Xoa bóp chữa chứng đau bụng kinh

16-04-2011 08:06 | Y học cổ truyền
google news

Đông y gọi đau bụng kinh là thống kinh, một bệnh lý phụ khoa thường gặp. Biểu hiện chủ yếu là trước, trong hoặc sau khi hành kinh xuất hiện tình trạng đau bụng dưới ở các mức độ khác nhau, thậm chí đau không chịu nổi, nằm ngồi không yên, không thể làm việc và học tập được...

Đông y gọi đau bụng kinh là thống kinh, một bệnh lý phụ khoa thường gặp. Biểu hiện chủ yếu là trước, trong hoặc sau khi hành kinh xuất hiện tình trạng đau bụng dưới ở các mức độ khác nhau, thậm chí đau không chịu nổi, nằm ngồi không yên, không thể làm việc và học tập được...

Đau bụng kinh được chia làm 2 loại: thứ phát do có những tổn thương thực thể như u xơ tử cung, viêm xoang chậu nội mạc... và nguyên phát thường liên quan đến những căng thẳng về tâm lý, rối loạn nội tiết, tử cung co bóp quá mức... trong đó đau bụng kinh nguyên phát chiếm đa số.

Huyệt khí hải.

Khi lâm vào tình trạng này, ngoài việc phải xác định rõ nguyên nhân và xử trí triệt để bằng nhiều biện pháp khác nhau, có thể sử dụng liệu pháp xoa bóp đơn giản của Đông y nhằm mục đích làm giảm hoặc cắt cơn đau, hỗ trợ các phương thức trị liệu khác theo trình tự như sau:

- Chọn nơi kín gió, đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa.

- Dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau, tay phải ở dưới, tay trái ở trên xoa toàn ổ bụng theo chiều kim đồng hồ trong 1 phút. Sau đó tiếp tục xoa bụng dưới trong nửa phút với thao tác như trên với cường độ bệnh nhân chịu đựng được.

- Dùng một bàn tay với các ngón tay khép chặt xát bên phải bụng dưới sang bên trái bụng dưới rồi xát xuống điểm giữa bờ trên xương mu rồi lại xát lên trên bên phải bụng dưới sao cho thành hình "tam giác", cứ luân phiên như vậy trong 1 phút với cường độ bệnh nhân chịu được sao cho vùng bụng dưới nóng lên là được.

- Dùng ngón tay cái day bấm huyệt khí hải, huyệt quan nguyên, huyệt tam âm giao, mỗi huyệt day bấm trong nửa phút.

Vị trí huyệt khí hải: ở dưới rốn 1,5 tấc hoặc ở điểm nối giữa 1,5/5 trên với 3,5/5 của đoạn nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu.

Vị trí huyệt quan nguyên: ở dưới rốn 3 tấc hoặc ở điểm nối giữa 3/5 trên với 2/5 dưới của đoạn nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu.

Vị trí huyệt tam âm giao: ở trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong chân 3 tấc, ngay sát bờ sau trong xương chày hay còn gọi là xương ống chân).

Huyệt tam âm giao.

- Dùng ngón cái bàn tay miết từ rốn xuống điểm giữa bờ trên xương mu 20 lần.

- Cuối cùng, để bệnh nhân nằm sấp, dùng bàn tay xát mạnh vào vùng xương cùng 30 lần.

Quy trình trên có thể tiến hành mỗi ngày 2 lần, khi có cơn đau có thể làm bổ sung thêm 1 lần nữa, 7 ngày là 1 liệu trình. Tuỳ theo tình trạng đau xuất hiện trước, trong hay sau khi hành kinh mà tiến hành trước đó cho phù hợp.

Với đau bụng kinh nguyên phát, liệu pháp này có thể giải quyết bệnh triệt để, với thể thứ phát chỉ có tác dụng hỗ trợ trị liệu.

BS. Trần Văn Thuấn


Ý kiến của bạn