Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích

SKĐS - Xoa bóp, bấm huyệt là một phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền, có tác dụng tốt trong việc điều hòa khí huyết, tăng cường chức năng tỳ vị và giảm triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích.

1. Vai trò của xoa bóp, bấm huyệt trong điều trị Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa phổ biến, biểu hiện qua các triệu chứng như đau bụng, rối loạn đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón), đầy hơi, chướng bụng mà không tìm thấy tổn thương cấu trúc cụ thể ở ruột.

Bệnh lý IBS được cho là kết quả của các rối loạn vận động đường tiêu hóa và tăng nhạy cảm của ruột với các kích thích. Các yếu tố như căng thẳng, ăn uống không đảm bảo, rối loạn hệ vi sinh đường ruột, yếu tố di truyền… có thể góp phần gây nên bệnh.

Theo Đông y, Hội chứng ruột kích thích thuộc phạm trù phúc thống (đau bụng), tiết tả (tiêu chảy), hay trường ung (rối loạn chức năng ruột). Nguyên nhân thường do mất cân bằng giữa tỳ, vị, can và thận, làm ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị. Các yếu tố như căng thẳng (can khí uất kết), ăn uống thất thường (tỳ vị suy nhược), hay lạnh bụng (hàn thấp nội sinh) cũng là căn nguyên gây bệnh.

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích- Ảnh 1.

Xoa bụng giúp giảm đầy hơi, kích thích tiêu hóa.

Việc xoa bóp bấm huyệt mang lại nhiều tác dụng tốt trong phòng và trị Hội chứng ruột kích thích, cụ thể:

- Thông qua tác động lên các huyệt vị, xoa bóp bấm huyệt giúp thư giãn cơ trơn đường ruột, giảm co thắt và cải thiện tuần hoàn.

- Kích thích các huyệt trên đường kinh liên quan giúp cải thiện chức năng vận hóa của tỳ vị, từ đó điều hòa nhu động ruột.

- Xoa bóp bấm huyệt còn tác động lên hệ thần kinh, làm thư giãn, giảm stress - một trong những nguyên nhân gây bệnh.

- Hỗ trợ tăng cường tuần hoàn máu, kích thích hệ miễn dịch chống lại các rối loạn đường ruột.

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích- Ảnh 2.

Day bấm huyệt trung quản hỗ trợ trị rối loạn tiêu hóa, giảm đau vùng thượng vị.

2. Các thủ thuật xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích

Dưới đây là một số thủ thuật xoa bóp bấm huyệt mà bạn có thể áp dụng cho người mắc Hội chứng ruột kích thích:

2.1. Xoa bụng

Tác dụng: Giúp làm giảm đầy hơi, kích thích tiêu hóa và giảm đau bụng.

Cách làm: Làm ấm lòng bàn tay, dùng bàn tay xoa theo chiều kim đồng hồ quanh rốn với lực vừa phải, sau đó, xoa ngược chiều kim đồng hồ, thực hiện 10-15 phút mỗi lần.

2.2. Nắn bóp bụng

Tác dụng: Việc nắn bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, giảm đầy hơi, kích thích tiêu hóa.

Cách làm: Đặt hai tay lên vùng bụng dưới, nắn bóp nhẹ nhàng theo vòng tròn từ dưới lên trên, từ trái qua phải trong 5 phút.

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích- Ảnh 3.

Day bấm huyệt tam âm giao giảm triệu chứng đau bụng.

2.3. Gõ bụng

Tác dụng: Kích thích lưu thông khí huyết, giảm đầy hơi, cải thiện tiêu hóa.

Cách làm: Dùng các đầu ngón tay khép lại, gõ nhẹ lên vùng bụng, tập trung quanh rốn, gõ theo nhịp độ đều, lực vừa phải trong khoảng 5 phút.

2.4. Day bấm các huyệt

Dùng đầu ngón tay day ấn các huyệt, duy trì lực ấn trong 1 - 2 phút cho mỗi huyệt để hỗ trợ điều trị triệu chứng, cải thiện chức năng tỳ vị:

- Huyệt thiên khu (cách rốn 2 thốn về hai bên, 1 thốn bằng bề rộng đốt khớp thứ 3 ngón tay cái): Tác dụng điều hòa nhu động ruột, giảm đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Huyệt trung quản (giữa đường nối từ rốn đến mỏ xương ức): Điều trị các rối loạn tiêu hóa, giảm đau vùng thượng vị.

- Huyệt túc tam lý (dưới đầu gối 3 thốn, ngoài xương chày 1 thốn): Bổ tỳ vị, cải thiện chức năng tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng.

- Huyệt hợp cốc (giữa xương ngón tay cái và ngón trỏ): Giúp thư giãn, giảm đau và cải thiện căng thẳng thần kinh.

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích- Ảnh 4.

Day bấm huyệt túc tam lý giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.

2.5. Vuốt và ấn huyệt dọc đường kinh bàng quang

Kinh bàng quang nằm dọc hai bên cạnh cột sống thắt lưng. Việc dùng ngón tay kích thích các huyệt dọc kinh bàng quang có tác dụng giảm đau bụng, điều hòa khí huyết và tốt cho người bị Hội chứng ruột kích thích.

Cách làm: Vuốt dọc hai bên cột sống, từ huyệt đại trường du (nằm ở cạnh cột sống, ngang mức thắt lưng thứ tư) xuống huyệt trường cường (cuối xương cụt). Dùng ngón tay cái nhấn và giữ từng điểm trên kinh bàng quang trong khoảng 1 phút.

2.6. Xoa bóp lòng bàn tay và bàn chân

Theo Y học cổ truyền, lòng bàn tay và bàn chân là nơi hội tụ các kinh mạch quan trọng, kết nối với nội tạng, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Ngoài ra, lòng bàn tay và bàn chân chứa nhiều đầu mút thần kinh, khi được kích thích bằng xoa bóp, có thể giúp làm dịu hệ thần kinh, tăng cường lưu thông khí huyết, giảm các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi…

- Lòng bàn tay: Xoa bóp huyệt lao cung và vùng phản xạ gần ngón cái giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Vị trí huyệt lao cung là điểm chính giữa hai khớp cổ tay và ngón trỏ.

- Bàn chân: Day ấn huyệt tam âm giao, dũng tuyền và vùng phản xạ dạ dày giúp điều hòa khí huyết và giảm triệu chứng đau bụng. Vị trí huyệt tam âm giao nằm ở vết lõm sau của xương chày chỉ cách mắt cá chân khoảng 6.5cm.

Cách xác định huyệt dũng tuyền: Co bàn chân và các ngón chân lại, thấy có một điểm lõm xuống cách ⅓ trước gan bàn chân. Vị trí lõm xuống đó chính là vị trí của huyệt dũng tuyền.

Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích- Ảnh 5.

Day bấm huyệt dũng tuyền giúp điều hòa khí huyết.

3. Lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt điều trị Hội chứng ruột kích thích

- Để đạt được hiệu quả cao trong phòng và trị bệnh, cần thực hiện xoa bóp bấm huyệt đều đặn mỗi ngày, đặc biệt khi có triệu chứng.

- Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tránh thức ăn cay nóng, dầu mỡ; ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa; không thực hiện xoa bóp bấm huyệt khi ăn quá no hoặc quá đói.

- Kết hợp các bài tập thư giãn như yoga, thiền để giảm căng thẳng.

- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ đông y hoặc chuyên viên xoa bóp bấm huyệt để đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật.

Xem thêm bài đang được quan tâm:

Tập thể dục hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thíchTập thể dục hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích

SKĐS - Hoạt động thể chất là lựa chọn đầu tay được khuyến cáo ở những người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích, giúp cải thiện triệu chứng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.


BSNT. Hương Trà
Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn