Tăng huyết áp (THA) là một bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch. Trước đây bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay do đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, cộng với những căng thẳng khiến nhiều người trẻ tuổi cũng mắc bệnh. Nguyên nhân gây bệnh khá phức tạp, do nhiều yếu tố như xơ vữa động mạch, bệnh ở thận hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh... THA nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận... Gọi là THA khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lớn hơn 140mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) lớn hơn 90mmHg.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, THA là hội chứng thuộc phạm vi các chứng huyễn vựng (chóng mặt, hoa mắt), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)... do các tạng can, thận, tỳ bị mất điều hòa mà gây ra bệnh. Ngoài ra còn yếu tố đàm thấp hay gặp ở những người bệnh tạng béo và cholesterol máu cao. Người bệnh THA thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai và thường bị mất ngủ, tính tình hay cáu gắt. Để điều trị, ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý thì việc xoa bóp bấm huyệt đều đặn hằng ngày có thể làm huyết áp hạ xuống, rất tốt đối với những trường hợp THA độ 1 và 2. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
Day huyệt ấn đường: Dùng ngón tay trỏ hoặc giữa bấm day huyệt ấn đường khoảng 30 lần.
Day huyệt ấn đường
Vuốt trán: Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón trỏ vuốt từ giữa trán sang hai bên cuối huyệt thái dương khoảng 30 lần.
Chải tóc: 5 ngón tay hơi mở, ấp vào tóc phía trước rồi chải dần về phía sau gáy, làm khoảng 30 lần.
Day huyệt thái dương: Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón giữa day vào huyệt thái dương khoảng 50 lần. Khi day, đặt phần mềm của ngón vào đúng huyệt day đi day lại. Lưu ý nên cắt móng tay tránh cọ sát quá mạnh làm tổn thương da.
Day vuốt về phía sau thái dương: Dùng hai ngón tay cái đặt vào huyệt thái dương sau đó vuốt về phía sau khoảng 30 lần.
Vỗ huyệt bách hội: Ngồi thẳng người, mắt nhìn thẳng, hàm răng ngậm lại, sau đó dùng lòng bàn tay vỗ thành nhịp xung quanh huyệt bách hội, vỗ nhẹ 3 – 5 lần, sau đó vỗ mạnh hơn một chút từ 3 – 5 lần.
Day bấm huyệt phong trì: Dùng hai ngón tay cái ấn vào huyệt phong trì, day khoảng 15 lần.
Day bấm huyệt khúc trì: Dùng ngón tay cái day bấm huyệt khúc trì hai bên tay phải và trái mỗi bên 30 lần.
Day bấm huyệt nội quan: Dùng ngón tay cái day bấm huyệt nội quan, hai bên phải và trái mỗi bên 30 lần.
Xoa bụng: Tay trái để lên mu bàn tay phải, úp vào bụng xoa khoảng 2 phút.
Bấm huyệt dũng tuyền
Xoa huyệt dũng tuyền: Để chân trái lên đầu gối chân phải, dùng tay phải xoa mạnh lòng bàn chân trái, xoa nhanh dần cho đến khi lòng bàn chân nóng lên thì thôi, làm tương tự với chân trái.
Lưu ý:
Nên tạo tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, nên tập thể dục hoặc đi bộ hằng ngày. Duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
Chế độ ăn nên hạn chế chất bột đường, chất béo có nguồn gốc động vật, nên ăn cá, thịt nạc và các chất đạm có nguồn gốc thực vật như đậu đỗ, lạc vừng, ăn ít muối, uống ít nước, ăn nhiều rau quả tươi có hàm lượng vitamin cao. Nên kiêng hút thuốc lá, bia rượu.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp. Nếu đã mắc các bệnh tim mạch hoặc bệnh ở thân, cần điều trị triệt để.
Ấn đường: Giữa hai đầu lông mày.
Thái dương: Chỗ lõm, giao điểm của đuôi mắt với khóe ngoài mắt.
Bách hội: Giao điểm của đường dọc qua giữa đỉnh đầu và đường nối 2 đỉnh của vành tai.
Phong trì: Tại bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai.
Khúc trì: Gập cánh tay vào, huyệt nằm ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu tay.
Nội quan: Lằn ngang cổ tay đo lên 2 tấc, giữa gân cơ dài bàn tay và gân cơ gấp cổ tay mé xương quay.
Dũng tuyền: Chỗ lõm trước gan bàn chân 1 tấc, hiện ra khi co xương bàn chân (chỗ nối tiếp 1/3 trước và 2/3 sau gan bàn chân, không tính ngón).