Hà Nội

Xoa bóp trị liệt mặt

SKĐS - Liệt mặt trong Đông y là chứng bệnh của nhiều nguyên nhân tại chỗ, toàn thân hoặc do di chứng của các bệnh ở phủ kỳ hằng (não), được quy thành 3 chứng trạng chủ yếu là: phong hàn, phong nhiệt và ứ huyết làm bế tắc sự vận hành của kinh mạch gây ra méo miệng, mắt nhắm không kín, nhân trung lệch sang bên lành, cơ bên liệt co cứng hay teo nhẽo, ăn uống rơi vãi…

Bên cạnh một số phương pháp điều trị khu phong, tán hàn, thông kinh, hoạt lạc, bài thuốc, châm cứu, vật lý trị liệu, cấy chỉ…,  người bệnh có thể tự xoa bóp bấm huyệt, vận động thích hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.

Phương pháp miết -  xoa bóp

Người bệnh ngồi thả lỏng người trên ghế hoặc nằm thoải mái, dùng ngón tay trỏ miết từ huyệt toản trúc xuống nghinh hương từ 15 - 20 lần, sau đó miết từ huyệt toản trúc đến ty trúc không 10 - 20 lần. Tiếp theo, miết từ thừa tương qua hạ địa thương qua giảo cơ rồi đến địa thương đến huyệt quyền liêu  20 - 30 lần. Kế tiếp, dùng 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay thả lỏng day, xoa nhẹ nhàng toàn bộ bên liệt theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và ngược lại.

Vị trí huyệt vùng mặt cần xoa bóp trong điều trị liệt mặt.

Vị trí huyệt vùng mặt cần xoa bóp trong điều trị liệt mặt.

Phương pháp đẩy

Người bệnh ngồi thả lỏng người trên ghế, lấy đường giữa mặt làm ranh giới, tay bên nào thì đặt vào mặt bên đó. Ví dụ nếu người bệnh bị liệt mặt bên trái thì gốc của bàn tay trái để dưới huyệt thừa tương, 5 đầu ngón tay phải để vào đường thẳng chia đôi mặt phía trên huyệt ấn đường. Nhẹ nhàng vừa đẩy vừa miết bàn tay trái cho tới khi gốc bàn tay gặp đường giữa trên trán. Song song với động tác trên cũng miết nhẹ bàn tay phải cho tới khi gặp huyệt thừa tương từ 25 - 30 lần.

Bấm huyệt

Người bệnh ngồi trước gương, dùng ngón tay cái làm trụ, 4 ngón còn lại làm nền lần lượt bấm các huỵệt: tịnh minh, ấn đường, toản trúc, ngư yêu, ty trúc không, đồng tử liêu, nghinh hương, hạ quan, giáp xa, quyền liêu, địa thương, thái dương, phong trì, ế phong, giảo cơ, hạ địa thương, thừa tương mỗi huyệt từ 20 - 25 lần thủ pháp nhẹ nhàng khoan thai.

Phương pháp vận động

Bệnh nhân ngồi thả lỏng người, 2 ngón cái giữ chặt khe góc hàm phía dưới huyệt quyền liêu, những ngón tay còn lại có thể đan vào nhau để dưới hàm hay ôm lên đầu rồi từ từ há miệng ngáp 15 - 20 cái. Phương pháp này mới tập có thể hơi đau cơ hàm nhưng rất tốt cho việc điều chỉnh sự chảy xệ teo nhẽo của cơ mặt. Tiếp theo, bệnh nhân khép chặt môi rồi từ từ lấy hơi thổi đầy lên miệng rồi tự điều chỉnh cho hơi chạy vòng quanh miệng, thỉnh thoảng ép hẳn hơi về bên liệt, làm động tác này trong 10 phút. Ngoài ra, hằng ngày người bệnh tự phát âm 3 chữ: O, U, I càng nhiều càng tốt và kết hợp tập ăn uống bằng bên liệt, nhai kẹo cao su bên liệt để kích thích thần kinh cơ.

Vị trí huyệt cần tác động:

Tình minh: Trên góc khoé mắt trong 0,1 tấc. Ấn đường: Chính giữa hai đầu cung lông mày. Toản trúc: Chỗ lõm đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong. Ngư yêu: Chỗ lõm trung tâm lông mày. Ty trúc không: Chỗ lõm mé ngoài đuôi lông mày. Đồng tử liêu: Khoé mắt ngoài đo ra 0,5 tấc. Nghinh hương: Cạnh cánh mũi 0,5 tấc. Hạ quan: Chỗ lõm bờ dưới sau cung gò má, chỗ khi mở miệng ra có lỗ, ngậm miệng thì khép lại. Giáp xa: Ở phía trên trước góc xương hàm dưới, chỗ khi dùng sức cắn răng thì cơ nổi lên. Quyền liêu: Huyệt ở dưới xương gò má, giao điểm của đường chân cánh mũi kéo ngang ra và bờ ngoài của mắt kéo thẳng xuống, dưới huyệt là bờ trước cơ cắn, nơi bám vào xương gò má. Địa thương: Từ mép miệng đo ra 0,5 tấc. Thái dương: Chỗ lõm giao điểm của đuôi mắt với khoé ngoài mắt. Phong trì: Bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai. Ế phong: Phía sau dái tai, chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm. Thừa tương: Ở đáy chỗ lõm, chính giữa và dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới.

BS. Trần Văn Bản
Ý kiến của bạn