Hà Nội

Xóa bỏ trồng cây thuốc phiện: Trăm cái khó

29-04-2013 15:14 | Pháp luật
google news

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong niên vụ 2011- 2012, diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy tại nước ta đã tăng khoảng 14% so với niên vụ trước và chủ yếu tập trung ở các tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu... Riêng các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã phát hiện và triệt phá trên 5 tấn cần sa tươi và gần 9.200 cây cần sa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong niên vụ 2011- 2012, diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy tại nước ta đã tăng khoảng 14% so với niên vụ trước và chủ yếu tập trung ở các tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu... Riêng các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã phát hiện và triệt phá trên 5 tấn cần sa tươi và gần 9.200 cây cần sa. Đây là thực trạng đáng báo động đối với chính quyền và lực lượng chức năng ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng tỉnh Lai Châu, giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Lai Châu đã phát hiện, phá nhổ gần 600.000m2 cây thuốc phiện ở các xã vùng cao thuộc huyện Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường và Phong Thổ. Với đặc thù địa bàn cùng với những phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu vẫn lén lút tái trồng cây thuốc phiện trên những diện tích đồi núi hiểm trở. Phá nhổ cây thuốc phiện đã trở thành kế hoạch hằng năm của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Nhưng làm thế nào để triệt để loại bỏ trồng và sử dụng cây thuốc phiện vẫn còn là bài toán khó đối với chính quyền và lực lượng chức năng.

Ngoài những khó khăn như các nương thuốc phiện rất xa xôi, hẻo lánh, có những đám nương để đi đến 2 ngày trong rừng mới đến được, các lực lượng chức năng còn thường gặp phải sự chống trả giấu mặt của các chủ nương bằng cách đặt bẫy hoặc dùng súng kíp. Hơn nữa, hầu hết những nương thuốc phiện khi được phát hiện đều vô chủ. Điều đáng lo ngại là: Diện tích phá nhổ cây thuốc phiện năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2005 phá nhổ được 107.539m2 - tăng 97.219m2 so với năm 2004; đến năm 2008 phá nhổ 194.355m2 - tăng 142.586m2 so với năm 2007; năm 2010 diện tích phá nhổ được tăng 4.914m2 so với năm 2009. Riêng địa bàn xã Tà Tổng, đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã phá nhổ hơn 1 nửa diện tích trồng cây thuốc phiện toàn tỉnh.

Sự tăng lên về mặt diện tích trồng cây thuốc phiện là điều dễ hiểu khi mà thực tế, quy định về xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Điều 192 của Bộ luật Hình sự năm 1999, để xử lý về mặt hình sự đối với người trồng cây thuốc phiện thì người đó phải được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Để làm được điều này trong điều kiện địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi hiểm trở như các tỉnh miền núi là một vấn đề không dễ.

Để loại bỏ cây thuốc phiện, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy, không chỉ có lực lượng chức năng mà cần có sự tích cực vào cuộc của cả cộng đồng trong việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, phát hiện, vận động, tố giác người dân xóa bỏ cây thuốc phiện, xét xử các vụ án ma túy lưu động trên địa bàn nhằm tăng sức răn đe, giáo dục. Đặc biệt là có các giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Mạnh Cầm


Ý kiến của bạn