Hà Nội

Xoa bóp - bấm huyệt trị phục hồi liệt mặt ngoại biên

SKĐS - Sau khi ngủ dậy, bỗng bệnh nhân thấy mình liệt một nửa mặt cũng không nên quá hoảng loạn. Bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên có thể chữa được nhờ xoa bóp bấm huyệt nhưng cũng không nên tự ý chữa bệnh cho mình mà cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do nhiều nguyên nhân. Trong đó do lạnh chiếm đa số các trường hợp, còn lại là do các nguyên nhân khác như: nhiễm trùng, sang chấn, do phẫu thuật,…Bệnh có thể trị khỏi nhờ xoa bóp bấm huyệt tác động cơ, nhóm cơ vùng mặt, góp phần cải thiện và phục hồi cơ mặt.

Triệu chứng: bệnh khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ. Liệt toàn bộ cơ mặt một bên.

- Ở trạng thái tĩnh: mặt mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên  lành, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo.

- Ở trạng thái động: dấu hiệu charles bell ( ): Mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên.

- Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo,…

- Triệu chứng phụ: có thể có ù tai, chảy nước mắt bên liệt,…

Về mặt cấu tạo, hệ thần kinh được chia ra làm 2 bộ phận là bộ phận trung ương (não, tủy sống) và bộ phận ngoại biên (các dây thần kinh, hạch thần kinh). Các dây thần ngoại biên, gồm: 12 đôi dây thần kinh não, xuất phát từ trụ não và tỏa ra khắp các cơ quan ở mặt, cổ và 31 đôi dây thần kinh tủy xuất phát từ tủy sống phân bố ra tận các cơ quan ở thân, cổ và các chi. Dây thần kinh VII ngoại biên thuộc bộ phận ngoại biên; là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi làliệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt.

Tình trạng này trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não. Dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt. Đó là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt có nhiều nguyên nhân như nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số VII, ở xương đá hoặc tuyến mang tai...

Xoa bóp - bấm huyệt trị phục hồi liệt mặt ngoại biên

Nguyên nhân:

- Liệt dây thần kinh VII trung ương:liệt mặt điển hình do các khu trú trong sọ gây ratai biến mạch máu não, u của hệ thần kinh trung ương, u dây thần kinh thính giác.

- Liệt dây thần kinh VII ngoại biên: tổn thương dây VII từ xương thái dương trở ra còn gọi là liệt mặt Bell, thường do lạnh, hoặc do viêm.

Liệt mặt ngoại biên ngoài các ảnh hưởng đến cảm xúc, sức khỏe còn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp do các cơ của bên mặt bị liệt chi phối tạo nên hình ảnh “bị đơ”, “xệ”, mất cân đối.

Xoa bóp bấm huyệt điều trị liệt VII ngoại biên:

Liệt dây thần kinh VII ngoại biên có nhiều phương pháp điều trị phục hồi. Phương pháp xoa bóp bấm huyệt có ưu điểm là xác định chính xác nhóm cơ nào có vấn đề và tập trung điều trị vào đó sẽ có kết quả rất tốt. Như các bạn thấy các nhóm cơ sẽ gặp nhiều vấn đề như đã liệt kê ở trên, nhưng may mắn không phải ai bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên cũng có đầy đủ tất cả triệu chứng đó hay nói cách khác có người bệnh chỉ bị yếu 1 hoặc vài nhóm cơ, có người bệnh bị yếu nhiều nhóm cơ hơn người bệnh khác.

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt rất có hiệu quả đối với bệnh nhưng với điều kiện là người thầy thuốc phải thăm khám kỹ càng, xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, cơ nào bị liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó, qua đó có thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ. Người thầy thuốc cần có sự nhạy cảm trong thao tác để cảm nhận được sự cứng, mềm, sức đàn hồi của từng cơ, cảm nhận được sự thay đổi của cơ bị yếu qua các ngày điều trị.

Điều trị liệt dây thần kinh VII là cả quá trình nhưng cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng và linh hoạt của người thầy thuốc dựa trên công thức nền của xoa bóp bấm huyệt mà gia giảm tùy theo mức độ hồi phục của từng cơ, từng nhóm cơ, chứ không cứ liệt mặt là xoa bóp hay châm cứu hết nửa mặt của người bệnh. Như vậy việc điều trị bị dàn trải mà thiếu sự đánh giá chính xác cơ, nhóm cơ cần thiết cần hồi phục trong quá trình điều trị.

Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt được trình bày cơ bản, có trọng tâm từng cơ, nhóm cơ, vùng cơ cần tác động, nhưng trên thực tế tùy theo tình hình từng cơ trên mặt của người bệnh như thế nào, được xác định qua thăm khám mà tập trung nhiều vào cơ, vùng cơ yếu, liệt mà phục hồi.

- Xoa bóp  bấm huyệt vùng mặt bên liệt: khoảng 20 -30 phút. Ngày 1-2 lần.

Xoa bóp vùng trán:

- Xoa, xát, day vùng mặt: 2 tay áp sát vào cằm người được xoa bóp, kéo tay đưa thẳng lên vùng thái dương thì day bằng các đầu ngón tay vào huyệt Thái dương rồi bàn tay ngón tay để phía trán, rồi kéo tay về phía đầu. Vì nửa bên mặt bị xệ xuống nên thủ thuật phải là kéo lên, kéo ngược chiều trọng lực để tạo sự cân đối, nếu kéo ngược lại làm cho mặt bị xệ hơn, gia tăng sự mất cân đối. Thủ thuật này mang tính tổng quát, làm ấm đều toàn bộ khuôn mặt để chuẩn bị khởi động các cơ cho các thủ thuật chuyên sâu phía sau.

- Miết kiểu phân hợp vùng trán: 2 ngón tay đặt song song trán kéo tay về phía thái dương và day huyệt Thái dương. Kỹ thuật làm theo hình rẻ quạt; tác động lên cơ bụng trán (khi thăm khám mà người bệnh không có nếp nhăn đứng hoặc ngang vùng trán).

- Day vùng trán: dùng 1-2 ngón tay day khắp vùng trán; tác động lên cơ bụng trán.

- Tìm điểm đau và day điểm đau: chú ý cự án hay thiện án; tùy bệnh mới mắc hay đã lâu mà sử dụng thủ thuật thích hợp bổ hay tả.

- Day và ấn huyệt: Đầu duy, Thái dương, Ấn đường, Dương bạch…

Xoa bóp vùng mắt:

- Xoa vùng mắt: dùng 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay đặt lên phía trong cung lông mày, xoa vòng tròn từ phía trong đến phía ngoài lông mày đi xuống phía dưới qua gò má rồi đi vào phía trong mũi, vòng lên trong mũi lên trán, phía trong lông mày; tác động lên cơ vòng mắt, khi bị yếu cơ này mắt nhắm không kín.

- Bấm huyệt dọc cung lông mày: dùng ngón tay bấm huyệt dọc cung lông mày từ phía trong ra phía ngoài; tác động lên cơ cau mày, phần ổ mắt của cơ vòng mắt.

- Nhào bờ lông mày: dùng ngón cái và đầu ngón tay, nhào từ bờ lông mày này sang bờ lông mày kia; tác động lên cơ cau mày, phần ổ mắt của cơ vòng mắt.

- Miết bờ cong lông mày: dùng ngón tay cái đặt ở trên, ngón trỏ ở phía dưới lông mày, sử dụng và kéo ngón trỏ về phía đuôi mắt miết bờ cong lông mày, ngón cái cố định; tác động lên cơ cau mày, phần ổ mắt của cơ vòng mắt.

- Vuốt nhãn cầu: dùng 2 ngón tay, ngón 2 đặt mi mắt trên, ngón 3 đặt mi mắt dưới, vuốt từ trong ra ngoài. vừa sức chịu đựng của mắt; tác động lên cơ mi mắt.

- Day mi mắt: dùng 1 ngón tay day mí mắt trên và mí mắt dưới từ trong ra ngoài; tác động lên cơ mi mắt

- Day và ấn huyệt dọc xung quanh mắt: Tinh minh, Ngư yêu, Ty trúc không, Ấn đường, Toán trúc, Thừa khấp,…

Xoa bóp vùng má:

Tác động lên cơ gò má lớn, cơ gò má nhỏ.

- Xoa má: dùng vân ngón tay xoa vòng tròn má từ phía dưới lên cằm vòng lên má  2 bên.

- Day má: dùng các đầu ngón tay day từ cằm đến tai theo 3 đường: môi dưới, môi trên, 2 bên cánh mũi đến tai.

- Bóp nắn cơ má: bàn tay áp sát vào má bóp nắn cơ má từ cằm đến tai theo 3 đường: môi dưới, môi trên, 2 bên cánh mũi đến tai.

- Nhào cơ má: 2 bàn tay áp sát vào má nhào cơ má từ cằm đến tai theo 3 đường: môi dưới, môi trên, 2 bên cánh mũi đến tai.

- Xoa má: dùng mô ngón cái và mô út của bàn tay xoa lại vùng má.

- Rung má: 2 tay áp sát vào má rung với tần số nhanh các cơ vùng má.

- Tìm điểm đau và day điểm đau vùng má.

- Ấn và day huyệt: Địa thương, Nhân trung, Thừa tương, Nghinh hương, Quyền liêu, Giáp xa, Hạ quan….

Vùng đầu:

Tác động lên cân cơ bụng trán và cơ bụng chẩm, làm cho khí huyết lưu thông đều vùng đầu mặt.

- Ấn day chân tóc: Dùng đầu ngón tay thực hiện kỹ thuật ấn theo hình lò xo vùng chân tóc, vùng thái dương.

- Chải đầu: dùng các ngón tay giống như chiếc lược chải đầu, theo hướng chải thẳng và chải ngang, vừa chải vừa kéo nhẹ chân tóc.

- Vỗ đầu: dùng đầu các ngón tay vỗ quanh đầu, theo 2 hướng ngược chiều nhau, vỗ thành vòng tròn.

- Gõ đầu: dùng thủ thuật chặt bằng ngón tay: 2 bàn tay chập lại tác động vùng đầu.

- Bóp đầu: ngón cái 1 bên các ngón tay còn lại 1 bên và thực hiện bóp, 2 bàn tay bóp đầu theo hướng từ dưới lên trên, bóp nhịp nhàng.

- Tìm điểm đau (a thị huyệt) và day điểm đau: tùy điểm đau cự án hay thiện án mà day cho thích hợp.

- Ấn day huyệt: Đầu duy, Bách hội, Phong phủ, Phong trì. Tứ thần thông, Thái dương, Ế phong; tùy vị trí mà bấm huyệt hợp lý.

- Rung: 2 tay ôm lấy đầu và thực hiện kỹ thuật rung với tần số nhanh.

Kết thúc quá trình xoa bóp bấm huyệt vùng mặt bên yếu, liệt VII ngoại biên.

Chú ý thêm bấm huyệt: bấm huyệt sử dụng ngón tay, thường được kết hợp trong khi xoa bóp, thủ thuật bấm huyệt thường được xen giữa quá trình xoa bóp. Xoa bóp trước làm mềm cơ, máu huyết lưu thông, sau đó sẽ thực hiện bấm huyệt nhẹ nhàng trên cơ đó, rồi tiếp tục xoa bóp và lại thực hiện bấm huyệt tiếp trên cơ đã được xoa bóp đó. Bấm huyệt trên vùng mặt trong xoa bóp bấm huyệt được thực hiện tập trung, cẩn trọng vì vùng mặt là vùng nhạy cảm. Bấm huyệt đúng không phải là bấm mạnh, làm người bệnh đau nhói. Xoa bóp trước làm mềm cơ và khí huyết lưu thông lại chỉ cần bấm huyệt nhẹ nhàng, đúng huyệt, đúng cơ, nhóm cơ đó như sự tô điểm thêm làm gia tăng tác dụng của xoa bóp. Một số huyệt tại vùng mặt thường sử dụng như:

Vùng mắt:

- Tình minh: trên góc khóe mắt trong 0,1 tấc. Ấn đường: chính giữa 2 đầu cung lông mày. Dưới da là cơ vòng mắt dưới, chỗ bám của cơ tháp, cơ mày, trên chỗ bám của cơ nâng mũi và môi trên.

- Toản trúc: chỗ lõm đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong. Ngư yêu: chỗ lõm trung tâm lông mày. Dưới da là cơ trán, cơ mày, cơ tháp và bờ cơ vòng mi.

- Ty trúc không: chỗ lõm mé ngoài đuôi lông mày. Dưới da là bờ ngoài cơ vòng mi và phần bám vào da cung mày của cơ trán, xương trán.

- Đồng tử liêu: khóe mắt ngoài đo ra 0,5 tấc. Dưới da là bờ ngoài và các bó phụ của cơ vòng mắt, cơ thái dương,

- Thái dương: chỗ lõm giao điểm của đuôi mắt với khóe ngoài mắt. Dưới huyệt là cân và cơ thái dương.

Vùng mũi:

- Nghinh hương: cạnh cánh mũi 0,5 tấc. Dưới huyệt là bờ ngoài cơ nâng cánh mũi và môi trên, bờ ngoài cơ nở cánh mũi và cơ ngang mũi, bờ trong cơ gò má nhỏ và cơ nanh, bờ trên cơ vòng môi.

Vùng má:

- Hạ quan: chỗ lõm bờ dưới sau cung gò má, chỗ khi mở miệng ra có lỗ, ngậm miệng khép lại. Dưới da là tuyến mang tai, chỗ bám của bờ sau cơ nhai, ở sâu có cơ chân bướm ngoài.

- Giáp xa: ở phía trên trước góc xương hàm dưới, chỗ khi dùng sức cắn răng cơ nổi lên. Dưới da là cơ cắn, xương hàm dưới.

- Quyền liêu: huyệt ở dưới xương gò má, giao điểm của đường chân cánh mũi kéo ngang ra và bờ ngoài của mắt kéo thẳng xuống, dưới huyệt là bờ trước cơ cắn, nơi bám vào xương gò má.

Vùng miệng:

- Địa thương: từ mép miệng đo ra 0,5 tấc. Thừa tương: ở đáy chỗ lõm, chính giữa và dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới. Dưới da là chỗ đan chéo thớ của cơ vòng môi, cơ gò má lớn, cơ cười, cơ tam giác môi, vào sâu có cơ mút và cơ nanh.

Các huyệt khác có tác dụng điều trị của huyệt trên vùng:

- Phong trì: bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai. Ế phong: Phía sau dái tai, chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm.

- Giáp xa: trước góc hàm dưới khoảng chiều ngang 1 ngón tay.

Xoa bóp - bấm huyệt rất phù hợp để điều trị liệt dây thần kinh VII vì kích thích đến từng điểm, từng cơ, từng nhóm cơ trên vùng đầu - mặt - cổ mà dây thần kinh VII chi phối. Trước khi thực hiện điều trị người bệnh cần được thầy thuốc khám, đánh trước và việc điều trị sẽ có trọng tâm, thứ tự ưu tiên cho việc hồi phục những điểm chưa hoàn thiện trên mặt bệnh nhân tùy theo mức độ nặng nhẹ (bị mắt nhắm không kín là chủ yếu hay méo miệng là chủ yếu...). Xoa bóp bấm huyệt được thực hiện một cách tỉ mỉ giúp điều chỉnh đến từng chi tiết và tạo độ hồi phục hoàn hảo nhất có thể. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý tập luyện hay điều trị các phương pháp khác ảnh hưởng tiến độ hồi phục và sức khỏe.


BS.CKII.HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn