Xoa bóp trị đau lưng

22-01-2020 07:10 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Đau lưng là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Biểu hiện đau nhức một bên hoặc cả hai bên thắt lưng; đau nhói, đau âm ỉ, cũng có thể có cảm giác đau nhức, lạnh tê, có khi lan sang vùng mông.

Đau hơn khi lao động hoặc khi thời tiết thay đổi, nghỉ ngơi thì giảm đau. Bệnh thường tái phát nhiều lần gây hạn chế hoạt động thắt lưng. Một số trường hợp cột sống vẹo về một bên, co rút cơ thắt lưng, đau lan tới chi dưới.

Yếu tố nào gây đau lưng?

Bệnh chủ yếu bắt nguồn từ các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao, làm vùng cột sống thắt lưng cũng như những nhóm cơ chống đỡ quá sức sinh ra bệnh. Đau thắt lưng cũng có thể là triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng do tuổi già, lao cột sống thắt lưng, viêm cột sống thắt lưng do vi khuẩn hoặc nguyên nhân khác, bệnh viêm dính cột sống (di truyền), vẹo cột sống...

Xoa xát làm cho vùng thắt lưng nóng lên giúp giảm đau lưng.

Xoa xát làm cho vùng thắt lưng nóng lên giúp giảm đau lưng.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân là do lao động quá sức, sai tư thế mất thăng bằng gây đau lưng cấp, khí trệ huyết ứ gây đau hoặc có tổn thương cân cơ, xương khớp như thoái hoá đốt sống, dị dạng đốt sống... gây đau lưng mạn; Hoặc  do phong hàn thấp xâm nhập vào hệ cân cơ kinh lạc gây bế tắc vận hành kinh khí; do công năng can thận suy giảm không nuôi dưỡng được xương khớp, cân cơ lâu ngày gây đau, co cứng cơ... mà gây nên bệnh.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh đau thắt lưng có thể thực hiện một số động tác xoa bóp để hỗ trợ điều trị.

Động tác thực hiện:

Xát: đặt ngón tay, bàn tay gần nhau xung quanh phần thắt lưng, lòng bàn tay hướng vào trong, dùng gốc gan bàn tay từ từ xát lên và xuống làm vùng thắt lưng nóng lên.

Xoa vùng lưng: dùng gốc bàn tay xoa tròn trên da chỗ đau lần lượt theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ. Động tác này làm cho vùng lưng nóng lên.

Miết: xát 2 tay vào nhau cho nóng lên rồi đặt chồng lên nhau ở giữa thắt lưng đẩy từ trên xuống chà xát 5-10 lần, sau đó di chuyển sang phải, sang trái 5-10 lần.

Day: Tay trên hông, mô ngón tay cái đặt ở 2 bên cột sống, hơi dùng sức để ấn xuống và xoay tròn, lần đầu tiên theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngược chiều kim đồng hồ khoảng 3-5 phút.

Bóp: hai bàn tay đặt ở hai bên thắt lưng, ngón cái ở bên còn 4 ngón còn lại đặt ở cột sống thắt lưng bóp vào 2 bên cơ lưng, 2 tay bóp cùng lúc, vừa bóp vừa hơi kéo thịt lên, làm khoảng 3 phút.

Đấm: Nắm cả hai tay lại, lòng bàn tay hướng ra ngoài, dung mu tay lần lượt đấm vào 2 bên thắt lưng với lực không gây đau là thích hợp, cùng một thời điểm, đấm mỗi bên khoảng 10-15 lần.

Bấm: Cả hai tay trên hông, ngón tay cái đặt ở 2 bên thăn lưng, bấm các huyệt: thận du, đại trường du, hoàn khiêu. Khi bấm đốt 1 và đốt 2 vuông góc với nhau bấm từ từ, tăng dần đến khi thấy tức nặng. Bấm mỗi huyệt khoảng 1 phút.

Phát: 2 bàn tay hơi khum khum, giữa lòng bàn tay lõm, các ngón tay khít vào lại với nhau, phát vào vùng thắt lưng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh đau thắt lưng, không nên ngồi ở cùng một vị trí trong một khoảng thời gian dài. Ngồi đúng tư thế. Nên đứng dậy, đi lại và vận động các cơ để thư giãn. Thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, thực hiện những động tác vươn vai giữa giờ là phương pháp thư giãn, luyện tập có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa đau thắt lưng. Hạn chế tối đa cúi gập lưng để nâng hoặc nhấc, đỡ vật nặng.

Duy trì, quản lý trọng lượng cơ thể, ngừa thừa cân béo bụng. Luyện tập thể thao đều đặn và phù hợp để có cơ bụng và cơ lưng khỏe mạnh. Điều bạn cần lưu ý là: trước khi vận động mạnh hay luyện tập thể thao cần làm động tác khởi động nhẹ nhàng. Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thực hiện từ từ.


BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn