Hà Nội

Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu

SKĐS - Thực đơn ngày Tết rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa gây đầy bụng, khó tiêu... Dưới đây là một số phương pháp xoa bóp, bấm huyệt tại nhà để giảm tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu

    - Thực đơn có món ăn chậm tiêu: Trong ngày Tết, món ăn từ gạo nếp như bánh trưng, bánh tét, xôi; món ăn giàu đạm như thịt kho, thịt đông…; món ăn chiên rán dầu mỡ như nem rán, giàu năng lượng khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa dẫn đến đầy hơi, khó chịu, có thể kèm ợ hơi, ợ chua.

    - Dùng bữa ăn không đúng giờ sinh hoạt hàng ngày...

    Dấu hiệu nhận biết đầy bụng, khó tiêu:

    • Bụng đầy chướng, khó chịu;
    • Ợ hơi;
    • Ăn ít mà nhanh có cảm giác no;
    • Có cảm giác buồn nôn; đau bụng...
    Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu- Ảnh 1.

    Vị trí huyệt trung quản.

    2. Cách thực hành xoa bóp, bấm huyệt giảm đầy bụng

    Xoa bóp, bấm huyệt là một trong những phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc trong Y học cổ truyền, có tác dụng điều hòa khí huyết, tác động lên tiêu hóa, tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa… làm giảm hiệu quả tình trạng đầy chướng bụng, khó tiêu.

    Chuẩn bị: Thực hành xoa bóp trong nơi kín gió, ấm áp.

    2.1 Xoa: Dùng lòng bàn tay xoa theo hình tròn trên bề mặt da bụng. Lưu ý, xoa tốc độ chậm, dùng một lực vừa phải để lòng bàn tay tiếp xúc bề mặt da. Xoa đều khắp da bụng đến khi thấy ấm da vùng bụng, thực hiện khoảng 15-20 lần.

    Động tác này giúp bề mặt da làm quen với tiếp xúc.

    Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu- Ảnh 2.

    Day ấn huyệt hạ quản hỗ trợ chữa tình trạng đầy bụng.

    2. 2 Xát: Dùng lòng bàn tay đi theo chiều lên xuống, tốc độ di chuyển bàn tay nhanh hơn so với động tác xoa. Xát đều khắp bụng, thực hiện khoảng 15-20 lần. Động tác này giúp bề mặt da làm quen với tiếp xúc.

    2.3 Miết: Tiếp tục vẫn dùng lòng bàn tay, dùng lực đè nhẹ tay xuống nền da (lúc này, không còn chỉ tiếp xúc trên da như động tác xoa, xát). Miết theo hình nan hoa từ rốn đi ra hoặc theo hướng chiều kim đồng hồ. Miết đều khắp bụng, thực hiện khoảng 15-20 lần. Động tác này tác động lên da được sâu hơn.

    Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu- Ảnh 3.

    Vị trí huyệt thiên khu.

    2.4 Bóp: Dùng ngón tay bóp nhẹ nhàng, vừa bóp vừa hơi kéo nhẹ cơ lên. Lưu ý không dùng lực quá mạnh, vì nếu dùng lực quá mạnh sẽ gây đau cơ bụng sau xoa bóp bấm huyệt. Bóp nhẹ nhàng, thực hiện 10-15 lần.

    2.5 Véo: Động tác gần giống như bóp nhưng thực hiện liền mạch, linh hoạt hơn. Dùng ngón tay kẹp và kéo da lên, cuộn liên tục sao cho động tác đi trên da thành một đường thẳng liền mạch. Véo từ rốn ra ngoài bụng. Dùng lực véo nhẹ nhàng, thực hiện 10-15 lần.

    Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu- Ảnh 4.

    Huyệt túc tam lý.

    2.6 Day, ấn huyệt: Day là động tác dùng ngón tay cái ấn lên huyệt, sau đó xoa theo hình tròn, ngón tay luôn tiếp xúc bề mặt da trong quá trình day. Ấn huyệt là dùng ngón tay cái ấn lên huyệt với một lực vừa phải, tác động vào huyệt, ngón tay giữ nguyên, không di chuyển.

    Một số huyệt có tác dụng đối với chứng đầy bụng, khó tiêu:

    - Huyệt trung quản:

    + Cách xác định huyệt: Huyệt cách trên rốn 4 thốn lên trên (1 thốn bằng bề rộng đốt khớp thứ 3 ngón tay cái, trai tay trái, gái tay phải) và ở giữa hai bờ xương sườn.

    + Tác dụng huyệt: Chữa tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi buồn nôn…

    Xoa bóp, bấm huyệt trị đầy bụng khó tiêu- Ảnh 5.

    Huyệt tam âm giao.

    - Huyệt hạ quản:

    + Cách xác định huyệt: Huyệt cách trên rốn 2 thốn lên trên, ở giữa hai bờ xương sườn.

    + Tác dụng huyệt: Chữa tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn…

    - Huyệt thiên khu:

    + Cách xác định huyệt: Huyệt cách ngang rốn ra 2 thốn.

    + Tác dụng huyệt: Chữa tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa.

    - Huyệt túc tam lý:

    + Cách xác định huyệt: Huyệt cách huyệt độc tỵ 3 khoát ngón tay (Huyệt độc tỵ: Xác định khi gập chân khoảng 90 độ, phần lõm phía dưới ngoài xương bánh chè).

    + Tác dụng huyệt: Chữa tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn, điều hòa khí huyết, cân bằng công năng tỳ vị…

    - Huyệt tam âm giao:

    + Cách xác định huyệt: Huyệt cách trên mắt cá chân trong 3 thốn, nằm sau bờ xương chày.

    + Tác dụng huyệt: Vị trí của huyệt là nơi đi qua của 3 kinh âm Can - Tỳ - Thận, giúp điều huyết thông khí trệ, giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn…

    2.7 Vỗ: Hơi khum nhẹ bàn tay, sao cho giữa lòng bàn tay và ngón tay lõm, khép chặt các ngón tay với nhau, vỗ nhẹ xung quanh bụng. Động tác này dùng để kết thúc xoa bóp bấm huyệt vùng bụng. Vỗ nhẹ 7-10 lần quanh bụng.

    Phương pháp xoa bóp, bấm huyệt trên dùng cho đối tượng bệnh mới xuất hiện do thức ăn chậm tiêu. Bài xoa bóp, bấm huyệt không dùng với người có vết thương hở, mắc các bệnh lý về da… Ngoài ra, cần kết hợp với uống đủ nước, có chế độ ăn hợp lý, vận động hoạt động thể thao để đảm bảo sức khỏe trong dịp lễ tết Nguyên dán.

    Xem thêm video đang được quan tâm:

    Xoa bóp bấm huyệt có hiệu quả đối với bệnh khô khớp không? | SKĐS


    BS. Lan Anh
    Ý kiến của bạn