Xoa bóp trị viêm quanh khớp vai

SKĐS - Viêm quanh khớp vai là một bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm vô khuẩn tổ chức phần mềm xung quanh khớp vai gây nên bởi nhiều nguyên nhân như quá trình thoái hóa theo lứa tuổi, điều kiện khí hậu ẩm thấp, lao lực quá độ, chấn thương vùng vai, rối loạn nội tiết...

Bệnh thường gặp ở trung và lão niên trong độ tuổi từ 40 đến 60, nữ nhiều hơn nam.

Thông thường, bệnh xuất hiện ở một bên vai nhưng cũng có khi ở cả hai bên. Ban đầu cảm thấy vai đau nhức và cử động khó khăn, nhưng cũng có khi đau không cố định thường lan xuống cánh tay và cẳng tay. Cường độ đau hay tăng lên về đêm khiến người bệnh ngủ không ngon giấc. Muộn hơn, khớp vai viêm dính, hoạt động cơ năng bị hạn chế rõ rệt, người bệnh không thể đưa tay ra sau lưng, rất khó chải đầu hoặc mặc áo. Cơ vai thường có hiện tượng co cứng hoặc teo nhỏ, vùng vai xuất hiện những điểm đau rõ rệt.

Khi lâm vào tình trạng trên, ngoài việc tuân thủ mọi sự hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh có thể tiến hành các thao tác tự xoa bóp theo trình tự sau đây:

Dùng tay khỏe xoa bóp vùng vai bị bệnh 20-30 lần và vỗ 40-50 lần với một lực chịu đựng được.

Dùng ngón tay cái và bốn ngón còn lại của bàn tay khỏe day bóp các gân cơ trước và sau nách bên vai bị bệnh mỗi nơi 20-30 lần.

Dùng ngón tay giữa của bàn tay bên khỏe tìm và day ấn các điểm đau xung quanh khớp vai bị bệnh, mỗi điểm trong một phút với một lực vừa phải sao cho đạt cảm giác tê tức là được.

Dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái day ấn các huyệt sau:

Huyệt Vân môn (ở chỗ lõm giữa đầu xương cánh tay và xương đòn);

Huyệt Kiên ngung (ở khe lõm ngoài vai, dang cánh tay làm xuất hiện 2 chỗ lõm giữa mỏm cùng vai và mấu động lớn xương cánh tay, huyệt ở chỗ lõm nhỏ phía trước);

Huyệt Kiên tỉnh (cúi cổ để xác định 2 đốt xương gồ cao nhất, huyệt nằm ở điểm giữa đường thẳng nối khe của 2 đốt xương này với mỏm cùng vai);

Khúc trì (gấp cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp này rồi đặt tay lại cho cẳng tay vuông góc với cánh tay để day ấn huyệt nằm ở vị trí đã đánh dấu).

Tùy theo mức độ đau và hạn chế vận động khớp vai tiến hành tiếp các thao tác sau đây:

Tay khỏe chống vào mạng sườn, tay bên bệnh duỗi thẳng, bàn tay nắm chặt, nhẹ nhàng đưa tay dang ngang cho vuông góc với thân mình rồi đưa thẳng lên trên đến mức cho phép, khép tay xuống dọc thân mình rồi từ từ đưa thẳng ngang ra phía trước, đưa ra phía sau đến hết mức. Cuối cùng nhẹ nhàng và chậm rãi quay tròn theo chiều kim đồng hồ. Làm chừng 20-30 lần.

Tay bên bệnh duỗi thẳng theo thân mình, tay khỏe vòng ra sau lưng nắm chặt cổ tay bên bệnh và kéo nhẹ về phía bàn tay khỏe từ 20-30 lần.

Tay trái từ từ đưa vòng qua trước ngực vỗ mạnh vai phải, đồng thời tay phải từ từ vòng ra sau lưng vỗ mạnh vùng thắt lưng bằng mu tay, hai bên hiệp đồng thay đổi nhau làm khoảng 20-30 lần.

Điều cần chú ý là các thao tác phải tiến hành nhẹ nhàng, từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, hết sức tránh đột ngột và gắng sức quá mức. Mỗi ngày tiến hành 2 lần, sáng dậy và trước khi đi ngủ. Người khỏe cũng có thể tập quy trình này để dự phòng tích cực viêm quanh khớp vai.


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn