như vậy là gia đình đã vui lắm rồi!”.
Thục Anh