Xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh - Dễ làm, hiệu quả (Kỳ II)

23-08-2015 09:13 | Y học cổ truyền
google news

Nếu xoa bóp bấm huyệt đúng cách, chúng ta có thể điều trị được một số bệnh rất hiệu quả. Trong kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp này trong điều trị bệnh đau lưng và phục hồi di chứng tai biến mạch máu não.

Kỳ 2: Ứng dụng trong điều trị bệnh đau lưng và phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

Nếu xoa bóp bấm huyệt đúng cách, chúng ta có thể điều trị được một số bệnh rất hiệu quả. Trong kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp này trong điều trị bệnh đau lưng và phục hồi di chứng tai biến mạch máu não.

Xoa bóp điều trị đau lưng

Đông y gọi đau lưng là “yêu thống”, là một trong những chứng thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân: Do phong hàn thấp xâm nhập vào hệ cân cơ kinh lạc gây bế tắc vận hành kinh khí gây đau, hoặc do lao động quá sức, sai tư thế mất thăng bằng khí cơ hoặc tổn thương cân cơ xương khớp gây khí trệ huyết ứ gây đau. Cũng có thể do công năng can thận suy giảm không nuôi dưỡng được xương khớp, cân cơ lâu ngày gây đau, co cứng cơ...

- Tư thế người bệnh: nằm sấp.

Nguyên tắc là làm nhẹ nhàng, tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp khoảng 20 phút. Thực hiện các thao tác:

Xoa vùng lưng cho nóng lên. Phương pháp xoa là dùng vân ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn trên da chỗ đau. Tay thầy thuốc di chuyển trên da người bệnh. Thủ thuật này mềm mại, thường ở bụng hoặc nơi có sưng đỏ. Thao tác xoa có tác dụng tăng cường tiêu hóa, thông khí huyết, làm hết sưng, giảm đau.

Day rồi đấm hai bên thắt lưng 3 lần. Thao tác day như sau: dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón tay cái, hơi dùng sức để ấn xuống da người bệnh và di động theo đường tròn. Tay của thầy thuốc và da của người bệnh dính với nhau, da người bệnh di động theo tay thầy thuốc. Phương pháp này thường làm chậm, còn mức độ nặng hay nhẹ, to hay nhỏ tùy tình hình bệnh. Đây là thủ thuật mềm mại, hay dùng ở nơi đau, ở nơi nhiều thịt. Nó có tác dụng làm giảm sưng, hết đau, khu phong, thanh nhiệt, giúp tiêu hóa.

Tìm điểm ấn đau ở lưng, day từ nhẹ đến mạnh. Thao tác thực hiện như sau: dùng ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay út và mô ngón tay cái ấn vào một nơi hoặc vào huyệt. Tác động chính là sức qua da vào thịt hoặc xương hoặc vào huyệt. Tác dụng của thao tác là thông kinh lạc, thông chỗ bị tắc, giảm đau.

Ngoài ra có thể thực hiện các thao tác: ấn các huyệt: thận du (từ đốt sống lưng L2-L3 ra 1,5 thốn), đại trường du (từ đốt sống lưng L4-L5 ra 1,5 thốn), hoàn khiêu (chỗ lõm trên mấu chuyển lớn xương đùi), ủy trung (ở giữa nếp lằn khoeo)... mỗi huyệt làm khoảng nửa phút. Lăn hai bên thăn lưng và cột sống 3 lần. Phân hợp hai bên thăn lưng 3 lần. Véo cột sống lưng 1-2 lần. Phát huyệt mệnh môn 3 cái.

Xoa bóp điều trị phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

Nguyên nhân của bệnh theo y học cổ truyền là do: Hỏa thịnh (thận thủy kiệt, tâm hỏa bốc mạnh); Phong dương (thận âm hư, can dương vượng bốc lên hóa hỏa gây nội phong); Đàm nhiệt (thấp sinh đàm, đàm uất sinh nhiệt, nhiệt thịnh sinh phong).

- Tư thế người bệnh: nằm ngửa hoặc ngồi

Nguyên tắc là làm nhẹ nhàng, tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp khoảng 20-30 phút.

- Thao tác

Vùng đầu cổ:

Xoa vùng cổ cho nóng lên, day vùng cổ gáy 3 lần, sau đó bóp vùng cổ 3 lần.

Bấm các huyệt: bách hội (trên đỉnh đầu), tứ thần thông (4 huyệt ở trước, sau, phải, trái của bách hội 1 thốn), phong trì (từ xương chẩm C1 đo ra ngoài 2 thốn) mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.

Chi trên:

Dùng tay trái nâng cánh tay liệt của người bệnh, tay phải xát dọc mặt trong, ngoài, trước, sau cánh tay (từ dưới lên trên) 3 lần. Lăn dọc từ cổ tay tới bả vai trước sau 3 lần. Bóp từ trên xuống dưới trước sau 3 lần. Sau đó dùng ngón tay cái day mặt gan bàn tay và mặt mu bàn tay liệt, miết dọc kẽ ngón tay.

Bấm các huyệt khúc trì (điểm tận cùng ngoài nếp gấp khuỷu), hợp cốc (nằm ở kẽ giữa xương đốt bàn ngón cái và ngón trỏ), mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.

Một tay giữ cố định vai người bệnh, tay kia nắm vào phần cánh tay bệnh nhân, vận động khớp vai bệnh nhân nhẹ nhàng theo các chiều của khớp. Sau đó, dùng một tay cố định cánh tay bệnh nhân, tay kia nắm cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp khuỷu. Tiếp theo là cố định cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp cổ tay và các khớp bàn ngón với cách tương tự.

Chi dưới:

Xát dọc mặt trước, sau, trong, ngoài từ cổ chân tới đùi, mỗi mặt 3 lần; day mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; lăn mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; bóp dọc từ dưới lên cả 4 mặt, mỗi mặt 3 lần.

Bấm các huyệt lương khâu (từ góc trên bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng lên 3cm), túc tam lý (từ góc dưới bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng xuống 4,5 cm), dương lăng tuyền (từ đầu dưới xương bánh chè đo xuống 3 cm rồi đo ngang ra ngoài 1,5 cm), tam âm giao (từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn).

Một tay giữ cẳng chân bệnh nhân, tay kia nắm đầu gối bệnh nhân, nâng chân cho cẳng chân gập vào đùi, đùi gập vào bụng, làm khoảng 5-10 lần. Sau đó, một tay giữ gót bệnh nhân, tay kia nắm ngón chân bệnh nhân, quay cổ chân 2-3 lần, đẩy ngược bàn chân về phía cẳng chân 2-3 cái.

TS. BS. Dương Trọng Nghĩa
(BV Y học cổ truyền T.W)

Ý kiến của bạn