Xoa bóp - bấm huyệt điều trị viêm gân vùng mỏm

SKĐS - Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay là bệnh lý viêm gân cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón tay cái. Bệnh còn được gọi là hội chứng De Quervain- tên của một bác sĩ phẫu thuật người Thụy Sĩ, người đã phát hiện và mô tả căn bệnh này.

Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay là gì?

Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay là bệnh lý viêm gân cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón tay cái. Bệnh còn được gọi là hội chứng De Quervain- tên của một bác sĩ phẫu thuật người Thụy Sĩ, người đã phát hiện và mô tả căn bệnh này.

Trước đây, bệnh hay gặp ở những phụ nữ từ 30 tuổi, còn được gọi là bệnh của các bà nội trợ (Washerwomans sprain hoặc Mothers wrist), do việc sử dụng ngón cái trong các công việc hằng ngày như nấu nướng, quét dọn... Ngoài ra, bệnh còn gặp trên những người làm công việc phải sử dụng bàn tay nhiều (nhất là các động tác cầm, nắm, xoay, vặn cổ tay hay ngón cái) như: bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ châm cứu, giáo viên, thợ cắt tóc...; một số yếu tố khác như: chấn thương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp cũng gây ra bệnh này.

Cùng kiểm tra ngay xem chúng ta có mắc bệnh không?

Đau vùng cổ tay phía ngón cái (vùng mỏm trâm quay), đau tăng lên khi vận động hoặc về đêm là một triệu chứng nổi bật. Nếu nặng, có thể thấy sưng nề, đỏ, ấn đau, đau lan ra ngón cái, đau lan lên cẳng tay - trường hợp này chúng ta thường tìm đến bác sĩ. Trong trường hợp nhẹ, đau thoáng qua hoặc không đáng kể khiến chúng ta dễ bỏ qua. Chúng ta có thể tự kiểm tra ngay bây giờ bằng một bài test nhỏ sau đây (Test Finkelstein): gấp ngón cái vào trong lòng bàn tay, nắm các ngón tay trùm lên ngón cái, uốn cổ tay nghiêng về phía trụ (ngón út). Nếu thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngón cái thì có thể bạn đã mắc bệnh.

điều trị viêm gân vùng mỏm

Góc nhìn Đông y

Đông y quan niệm bệnh này gây ra do tổn thương kinh Cân Phế và kinh Cân Đại trường, vì khu vực đau này do hai kinh cân này chi phối. Đoạn kinh Cân Đại trường chi phối vùng này bắt đầu từ nơi xuất phát - từ góc ngoài gốc móng 2 (huyệt thương dương), gắn vào cổ tay, chạy theo mặt ngoài cẳng tay, đến khuỷu... Đoạn kinh Cân Phế chi phối vùng này bắt đầu từ nơi xuất phát- từ góc ngoài gốc ngón cái (huyệt thiếu thương), chạy theo đường kinh chính (theo mặt trong cẳng tay, về phía ngón cái) đến giữa khuỷu...

Điều trị

Trong trường hợp nhẹ hoặc đơn giản chỉ là muốn giúp ngón cái trở nên thoải mái hơn sau khi làm việc, chúng ta có thể day các huyệt sau:

Hợp cốc: xác định bằng cách khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái - đó là huyệt.

Dương khê: trên cổ tay, từ nơi tiếp giáp giữa hai vùng da, sờ theo hướng mặt mu bàn tay thấy chỗ lõm- đó là huyệt.

Thiên lịch: từ huyệt Dương khê, đặt 4 ngón tay của bàn tay kia (khép sát, trừ ngón trỏ) lên cẳng tay, năm lấy cẳng tay, thẳng hàng với huyệt Dương khê chính là Khúc trì.

Ngư tế: ở mặt trong lòng bàn tay, trung điểm giữa xương bàn ngón tay cái, nơi phần tiếp giáp giữa hai màu da.

Thái uyên: trên cổ tay, từ nơi tiếp giáp giữa hai vùng da, sờ theo hướng mặt lòng bàn tay thấy chỗ lõm - đó là huyệt.

Kinh cừ: nằm phía trên huyệt Thái uyên, về phía cẳng tay.

Nếu mỏi lên cẳng tay, có thể day thêm các huyệt:

Khúc trì: trên nếp gấp cẳng tay, huyệt nằm trên nơi tiếp giáp giữa 2 màu da.

Xích trạch: trên nếp gấp cẳng tay, giữa nếp gấp, sờ thấy chỗ lõm- đó là huyệt.

Thủ tam lý: trên đường nối huyệt Khúc trì và Dương khê, đặt 3 ngón giữa ngang cẳng tay, huyệt là giao điểm của đường dưới 3 ngón tay và đường nối hai huyệt.

Khổng tối: trên đường nối Thái uyên và Xích trạch, trên trung điểm của đường nối ấy khoảng 1,5cm.

Chúng ta có thể dùng thêm thủ thuật xoa, nắn bóp, chườm ấm ở vùng đau mỏi, dùng băng tay - loại hỗ trợ ngón cái và cổ tay.

Nếu bệnh nghiêm trọng hoặc muốn nhanh khỏi, chúng ta nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ, điều trị nhanh chóng bằng châm và cứu, hoặc cả dùng thuốc nếu cần thiết.


TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN - NGUYỄN NGỌC HUYỀN TRÂM
Ý kiến của bạn