Xóa bỏ thành kiến bệnh phong: Kinh nghiệm quý của Ninh Thuận

02-12-2015 07:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo quan niệm xưa, phong là một trong 4 bệnh được gọi là tứ chứng nan y “phong, lao, cổ, lại” (phong cùi, lao, xơ gan cổ trướng và ung thư).

Khám cho bệnh nhân phong.

Trong đó bệnh phong bị người đời ghê sợ nhất vì những sự tàn phá lở loét, biến dạng, cùi cụt trên cơ thể người bệnh. Trước kia Ninh Thuận có số người mắc bệnh phong khá cao. Từ tháng 4/1992, Chương trình Phòng chống phong ở đây được triển khai tích cực từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, thôn và đến nay đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Trước kia, người bệnh phong bị coi là do “Trời phạt”, bị dân làng giết chết hoặc xua đuổi vào sâu trong rừng để “tự sinh, tự diệt”. Người bệnh phong tụ họp lại với nhau, đùm bọc nhau để sống qua ngày và gần như hoàn toàn biệt lập với cộng đồng và cả người thân thích. Nỗi ghê sợ ấy cứ đeo đẳng mãi cho đến các đời con, cháu họ, khiến cả gia đình họ cũng không thể nào thoát ra khỏi những làng cùi. Nhiều người giấu bệnh, sống âm thầm trong gia đình, tạo ra nguồn lây nhiễm trong gia đình, trong cộng đồng. Tháng 4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, Chương trình Phòng chống bệnh phong được triển khai tích cực, mạng lưới cán bộ y tế phòng chống phong được thành lập từ tuyến tỉnh (Trung tâm Bệnh Da liễu tỉnh) đến huyện, xã và cộng tác viên ở các thôn, tuy nhiên gặp muôn vàn khó khăn. Việc chuyển biến nhận thức về bệnh phong của xã hội và người dân vô cùng gian nan. Cán bộ y tế phải kiên trì, nhiều lần đi lại thuyết phục để người bệnh phong chấp nhận điều trị.

Hình ảnh trực khuẩn Hansen gây bệnh phong trên kính hiển vi.

Những năm gần đây, Chương trình Phòng chống phong đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động: tập huấn cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên, giáo viên kiến thức về bệnh phong, kỹ năng phát hiện bệnh nhân phong, tư vấn, vận động họ chấp nhận điều trị; Truyền thông giáo dục sức khỏe để mọi người cùng biết bệnh phong. Triển khai khám sàng lọc tại cơ sở khám chữa bệnh đa khoa và tại cộng đồng, người nghi mắc bệnh phong sẽ được tư vấn và điều trị ở Trung tâm Phòng chống Bệnh Da liễu kịp thời theo phác đồ đa hóa trị liệu; bệnh nhân bị phế nặng được đưa về cơ sở điều trị để chăm sóc lỗ đáo, bó nẹp bột chỉnh hình, cấp giầy để hạn chế mức độ tàn phế và khuyết tật. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội đã liên hệ với các tổ chức quốc tế (Indicap International, Tổ chức Cứu trợ bệnh phong của Hà Lan, Tổ chức FRF, Tổ chức OMF, Bệnh viện Da liễu Trung ương...) hỗ trợ kinh phí sửa nhà, xây nhà tình thương, cấp bò, heo, cấp vốn để bệnh nhân phong làm sinh kế.

Từ năm 1992 đến tháng 6/2015, toàn tỉnh đã khám phát hiện 1.275 ca và được đa hóa trị liệu, hiện còn quản lý 235 bệnh nhân phong (điều trị, giám sát sau khỏi bệnh và chăm sóc lỗ đáo). Hiện nay các chỉ số tỷ lệ bệnh lưu hành là 0,02/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện bệnh là 0,5/10.000 dân và tỷ lệ tàn tật nặng/bệnh nhân mới (độ II) là 0% đều đạt và vượt chỉ tiêu loại trừ bệnh phong của Bộ Y tế. Ngày 28 - 29/10/2015, Ninh Thuận đã được công nhận loại trừ bệnh phong.


BS. Nguyễn Năm
Ý kiến của bạn