Hà Nội

Xoa bóp hỗ trợ chữa giãn tĩnh mạch chân

16-08-2019 15:01 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch chân là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng để lại những biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Các nhà khoa học cho rằng bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế, thay đổi lối sống. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Tổn thương là do: Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi nhiều, không thay đổi tư thế, ít vận động, mang vác nặng... làm cho máu bị dồn xuống hai chân,  tăng áp lực các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Hình ảnh chân bị giãn tĩnh mạch.

Hình ảnh chân bị giãn tĩnh mạch.

Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc trong môi trường ẩm thấp. Quá trình thoái hóa do tuổi tác...

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da...

Tùy theo từng thể bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị như: Phương pháp làm lạnh với phương pháp xơ tắc mạch bằng sóng cao tần; phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn... Bên cạnh đó, những biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch không dùng thuốc có thể dễ dàng thực hiện, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị như sau

Xoa bóp, mát-xa chân với tinh dầu pha loãng hoặc kem dưỡng ẩm các vùng bị ảnh hưởng của suy giãn tĩnh mạch có thể giữ cho máu di chuyển tốt hơn trong tĩnh mạch, có thể giúp giảm đau chân và giảm sưng chân hoặc phù nề do suy giãn tĩnh mạch.

Đi tất chân: có thể giúp làm giảm áp lực cho chân. Điều này hỗ trợ các cơ và tĩnh mạch trong việc vận chuyển máu về tim. Những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch sử dụng tất dài hoặc các loại tất cao đến đầu gối có thể tạo được áp lực, giúp giảm đau liên quan đến giãn tĩnh mạch.

Tập thể dục: đều đặn và phù hợp sẽ kích thích lưu thông máu tốt hơn ở chân, giúp đẩy máu lưu thông trong tĩnh mạch. Bài tập thể dục nhẹ nhàng bao gồm: bơi lội, đi dạo, đạp xe, yoga...

Kiên trì tập luyện để quản lý cân nặng, tránh thừa cân quá béo và giảm huyết áp- tăng huyết áp là một yếu tố góp phần làm giãn tĩnh mạch...

Bổ sung vào chế độ ăn giàu kali như hạnh nhân và các loại hạt, quả như đậu lăng, khoai tây, rau lá xanh, một số loại cá biển...và thực phẩm giàu chất xơ dễ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Bổ sung các loại thực phẩm có chứa flavonoid giúp cải thiện lưu thông máu và làm giảm nguy cơ máu tích tụ trong tĩnh mạch. Chúng cũng giúp giảm huyết áp trong các động mạch và có thể làm giãn mạch máu, giảm tình trạng giãn tĩnh mạch.

Thay đổi lối sống: Điều này rất quan trọng vì căng thẳng có thể làm tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên tồi tệ hơn.

Người bệnh suy giãn tĩnh mạch nên đi giày đế bằng thay vì sử dụng giày cao gót bởi giày cao gót có thể khiến máu dồn xuống chân, làm tăng huyết áp và đồng thời cũng khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn.

Sử dụng giày đế bằng sẽ làm giảm áp lực trong tĩnh mạch chân và giảm trọng lực dồn lên chân, giúp máu chảy trở lại tim dễ dàng hơn.

Ngồi nhiều bệnh trọng: Nếu phải ngồi trong một thời gian dài để làm việc, bạn nên cố gắng đứng dậy và di chuyển hoặc thay đổi vị trí thường xuyên để máu lưu thông tốt hơn. Tránh ngồi vắt chéo chân làm hạn chế lưu lượng máu đến chân và bàn chân.


BS. Lê Thu Hương
Ý kiến của bạn