Viêm quanh khớp vai (viêm bờ vai) là tình trạng viêm các tổ chức phần mềm quanh khớp vai như viêm màng hoạt dịch khớp, gân và dây chằng quanh khớp, bao gân cơ nhị đầu... Bệnh thường gặp ở những người tuổi từ 40 – 60, nam giới mắc nhiều. Theo Đông y, viêm quanh khớp vai còn gọi là kiên tỷ thống. Nguyên nhân là do phong hàn thấp kết hợp với nhau làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau; do can thận quá hư tổn và bệnh nội thương làm bế tắc sự vận hành khí huyết mà gây đau hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày mà sinh bệnh.
Biểu hiện nổi bật của viêm quanh khớp vai là tình trạng đau vùng vai và hạn chế vận động vùng khớp vai, đặc biệt là khó nhấc tay lên cao, khó chải đầu, khó gãi được lưng. Bệnh nhân có thể thấy đau lan lên cổ, xuống cánh tay. Đau nhiều về đêm. Tùy theo từng thể bệnh mà mức độ đau và hạn chế vận động khác nhau. Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp góp phần giảm đau, trả lại vận động bình thường cho khớp vai, rất hiệu quả đối với thể viêm quanh khớp vai do lạnh, do thoái hóa đốt sống cổ nhưng chưa chèn ép thần kinh, do chấn thương vùng vai nhưng không tổn thương khớp. Nên thực hiện đều đặn ngày 1 – 2 lần, trong 7 – 10 ngày. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Huyệt tý nhu. |
Người bệnh ngồi trên ghế tựa, người chữa đứng bên cạnh, lần lượt làm các thủ thuật sau:
1. Người chữa tiến hành xoa bóp, lăn, day vùng quanh khớp vai của người bệnh khoảng 5 -10 phút để cho các cơ mềm ra.
2. Day huyệt kiên ngung: Người chữa dùng ngón tay cái bấm mạnh huyệt kiên ngung của người bệnh và day khoảng 3 – 5 phút.
3. Day huyệt kiên trinh: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên trinh của người bệnh khoảng 3 phút.
4. Day huyệt kiên tỉnh: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên tỉnh của người bệnh khoảng 3 phút.
5. Day huyệt tý nhu: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt tý nhu của người bệnh khoảng 3 phút.
6. Day huyệt thủ tam lý: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt thủ tam lý của người bệnh trong khoảng 3 phút.
7. Day huyệt hợp cốc: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt hợp cốc của người bệnh trong 3 phút.
8. Ấn a thị huyệt: Tay cái người chữa ấn vào điểm đau nhất của người bệnh với một lực mạnh thích hợp.
Huyệt kiên tỉnh. |
9. Lắc vai: Người chữa một tay cố định trên khớp vai bị đau, tay kia nắm cổ tay bệnh nhân quay vòng từ từ tăng dần từ nhẹ đến mạnh mỗi chiều khoảng 10 vòng.
10. Trấn động vai : Một tay người chữa cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm lấy cổ tay bệnh nhân vừa kéo dãn vừa rung trong khoảng vài chục giây, làm như vậy 3 lần.
11. Vò xát vai: Người chữa lấy hai bàn tay vò xát khớp vai người bệnh đến khi nóng lên là được.
12. Nâng vai: Một tay người chữa nắm vào khớp vai của người bệnh, tay kia cầm vào cổ tay bên vai đau của người bệnh nâng về phía trước lên cao quá đầu rồi đưa về phía sau, hoặc đưa về phía ngực.
Lưu ý: - Thủ pháp xoa bóp cần tuân thủ nguyên tắc: tác động từ xa đến gần vùng đau, điểm đau, từ chậm đến nhanh, từ nông đến sâu, từ nhẹ đến nặng tới ngưỡng mà bệnh nhân chịu đựng được.
- Để phòng bệnh cần tránh gió lạnh, ẩm thấp, khi ngủ nên đắp chăn cao quá vai.
- Hằng ngày nên tăng cường tập luyện chức năng khớp vai như dang tay, giơ tay, khép tay, đưa tay ra trước và ra sau, quay tay.
- Điều trị kịp thời các bệnh lý ở khớp vai.
Huyệt hợp cốc. |
Vị trí huyệt:
Kiên ngung: ở giữa mỏm cùng vai và mấu chuyển lớn xương cánh tay. Hoặc dang cánh tay thẳng huyệt ở chỗ lõm phía trước ngoài khớp, mỏm cùng - xương đòn.
Kiên trinh: khép cánh tay, huyệt ở trên điểm đầu sau nếp nách 2 tấc. Hoặc ở chỗ lõm ở đầu khớp vai khi dang tay ra.
Kiên tỉnh: ở điểm giữa đường nối huyệt đại chùy (đốt sống cổ 7) và mỏm cùng vai.
Tý nhu: trên khuỷu tay 7 thốn. Huyệt ở đầu cuối của cơ tam giác cánh tay, trên đường nối huyệt khúc trì và kiên ngung.
Thủ tam lý: dưới huyệt khúc trì 2 tấc (dưới đầu vân ngang ngoài khuỷu tay 2 tấc).
Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái.